Hội thảo định hướng xác định rào cản trong tiếp cận trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái

15/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện quyết định số 749/QĐ-BTP ngày 19/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Dự án "Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế" do Ngân hàng thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, ngày 12/10/2023, tại Yên Bái, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo "Định hướng xác định rào cản trong tiếp cận trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái".

Chủ trì hội thảo là ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái. Tham dự hội thảo có Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Quản đốc dự án và cán bộ đại diện Ban quản lý dự án Bộ Tư pháp; đại diện Ngân hàng Thế giới, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Yên Bái; đại diện Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Phòng Tư pháp huyện, đại diện lãnh đạo của một số xã, đại điện người được trợ giúp pháp lý ở Yên Bái… Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên và Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên là tỉnh cùng với Yên Bái được lựa chọn thực hiện Dự án. 
Hội thảo đã được nghe bà Vũ Thị Hường, thay mặt Ban quản lý dự án Bộ tư pháp, giới thiệu về mục đích, kế hoạch và các hoạt động của Dự án "Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế". Mục tiêu tổng thể của dự án là cải thiện việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và thúc đầy trao quyền pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tập trung vào các tỉnh được lựa chọn tại khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Mục tiêu cụ thể của dự án là nâng cao nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý và tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức xã hội phù hợp với quy định của pháp luật. Hội thảo do Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tổ chức là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoat động năm 2023 của Dự án nhằm xác định những rào cản trong tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân. Trên cơ sở xác định những rào cản về văn hoá, giới tính, quyền riêng tư, ngôn ngữ và những hạn chế khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…, phân tích nguyên nhân của các rào cản này để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc để nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và những người dễ bị tổn thương khác ở tỉnh Yên Bái.
Hội thảo đã được nghe 15 tham luận và ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu đại diện Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Yên Bái, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban Dân tộc, Đoàn Luật sư tỉnh, Phòng Tư pháp huyện, Ủy ban nhân dân xã, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và người dân đã được trợ giúp pháp lý. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo tập trung vào thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý ở Yên Bái; công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý; những khó khăn, vướng mắc của người dân ở Yên Bái trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ khác có liên quan, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân bị xâm hại…; trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức ở cơ sở đối với công tác trợ giúp pháp lý và đề xuất giải pháp để bảo đảm quyền được tiếp cận công lý, được trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế.
Ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái kết luận: qua một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã đạt được mục đích đề ra. Hội thảo đã trao đổi các nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chính trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân ở Yên Bái, cụ thể là: các hoạt động truyền thông trợ giúp pháp lý tuy đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau nhưng hiệu quả chưa cao cho một số nhóm đối tượng (nhất là người dân tộc thiểu số); trình độ nhận thức, hiểu biết của người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế còn hạn chế; trạng thái tâm lý tự ty, mặc cảm, e ngại của người dân khi tiếp xúc với các cơ quan có liên quan, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức khác; điều kiện sinh sống của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thưởng ở thôn, bản cách xa trung tâm (có nơi cách xa trên 200km), điều kiện đi lại khó khăn, đèo dốc nguy hiểm; sự khó khăn về kinh tế cũng là một trở ngại khi người dân tìm đến các cơ quan nhà nước; sự bất đồng về ngôn ngữ (có nhiều người nói nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số khác nhau trong khi đội ngũ phiên dịch không nhiều) gây khó khăn khi yêu cầu giúp đỡ; một số cơ quan có thẩm quyền hoặc có liên quan chưa thật quan tâm đầy đủ, kịp thời trong việc thông báo, giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý; nguồn lực, kinh phí của Trung tâm trợ giúp pháp lý còn hạn chế…
Trên cơ sở đó, hội thảo cũng đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục khó khăn như: tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn để tiếp cận với người dân, giúp người dân hiểu rõ hơn về trợ giúp pháp lý; tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ chủ chốt cấp xã, trưởng thôn, bản, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng, từ đó giúp nhiều người dân biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ủy ban nhân dân cấp xã, giữa những người có hoạt động liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý tại cơ sở (công chức tư pháp hộ tịch, cán bộ hội phụ nữ, hòa giải viên, công an xã, trưởng thôn, bản…) làm cầu nối giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và người dân để cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý cho người dân kịp thời ngay tại cơ sở; tăng cường năng lực cho Trung tâm trợ giúp pháp lý cả về nhân lực, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý; đào tạo, bổ sung đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng của nhân dân trong thời gian tới.
                           
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái chủ trì Hội thảo
 
Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội thảo
 
Đại diện công an tỉnh tham luận tại Hội thảo
 
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu
 
Đại diện Toà án nhân dân tỉnh trình bày tham luận
 
Ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội thảo
 
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Yên Bái  Đỗ Viết Khoa trình bày tham luận
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
 
  Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »