Hội nghị “Đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”

24/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm mục đích triển khai có hiệu quả nội dung về TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ngày 18/11/2022, tại Gia Lai, Cục TGPL tổ chức Hội nghị “Đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Đến dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước cùng các Trợ giúp viên pháp lý các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hoà và Tuyên Quang, các đồng chí đại diện Phòng Tư pháp các huyện, đại diện UBND xã, công chức Tư pháp hộ tịch và đại diện các tổ chức đoàn thể các xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ hội đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng của các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
 


Chủ trì Hội nghị, bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục TGPL phát biểu khai mạc Hội nghị đã điểm lại một số kết quả đạt được trong việc thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại cần khắc phục và mong muốn các đại biểu tham dự đề xuất những sáng kiến, ý tưởng để có những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả nội dung về TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 


Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 04 bài tham luận của Cục TGPL,  Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Lắk và các ý kiến tham gia đóng góp. Các tham luận và ý kiến phát biểu cho thấy, hiện nay công tác TGPL có vị trí quan trọng trong việc thực hiện các nội dung trong 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia[1] trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Điều đó chứng tỏ vị trí, vai trò của công tác TGPL đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bởi những kết quả tích cực trong thời gian qua. Ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tại nội dung 05 - nội dung thành phần số 08 của Quyết định quy định: “Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý”.
Để triển khai một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung về TGPL , ngày 10/6/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1918/BTP - TGPL về việc thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.[2]
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai nội dung TGPL trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg và Công văn số1918/BTP-TGPL, một số Trung tâm TGPL nhà nước đã tham mưu Sở Tư pháp hoặc Sở Tư pháp tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành văn bản triển khai[3].
Qua nắm bắt tình hình triển khai của các địa phương, một số tỉnh đã được bố trí kinh phí thực hiện, một số địa phương lồng ghép thực hiện các nội dung TGPL bằng nguồn kinh phí thường xuyên để thực hiện, một số Trung tâm đã lập dự toán kinh phí năm 2023 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Một số Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tổ chức các cuộc truyền thông về TGPL đến các vùng nông thôn; xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn điểm về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL, tổ chức chuyên đề TGPL điểm kết nối cộng đồng.
 Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương về Chương trình còn chưa được quan tâm nên việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đa số các địa phương chưa được cấp kinh phí triển khai các hoạt động TGPL trong Chương trình, hoặc được cấp kinh phí nhưng ở mức thấp, kinh phí cấp cho công tác TGPL còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao; ở một số địa phương, hiệu quả của công tác truyền thông còn chưa đáp ứng được đặc điểm của từng nhóm dân cư, cũng như đặc thù của vùng, miền hay từng dân tộc khác nhau; chưa có cơ chế để huy động những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như: cán bộ xã, công an xã, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín…để giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người được TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL.

 


Các tham luận và ý kiến của các đại biểu đã đề xuất những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả nội dung về TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí cho nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường và đổi mới các hoạt động truyền thông về TGPL phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; triển khai các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL cho người dân; Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về hoạt động TGPL trong xây dựng nông thôn mới, từ nhà ra ngõ, từ thôn, khu dân cư lên xã, lên huyện; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn trong việc triển khai có hiệu quả công tác TGPL trong xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hoàng Hà cảm ơn và ghi nhận những ý kiến thiết thực của các đại biểu, đề xuất trong thời gian tới Cục TGPL tiếp tục kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của địa phương, từ đó có giải pháp đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong thực hiện chấm điểm, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
 

Tuyết Minh-Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý

 
 

 

[1] Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025.
[2] Nội dung về nâng cao nhận thức, thông tin về TGPL; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ TGPL được hướng dẫn như sau:
- Nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về TGPL cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, công chức tư pháp hộ tịch,…..), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL/người thực hiện TGPL tại địa phương;
- Tăng cường hiểu biết về TGPL của người dân vùng nông thôn nhằm kịp thời tiếp cận TGPL khi có yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật; tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hoặc luân phiên theo địa bàn để hướng dẫn người dân vùng nông thôn hiểu biết về TGPL và tiếp cận TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật;
- Tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác TGPL dưới nhiều hình thức tại vùng nông thôn ở các địa phương để nâng cao nhận thức về vai trò của công tác TGPL nói chung và nhận thức về quyền được TGPL của người dân vùng nông thôn nói riêng; đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL phù hợp với từng đối tượng, đặc thủ địa bàn vùng nông thôn, trình độ dân trí của người dân như: cung cấp các tài liệu về chính sách pháp luật TGPL cho người dân vùng nông thôn; xây dựng các nội dung truyền thông về TGPL với nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho phù hợp với điều kiện người dân vùng nông thôn;
- Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động TGPL tại vùng nông thôn;
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, tổ chức hữu quan tại cơ sở ở các địa phương vùng nông thôn để thực hiện có hiệu quả hoạt động TGPL;
- Nghiên cứu để có thể thực hiện phối hợp các hoạt động TGPL phù hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.
 
[3] Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Tiền Giang (ban hành Công văn); Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Hậu Giang (ban hành Kế hoạch).

Xem thêm »