Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2021/TT-BTP), trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy trình về lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL. Theo đó, quy trình về lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BTP) đã quy định quy trình lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL. Sau 03 năm thực hiện, Thông tư đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương triển khai các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đồng bộ, thống nhất. Đến hết năm 2020, đã có 32 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL; 197 tổ chức đăng ký tham gia TGPL; 620 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Một số Trung tâm có nhiều luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý là: Hồ Chí Minh, Đồng Tháp; An Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn.
Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2021/TT-BTP), trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy trình về lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL. Theo đó, quy trình về lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, chỉnh sửa thời hạn nộp hồ sơ. Trước đây, thời hạn quy định trong Thông báo để luật sư/tổ chức nộp hồ sơ phải tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải (ví dụ: ngày 01/02/2020 Thông báo được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp địa phương thì thời hạn nộp hồ sơ phải là ngày 21/02/2020 hoặc có thể dài hơn do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước/Sở Tư pháp quyết định và ghi cụ thể trong Thông báo). Để quy định này được rõ hơn, Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định thời hạn nộp hồ sơ được quy định cụ thể trong thông báo, tối thiểu là 20 ngày, tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải.
Thứ hai, bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua thư điện tử. Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định 02 hình thức nộp hồ sơ lựa chọn luật sư/tổ chức là nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Để thuận tiện hơn cho luật sư/tổ chức, Thông tư số 03/2021/TT-BTP bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ qua thư điện tử. Thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Trung tâm/Sở Tư pháp. Nếu thời điểm hồ sơ gửi đến thư điện tử của Trung tâm ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp.
Trường hợp nộp hồ sơ qua thư điện tử thì khi đến ký hợp đồng thì luật sư/tổ chức phải nộp đầy đủ hồ sơ nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin khi Trung tâm/Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đối với luật sư/tổ chức.
Thứ ba, hồ sơ lựa chọn được giảm bớt thành phần tài liệu. Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định thành phần hồ sơ lựa chọn luật sư/tổ chức gồm 03 thành phần tài liệu chính gồm: a) Giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; b) Bản sao thẻ luật sư (đối với luật sư)/ Bản sao Giấy đăng ký hoạt động (đối với tổ chức); c) Bản giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý (đối với luật sư); Bản giới thiệu về tổ chức và hoạt động của tổ chức tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó nêu rõ số luật sư, số tư vấn viên pháp luật làm việc tại tổ chức (kèm theo bản sao thẻ luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật), vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý, cơ sở vật chất và các nội dung khác (đối với tổ chức). Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã gộp giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với bản giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng; kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư/tổ chức vào 01 giấy để bao quát, đầy đủ hơn.
Thứ tư, giảm thời gian đánh giá hồ sơ và ký hợp đồng với luật sư/tổ chức: thời gian đánh giá hồ sơ là 10 ngày (giảm 5 ngày so với quy định hiện hành), trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài thời gian đánh giá nhưng không quá 03 ngày làm việc (giảm 02 ngày so với quy định hiện hành).
Thứ năm, bỏ quy trình ký phụ lục hợp đồng: Bỏ quy định về phụ lục hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc thỏa thuận các điều khoản cụ thể do các bên chủ động thỏa thuận.
Thứ sáu, sửa đổi quy định chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện của luật sư/tổ chức ký hợp đồng khi chấm dứt hợp đồng
Đối với tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, khi chấm dứt hợp đồng, Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định: “Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý”.
Đối với cá nhân (luật sư, cộng tác viên) khi chấm dứt hợp đồng, Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định “Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, cá nhân chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho Trung tâm. Trung tâm phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý”.
Thanh Hà