Một số nội dung trợ giúp pháp lý mới được thông qua

06/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Nghị quyết số 162/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Nghị quyết số 163/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý. Đây là những văn bản có quy định về nội dung trợ giúp pháp lý, sau đây xin giới thiệu một số nội dung trợ giúp pháp lý mới được Quốc hội thông qua.

1. Trợ giúp pháp lý trong Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (Luật số 59/2024/QH15)
Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024, gồm 10 chương và 179 điều. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp này là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp. Luật điều chỉnh về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Theo Điều 3 Luật này, người chưa thành niên phạm tội là người phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. (khoản 1); người chưa thành niên là người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoản 2); người chưa thành niên là bị hại là người dưới 18 tuổi trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra (khoản 3); người chưa thành niên là người làm chứng là người dưới 18 tuổi biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng (khoản 4).
Một số quy định về trợ giúp pháp lý tại Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:
- Quyền được trợ giúp pháp lý được quy định như sau: Người chưa thành niên khi tham gia tố tụng hình sự được trợ giúp pháp lý miễn phí (khoản 3 Điều 14).
- Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội: Được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (điểm e khoản 1 Điều 21).

- Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng: Được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (điểm e khoản 1 Điều 22).
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư có trách nhiệm bồi dưỡng, hướng dẫn trợ giúp viên pháp lý, luật sư về kỹ năng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 31).
- Hỗ trợ chăm sóc phục hồi cho người chưa thành niên là bị hại: Bị hại là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền được bố trí nơi tạm trú an toàn, được tư vấn tâm lý, điều trị y tế, trợ giúp pháp lý, đào tạo kỹ năng, chăm sóc thay thế và hoạt động hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 161).
- Tại khoản 6 Điều 177 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phạm nhân.”;
+ Bãi bỏ điểm đ khoản 7.
Như vậy, với quy định này, Luật Tư pháp người chưa thành niên đã quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phạm nhân được trợ giúp pháp lý; đồng thời bãi bỏ quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
2. Trợ giúp pháp lý trong Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (Luật số 53/2024/QH15)
Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2024. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều (tăng 5 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 51 điều, bỏ 7 điều. Luật được ban hành nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Theo Điều 2 Luật này, mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác. Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác (khoản 1). Nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (khoản 7). Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh (khoản 8).
Một số quy định về trợ giúp pháp lý tại Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) như sau:
- Tại Điều 37 quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ. Trong các chế độ hỗ trợ có trợ giúp pháp lý (tại điểm đ khoản 1), áp dụng cho các đối tượng:
+ Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam;
+ Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước;
+ Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam thì tùy từng trường hợp được hưởng.
Những nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
- Tại Điều 41 quy định về hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý quy định: Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người (khoản 2).
- Tại Điều 46 quy định về các cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, trong đó có Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý (khoản 6).
- Tại Điều 47 quy định về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân quy định về nhiệm vụ của các cơ sở này, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý (điểm g khoản 1).
- Tại Điều 55 quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp, trong đó có việc quản lý, hướng dẫn trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (khoản 3).
- Tại Điều 61 bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14:
+ Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 như sau: “6a. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.”.
+ Bãi bỏ điểm g khoản 7.
Với quy định này, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã quy định nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người được trợ giúp pháp lý; đồng thời bãi bỏ quy định nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Như vậy, có thể thấy rằng, với các nội dung  trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), mở rộng thêm nhiều diện người được trợ giúp pháp lý miễn phí so với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Việc mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý vừa đáp ứng thực tiễn nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, không có khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý có thu phí, kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin của người dân về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
3. Trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia mới
Hiện nay, trợ giúp pháp lý là một trong những nội dung triển khai trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Mới đây, tại kỳ họp thứ 8 khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Nghị quyết số 162/2024/QH15) và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Nghị quyết số 163/2024/QH15), trong đó có nội dung về trợ giúp pháp lý như phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.v.v./.

Khả Hân

Xem thêm »