Nâng cao kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình và người dân tộc thiểu số

24/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới tài trợ, ngày 22/4/2025 tại thành phố Hà Nội, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị “Tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình và người dân tộc thiểu số”.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Quản lý dự án chuyên trách Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên,  lãnh đạo và trợ giúp viên pháp lý các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh, Bạc Liêu.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh: người dân tộc thiểu số và nạn nhân của bạo lực gia đình là những nhóm yếu thế được pháp luật đặc biệt quan tâm, bảo vệ và thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý.

Trong thời gian qua các Trung tâm TGPL nhà nước và các tổ chức tham gia thực hiện TGPL đã tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này. Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số và nạn nhân bạo lực gia đình chiếm gần 30% tổng số vụ việc, phần lớn là các vụ tham gia tố tụng. Công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực gia đình; kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; thu hút sự quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như toàn xã hội đối với nhóm người dễ bị tổn thương này. Tuy nhiên, công tác tiếp cận nhóm đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù về tâm lý, hoàn cảnh và sự e ngại của họ.
Để bảo đảm chất lượng tập huấn, Ban Tổ chức mời giảng viên là các luật sư có kinh nghiệm hành nghề lâu năm, có kỹ năng tập huấn và thời gian cộng tác trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy học viên làm trung tâm, đồng thời khuyến khích trao đổi, thảo luận các tình huống phát sinh từ thực tế.



Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội và Luật sư Nguyễn Ngọc Lan chia sẻ về đặc điểm của người dân tộc thiểu số và nạn nhân bạo lực gia đình thường là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế, dễ bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Nạn nhân bạo lực gia đình bị ảnh hưởng tâm lý, thường lo lắng, sợ hãi. Người dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu, vùng xa, chịu ảnh hưởng mạnh bởi phong tục, tập quán và có trình độ pháp lý không đồng đều. Họ thiếu thông tin và không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp. Người thực hiện TGPL dễ gặp rào cản trong việc thiết lập mối quan hệ ban đầu, tạo niềm tin và hiểu rõ tâm lý của nhóm đối tượng này. Chính vì vậy, việc giao tiếp, tiếp xúc thường phải có kỹ năng đặc biệt. Một trong những kỹ năng tư vấn cho người dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực gia đình là cần lắng nghe không phán xét, tạo không gian an toàn để họ mở lòng, sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, cảm thông, khuyến khích họ chia sẻ và đưa ra lựa chọn, cần giải thích rõ quyền lợi, phương án hỗ trợ, đồng thời tôn trọng quyết định của họ. Trong tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL cần bảo vệ quyền lợi người dân tộc thiểu số và nạn nhân bị bạo lực gia đình một cách toàn diện, kịp thời từ khâu thu thập chứng cứ đến trình bày trước cơ quan tố tụng, cần giải thích rõ quy trình, quyền và nghĩa vụ của họ bằng cách dễ hiểu, tránh gây lo lắng. Đồng thời, người thực hiện TGPL cần đồng hành về mặt tâm lý, giúp họ đủ an tâm và tự tin trong suốt quá trình tố tụng.


Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, tích cực liên quan đến những đặc điểm của nhóm đối tượng này, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện trợ giúp pháp lý và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này. Đặc biệt, đồng chí Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên chia sẻ với Hội nghị kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình và các kỹ năng lựa chọn cơ chế để trợ giúp cho đối tượng này trên địa bàn tỉnh Điện Biên.


Bế mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đánh giá Hội nghị tập huấn diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và Ngành Tư pháp đang quan tâm đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ngành, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì vậy, lớp tập huấn lần này là dịp để các trợ giúp viên pháp lý cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội và bảo vệ quyền con người. Đồng chí Vũ Thị Hường cũng ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự tập huấn và chỉ đạo Ban Tổ chức tiếp tục nghiên cứu tổ chức các lớp tập huấn có chất lượng để nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý./.
Thanh Hà, Phòng Quản lý trợ giúp pháp lý,
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »