Dịch vụ trợ giúp pháp lý được xác định là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu

28/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp, theo đó đã xác định dịch vụ trợ giúp pháp lý là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu.

Trên cơ sở đó, tại Quyết định cũng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Được xác định là một dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu đã phần nào khẳng định vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý trong công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, hoạt động trợ giúp pháp lý là một hoạt động có tính chất, định hướng phát triển khác biệt với hoạt động bổ trợ tư pháp, không nằm trong nội hàm hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong khi bổ trợ tư pháp gồm các hoạt động: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp, mặc dù tính chất, mức độ tác động của mỗi hoạt động có khác nhau thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Ngành Tư pháp, của Nhà nước tham gia vào hoạt động xét xử. Người thực hiện trợ giúp pháp lý là một bên của quá trình tranh tụng, có quan hệ mật thiết và trực tiếp đến chất lượng xét xử của Tòa án.
Về định hướng phát triển, trong khi hoạt động bổ trợ tư pháp định hướng là xã hội hóa tùy theo mức độ, có nội dung được xã hội hóa hoàn toàn như luật sư, có nội dung được xã hội hóa một phần như công chứng… thì định hướng phát triển của hoạt động trợ giúp pháp lý là: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước đối với trợ giúp pháp lý. Tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; Quyết định số 2069/QĐ-TTg và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định trợ giúp pháp lý là dịch vụ sự nghiệp công lập thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và trong quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp, mỗi tỉnh, thành phố đều có 01 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố để cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý; các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Ngoài ra, tại Quyết định 2070/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu về các mục tiêu cụ thể như sau:
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025
- Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp: Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và đồng bộ, thống nhất, đảm bảo cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp. Trong quá trình sắp xếp, đến năm 2025, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
- Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính: Các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu đến hết năm 2025, có tối thiểu 20% số đơn vị tự chủ tài chính. Giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2026-2030
- Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
- Đến năm 2030, giảm bình quân cả nước ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025 và 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu so với giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu đến hết năm 2025, có tối thiểu 20% số đơn vị tự chủ tài chính. Giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Về nội dung quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công chứng và đấu giá tài sản như sau:
 Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công chứng, giai đoạn 2021-2025, duy trì các Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tại những nơi chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ công chứng; không thành lập mới Phòng công chứng đối với những nơi đã xã hội hóa được hoạt động công chứng. Tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; các Phòng công chứng tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho Phòng công chứng so với giai đoạn 2016-2020; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; duy trì Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục duy trì các Phòng công chứng hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ công chứng; đẩy mạnh mức độ tự chủ tài chính hàng năm.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực đấu giá tài sản, giai đoạn 2021-2025, duy trì các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ đấu giá tài sản; những nơi chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản thì duy trì các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hiện có; không thành lập mới Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động của các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản so với giai đoạn 2016-2020; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục duy trì các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ đấu giá tài sản; đẩy mạnh mức độ tự chủ tài chính hàng năm, phấn đấu chỉ còn Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước./.
 
TT - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 

Xem thêm »