Quảng Nam: Trợ giúp pháp lý nơi vùng cao Tây Giang

09/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hôm nay được về lại với Tây Giang, được gặp anh ZơRâm Nhói, anh sinh ra và lớn lên tại thôn ADinh (ADinh 2 cũ), thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Cũng đã gần 20 năm cùng gắn bó với công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL), anh Nhói được bổ nhiệm là Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), Phó Trưởng Chi nhánh số 4, huyện Đông Giang quản lý luôn công tác TGPL tại huyện Tây Giang. Với bản chất thật thà, nhiệt huyết với công việc, dù mới được bổ nhiệm TGVPL nhưng anh đã có thể hiện tốt vai trò trong công tác bảo vệ, bào chữa cho các đối tượng được TGPL trên địa bàn Quảng Nam.

           Từ nghèo khó vươn lên
          ZơRâm Nhói là người con của quê hương thôn ADinh, xã Tà Lu, huyện Hiên (nay là thị trấn Prao, huyện Đông Giang), là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam. Nhưng bằng nghị lực, nhiệt huyết trong các phong trào hoạt động Công đoàn, Đoàn thanh niên để anh rèn luyện, cố gắng học tập tốt, nghiên cứu các văn bản pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn trong nhiệm vụ công tác được giao.
          Nhói thường xuyên đi tham gia cùng Phòng Tư pháp huyện để tư vấn, tuyên tuyền pháp luật, truyền thông TGPL ở cơ sở, được nhiều bà con vùng cao biết đến, mỗi khi có những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, bà con lại đến Chi nhánh TGPL số 4, huyện Đông Giang để nhờ anh tư vấn, giải thích và bảo vệ quyền lợi cho họ theo quy định pháp luật.
         Từ một chuyên viên trẻ còn nhiều bỡ ngỡ vốn đam mê với nghề, lại xuất thân từ một gia đình nghèo đã thôi thúc trong tâm hồn anh RơZâm Nhói thành một TGVPL nhiệt huyết, một cán bộ quản lý mẫu mực.  Ngoài ra, anh còn là người cha, người chồng trách nhiệm, luôn chia sẻ công việc cùng với vợ của anh.  
          Tham gia bào chữa vụ việc TGPL thành công hiệu quả
Năm 2021, theo đơn yêu cẩu của đối tượng được TGPL, anh đã tiếp nhận phân công bào chữa cho 01 vụ việc hình sự với 05 bị cáo thường trú tại xã AVương, huyện Tây Giang, các bị cáo đã vào khu nội trú trường Trung học phổ thông Võ Chí Công thuộc thôn AGròng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang để thực hiện hành vi “Trộm cắp tài sản”. Hội đồng định giá tài sản trong hoạt động tố tụng huyện Tây Giang xác định tổng giá trị tài sản mà các bị cáo trộm cắp là: 4.500.000đ (bốn triệu năm trăm nghìn đồng). Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Giang đã truy tố các bị can ALăng Bê, ALăng Trình, ALăng Kính, ALăng Hiên và Bhling Đậu về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử, xử phạt ALăng Bê từ 9 đến 12 tháng tù giam; xử phạt ALăng Trình, ALăng Kính, ALăng Hiên từ 9 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo; xử phạt Bhling Đậu từ 6 tháng đến 9 tháng tù cho hưởng án treo.
Người bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý ZơRâm bào chữa cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, thiệt hại gây ra không lớn, tài sản thu hồi trả lại cho bị hại; các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo ALăng Bê hình phạt tù cho hưởng án treo. Áp dụng Điều 36 Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo ALăng Trình, ALăng Kính, ALăng hình phạt cải tạo không giam giữ; đối với bị cáo Bhling Đậu phạm tội khi đang là người dưới 18 tuổi nên áp dụng Điều 91, Điều 101 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo mức thấp nhất của khung hình phạt, cải tạo không giam giữ. Các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, hộ nghèo nên đề nghị xem xét miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ALăng Bê 12 tháng tù cho hưởng án treo; ALăng Trình, ALăng Kính, ALăng 9 tháng tù cho hưởng án treo; Bhling Đậu 6 tháng tù cho hưởng án treo;
