Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi theo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030

04/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi một cách tổng thể, toàn diện, ngày 21 tháng 12 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Đối tượng của Chương trình gồm: Người cao tuổi, ưu tiên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; hộ gia đình có người cao tuổi; Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người cao tuổi.

Chương trình được ban hành với mục tiêu: 
Thứ nhất, phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi;
Thứ hai, tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí;
Thứ ba, nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số; huy động khu vực tư nhân vào tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Một trong những nội dung của Chương trình là trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Mục tiêu trợ giúp pháp lý của Chương trình trong giai đoạn 2022 – 2025 là ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; tiến tới giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu là ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
Chương trình đề ra một số nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi như sau:
a) Tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người cao tuổi khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành có nhu cầu trợ giúp pháp lý và tại Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương;
b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi;
c) Truyền thông về trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi thông qua các hoạt động thích hợp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến chức năng nhiệm vụ theo nội dung của Chương trình.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì "Người cao tuổi có khó khăn về tài chính" thuộc diện được TGPL (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý.
 Ngoài ra, người cao tuổi cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau:
  • Người cao tuổi là người có công với cách mạng,
  • Người cao tuổi là người thuộc hộ nghèo,
  • Người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Người cao tuổi là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính;
  • Người cao tuổi là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính;
  • Người cao tuổi là người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
  • Người cao tuổi là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính;
  • Người cao tuổi là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính;
  • Người cao tuổi là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.

Thanh Hà - Cục TGPL
 

Xem thêm »