Tập huấn thử Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

24/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Bộ Tư pháp năm 2022, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ (EU JULE), nhằm trang bị kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đồng thời lấy ý kiến trực tiếp của người thực hiện trợ giúp pháp lý một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình trên cơ sở tài liệu hướng dẫn xây dựng năm 2020, trong hai ngày 23 và 24/6/2022, Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức buổi tập huấn thử đối với tài liệu trên tại thành phố Lào Cai.

Buổi tập huấn thử có sự tham dự của gần 30 đại biểu là các Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định và Hậu Giang.
Tại buổi tập huấn thử, đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc cho rằng theo quy định của Luật TGPL 2017, diện người được TGPL đã nâng lên 14 nhóm đối tượng, ước tính chiếm khoảng 45% dân số nên việc cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời và có chất lượng cho đối tượng được TGPL là rất cần thiết. Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình sẽ giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ giảng viên nguồn trong lĩnh vực này, sau tập huấn này họ sẽ truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương.

 

Bà Vũ Thị Hoàng Hà - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc

Bà Đỗ Thúy Vân - Đại diện nhà tài trợ UNDP đã phát biểu nêu rõ mục đích chính của buổi tập huấn và mong muốn của nhà tài trợ trong việc nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
 
 Bà Đỗ Thúy Vân - Đại diện nhà tài trợ UNDP phát biểu tại buổi tập huấn thử

Giảng viên của buổi tập huấn PGS. TS. Ngô Thị Hường, Giảng viên cao cấp – Nguyên Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình của Đại học Luật Hà Nội đã giới thiệu sự cần thiết xây dựng tài liệu, mục đích, yêu cầu của việc xây dựng Bộ tài liệu; khung pháp lý quy định về những vấn đề trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đưa ra những khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn trợ giúp pháp lý và cách giải quyết và chia sẻ một số kỹ năng cần lưu ý khi thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc về hôn nhân và gia đình.
 
PGS. TS. Ngô Thị Hường, Giảng viên cao cấp – Nguyên Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình của Đại học Luật Hà Nội đang trao đổi với những ý kiến của học viên

Bên cạnh đó, buổi tập huấn còn có sự tham gia từ chuyên gia nước ngoài, bà Evalyn Gonzales Ursua – chuyên gia quốc tế của UNDP giảng dạy trực tuyến, đã cung cấp những kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình và có nhận xét về phương pháp tập huấn và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện hơn.
Các học viên của lớp tập huấn thử đã trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình hành nghề để hoàn thiện dự thảo Bộ tài liệu tập huấn cho giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình trên cơ sở tài liệu hướng dẫn xây dựng năm 2020. Bên cạnh đó, các học viên cũng được giảng viên truyền đạt các kỹ năng giải quyết trong vụ việc hôn nhân và gia đình và thực hành các tình huống thực tiễn.

 
Bà Evalyn Gonzales Ursua – chuyên gia quốc tế của UNDP giảng dạy trực tuyến

Bế mạc buổi tập huấn thử, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu sẽ phối hợp với giảng viên để tiếp thu những ý kiến góp ý từ chuyên gia và các học viên để hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình./.
 Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Xem thêm »