Trao đổi phỏng vấn với phóng viên VTV8, ông Phạm Văn Hân, Thẩm phán, Chánh án TAND huyện Tây Giang, khẳng định: “Trong phiên tòa tham gia bào chữa cho các bị cáo, TGVPL đã thể hiện tốt vai trò, tích cực tham gia hỏi các bị cáo để làm rõ các vấn đề trong vụ án, đồng thời đưa ra bản luận cứ thấu tình đạt lý, nêu rõ các tình tiết giảm nhẹ để Hội đồng xét xử xem xét, qua nghị án Hội đồng xét xử đã cân nhắc với nhiều tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, các bị cáo nhận thức pháp luật còn hạn chế… và chấp nhận lời đề nghị của TGVPL, tuyên phạt các bị cáo theo quy định pháp luật. Sau khi tuyên án, bà con tham dự phiên tòa đều phấn khởi với những phán quyết thấu tình đạt lý, đồng tình ủng hộ Hội đồng xét xử và TGVPL bào chữa trong vụ án”.
Từ những tiêu chí của Bộ Tư pháp, để TGVPL tham gia tố tụng có được một vụ việc thành công hiệu quả theo các tiêu chí là vô cùng khó khăn, nhưng chính từ sự cần mẫn, yêu nghề mà RơZâm Nhói đã có những thành công của ngày hôm nay. Phẩm chất quan trọng của một người TGVPL là lòng yêu nghề, luôn gần dân. Nhưng trên hết cả, anh Nhói có tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia yêu thương mọi người. Quảng Nam là một tỉnh có nhiều huyện miền núi, đối tượng được TGPL đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên công tác TGPL rất cần những người TGVPL như anh để chính sách TGPL được đến với cuộc sống bà con vùng cao, là điểm tựa vững chắc để bảo vệ, bào chữa tốt nhất cho các đội tượng được TGPL trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Thế Cẩm, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ: “Công tác TGPL đã giúp cho nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu pháp luật hơn, các TGVPL đã đưa ra các tài liệu, chứng cứ bào chữa cho các đối tượng được TGPL, qua đó đảm bảo quyền lợi của họ theo quy định, đồng thời đề xuất những quan điểm, lập luận có lý, có tình để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ, tuyên phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…”
Thành công của anh Nhói hôm nay là động lực để cho các đồng nghiệp, các TGVPL khác phấn đấu cống hiến, trưởng thành và góp phần nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, các cấp chính quyền, ngành Tư pháp tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng cho các TGVPL của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
 Trao đổi với Đoàn công tác, bà Bhling Bơn, Chủ tịch xã AVương, tâm sự: “Từ những công việc tư vấn pháp luật, bào chữa cho các bị cáo trong Bản án số 01/2021/HSST ngày 20/4/2021 của TAND huyện Tây Giang đã giúp cho các bị ăn nhận ra được hành vi phạm tội của mình, tự rèn luyện, tự lao động, từ đó trở về chăm lo cho gia đình; các ban ngành đoàn thể thường xuyên tuyên truyền người dân sống, làm việc theo pháp luật, từ khi đó đến nay trên địa bàn xã cuộc sống bà con được yên bình, an ninh khá tốt, mọi người đều cố gắng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương”.
Ngào ngạt hương Pơ Mu, lung linh những cành hoa lan đua nở đang chào đón một mùa xuân mới nơi núi rừng Tây Giang, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số từng ngày đổi thay, với những chính sách pháp luật, TGPL gắn với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, công tác TGPL thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực, hy vọng trong năm mới TGPL Quảng Nam sẽ gặt hái nhiều thắng lợi, số lượng TGVPL đạt chỉ tiêu tốt cao, vụ việc thành công hiệu quả nhiều hơn trong thời gian đến./.
                                                                         Lê Nguyễn - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam
 

Xem thêm »