Trong khuôn khổ Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp ở Việt Nam (EUJULE) do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ, ngày 28/12/2020, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tổ chức hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trực tại Tòa án nhằm lấy ý kiến của cơ quan quản lý TGPL, người thực hiện TGPL, cán bộ tòa án, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo tài liệu hướng dẫn người thực hiện TGPL trực tại Tòa án.
Chủ trì hội thảo có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì là bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp và bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP Việt Nam. Tham dự hội thảo có ông Đặng Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hoà, bà Vũ Thị Nguyệt, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; đại diện Tòa án nhân dân, Công an tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa; Lãnh đạo Trung tâm TGPL, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Bình, Gia Lai, Bến Tre, bà Bùi Thị Hiền, cán bộ pháp lý của UNDP.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cù Thu Anh cho biết: theo khoản 9 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động phối hợp về TGPL đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về giải thích, thông báo, thông tin về TGPL, bảo đảm cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng. Ngày 05/11/2019, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 244/TANDTC-PC chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Chánh án tòa án quân sự các cấp "Phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại Tòa án mình phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất thực tế của địa phương…". Thực tiễn công tác TGPL trong tố tụng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: số lượng vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được TGPL và vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, số lượng vụ việc TGPL do Tòa án các cấp chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các Tòa án thụ lý, tiếp nhận… Do đó sẽ có khả năng bỏ sót người thuộc diện được TGPL, nhiều người dân không được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí.
Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Hiện nay, mặc dù chưa có quy định cho người thực hiện TGPL trực tại trụ sở Tòa án nhưng một số địa phương như: Quảng Bình, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bến Tre, Bạc Liêu đã triển khai việc cử người thực hiện TGPL trực tại Tòa án để tiếp nhận và tư vấn cho người thuộc diện TGPL về quyền được TGPL, các vấn đề liên quan đến vụ việc. Hướng dẫn 2, Nghị quyết số 67/187 ngày 20/12/2012 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về các nguyên tắc và hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự của Liên hợp quốc đã ghi nhận các quốc gia cần bảo đảm dịch vụ TGPL cần được cung cấp tại các đồn cảnh sát, cơ sở giam giữ, tòa án và nhà tù. Thực tiễn nhiều nước (Trung Quốc, Canada,Úc…) cũng đã áp dụng chế định người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng…
Từ thực tiễn công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhằm nâng cao hơn nữa sự chủ động của người thực hiện TGPL trong việc tiếp cận người thuộc diện TGPL, góp phần thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10, được sự hỗ trợ của Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, Cục TGPL phối hợp với chuyên gia của UNDP xây dựng dự thảo tài liệu hướng dẫn người thực hiện TGPL trực tại Tòa án. Tài liệu được xây dựng tập trung vào việc đánh giá sự cần thiết phải có người thực hiện TGPL trực tại tòa án, lựa chọn Tòa án thực hiện trực, bố trí phòng trực, những người có thể trực tại Tòa án; thời gian, hình thức trực, các công việc người thực hiện TGPL cần làm khi trực tại trụ sở Tòa án, đặc biệt tài liệu đi sâu vào một số kỹ năng của người thực hiện TGPL trực tại Tòa án; kỹ năng trực tại điện thoại, sự phối hợp giữa người trực và Trung tâm, trách nhiệm của Cục TGPL, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước trong việc triển khai việc thực hiện trực… Ông Cù Thu Anh cũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, góp ý về các nội dung của tài liệu. Đồng thời, các đại biểu tích cực chia sẻ những thông tin, kết quả, kinh nghiệm về người thực hiện TGPL trực tại tòa án ở địa phương và có những đề xuất về việc triển khai người thực hiện TGPL trực tại tòa án sao cho đạt kết quả tốt nhất, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận dịch vụ TGPL, hiện thực hóa quyền được TGPL của họ đã được pháp luật quy định.
Phát biểu tại hội thảo, bà Diana Torres - Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng đồng tình cho rằng việc xây dựng tài liệu người thực hiện TGPL trực tại Toà án là cần thiết nhằm có những kiến nghị để có thể hỗ trợ nhanh nhất cho người được TGPL khi đến Toà trong thời gian tới. UNDP mong muốn các đại biểu có những chia sẻ, đề xuất xác đáng để hoàn thiện tài liệu, phục vụ hữu ích cho người thực hiện TGPL trực tại Toà án trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Thị Minh - Chuyên gia UNDP trình bày tài liệu hướng dẫn người thực hiện TGPL trực tại Tòa án
Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh, chuyên gia UNDP trình bày dự thảo tài liệu người thực hiện TGPL trực tại Toà án. Dự thảo tài liệu bao gồm những nội dung cơ bản: (1) sự cần thiết có người thực hiện TGPL trực tại tòa; (2) các yếu tố cần thiết liên quan đến việc trực tại tòa án; (3) công việc của người thực hiện TGPL khi trực; (4) trách nhiệm của các chủ thể trong việc triển khai thực hiện trực và (5) kinh nghiệm người thực hiện TGPL trực ở Thuỵ Sỹ, Úc và Canada. Với kinh nghiệm những năm làm công tác quản lý TGPL và có nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật tố tụng, công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng và thực tiễn việc cử người thực hiện TGPL trực tại toà án ở một số nước chuyên gia đã đưa ra nhiều phân tích sâu sắc về những công việc người thực hiện TGPL cần phải làm khi trực, những điểm cần lưu ý về kiến thức, kỹ năng, phối hợp với cán bộ toà án…
Chuyên gia nước ngoài - ông Patrick Burgess đã chia sẻ kinh nghiệm về việc người thực hiện TGPL trực tại Toà ở Nam Phi, Philippines, Indonesia và Nepal thông qua một video. Chuyên gia cũng đã nhấn mạnh những lợi ích của việc có người thực hiện TGPL trực tại toà án, đánh giá hiệu quả của từng nước. Hội thảo được nghe tham luận của Toà án nhân dân tối cao và 3 tham luận về "người thực hiện TGPL trực tại Tòa án ở địa phương - Thực trạng và giải pháp" của Trung tâm TGPL tỉnh Bến Tre, Quảng Bình, Ninh Thuận.
Các đại biểu tham dự hội thảo phát biểu đều cơ bản đồng tình với dự thảo tài liệu, cho rằng tài liệu đã đánh giá, phân tích một cách toàn diện về việc người thực hiện TGPL trực tại Toà, đặc biệt là các kỹ năng, các công việc mà người trực cần nắm vững khi trực tại tại trụ sở hay trực qua điện qua điện thoại; trách nhiệm của các chủ thể trong việc triển khai thực hiện trực; đồng thời đề nghị bổ sung thêm cộng tác viên TGPL (nguyên là Thẩm phán, Kiểm sát viên…) cũng được trực tại Toà; nguồn kinh phí chi cho người trực; cân nhắc việc trực tại tòa án ở những huyện vùng sâu, xa trụ sở Trung tâm và các ý kiến đóng góp cụ thể về mô hình trực tại Tòa án... Kết thúc hội thảo, ông Cù Thu Anh đã ghi nhận và khẳng định các ý kiến đóng góp chất lượng, là cơ sở để chuyên gia phối hợp với Cục TGPL hoàn thiện tài liệu để các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương mình (thực trạng công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, số lượng án xét xử trên địa bàn, nguồn nhân lực của Trung tâm TGPL,…) để áp dụng cho phù hợp.
Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ - Cục TGPL