Nghị định số 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc

31/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Theo đó, quy định về thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động, không kể thời gian đóng trùng của các hợp đồng lao động; thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian người lao động giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 mà được tính hưởng bảo hiểm xã hội thì thời gian đó được tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
+ Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Một số điểm mới của Nghị định như sau:

1. Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho người lao động

Quy định này áp dụng cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:
- Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
- Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì Nghị định mới đã nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ giới hạn là người lao động bị bệnh nghề nghiệp như trước đây.
TT Các loại hỗ trợ Mức hỗ trợ tối đa từ ngày 15/9/2020 Mức hỗ trợ tối đa trước ngày 15/9/2020
1 Chuyển đổi nghề nghiệp Không quá 15 lần mức lương cơ sở
2 Khám bệnh nghề nghiệp Không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám Không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám
3 Chữa bệnh nghề nghiệp Không quá 15 triệu đồng/người Không quá 10 lần mức lương cơ sở/người
4 Phục hồi chức năng Không quá 03 triệu đồng/người/lượt Không quá 02 lần mức lương cơ sở/người/lượt
5 Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 100% kinh phí chi cho việc điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm công tác phí, chi phí thuê chuyên gia, phí trưng cầu giám định, in ấn các tài liệu liên quan. 100% kinh phí chi cho việc điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về công tác phí, thuê chuyên gia và phí trưng cầu giám định
6 Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động - Hỗ trợ huấn luyện lần đầu:
+ An toàn vệ sinh viên: Không quá 150.000 đồng/người;
+ Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế: Không quá 300.000 đồng/người;
+ Người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 600.000 đồng/người;
+ Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 700.000 đồng/người.
- Hỗ trợ huấn luyện định kỳ: Không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu
- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người;
- Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người;
- Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn, vệ sinh viên: Không quá 1/4 mức lương cơ sở/người.
- Mức hỗ trợ tối đa: 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy

2. Hỗ trợ kinh phí chữa bệnh không quá 15 triệu đồng

Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp như sau:
- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
- Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Như vậy, so với quy Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp được giới hạn bằng một số tiền cụ thể thay vì khống chế là không quá 10 lần mức lương cơ sở/người như trước. Mức giới hạn mới này phù hợp với lộ trình bỏ quy định về mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.

3. Giảm điều kiện hưởng tiền chữa bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 20 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
- Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp.
- Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.
Nghị định mới đã bỏ điều kiện người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế vì nếu giữ thì nhiều người lao động không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

4. Người lao động không nghỉ việc không được nghỉ dưỡng sức

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 9 Nghị định này còn quy định trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.
Nghị định quy định các điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 30 tháng 6 năm 2016 trở về trước được tính là thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này, trừ đối tượng chỉ tham gia vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Nghị định 88/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2020. Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Người đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2016./.
 

Xem thêm »