Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BTC quy định tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước. Theo đó, Thông tư này quy định việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh; vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương. Áp dụng cho các đối tượng sau: Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước.
Ngày 17/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Theo đó, Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Ngày 01/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Theo đó, Nghị định này quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức. Được áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - năm 2024 vào Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Ngày 27 tháng 5 năm 2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định ssoos 59/2020/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự. Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự. Áp dụng đối với cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
Ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định; trưng cầu giám định; thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp; hiệu lực thi hành.