Thực hiện Quyết định số 1767/QĐ-BTP ngày 27/10/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp, ngày 28/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2018 và thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 và Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp. Sau đây bài viết xin giới thiệu sự cần thiết ban hành và các nội dung của Thông tư như sau:
Để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BTP). Thông tư số 08/2017/TT-BTP gồm 36 điều quy định chi tiết 03 vấn đề được luật giao: (i) Về hợp đồng thực hiện TGPL (Khoản 6 Điều 14); (ii) Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL (khoản 3 Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý); (iii) Việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự TGPL và mẫu Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự TGPL (khoản 4, Điều 20). Ngoài ra, nhằm bảo đảm Luật TGPL năm 2017 có thể triển khai thi hành từ ngày 01/01/2018, Thông tư số 08/2017/TT-BTP còn hướng dẫn 02 nội dung: (1) Giấy tờ chứng minh người thuộc diện TGPL và (2) Mẫu giấy tờ dùng trong hoạt động nghiệp vụ TGPL.
Ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Nghị định gồm 22 Điều, quy định chi tiết 05 nội dung được giao trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: (1) về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; (2) tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) và Chi nhánh của Trung tâm; (3) chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; (4) thủ tục thanh toán vụ việc trợ giúp pháp lý; (5) thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Ngày 08/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình (sau đây gọi là Quyết định). Quyết định này bao gồm 02 nội dung là: (1) Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (Tích hợp 02 Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020); (2) Thực hiện hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong trường hợp địa phương chưa tự cân đối ngân sách không thể bảo đảm chi trả cho các vụ việc này để triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.