Cảm xúc làng Ren

18/05/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vượt qua hơn 60km đường rừng núi, đoàn công tác của chúng tôi đến UBND xã Long Môn, huyện Minh Long. Đến nơi, chúng tôi được cán bộ của xã thông báo sẽ thực hiện trợ giúp pháp lý tại thôn Làng Ren, là một trong 2 thôn khó khăn và xa nhất của xã.

 Đoạn đường từ UBND xã đến thôn Làng Ren khoảng 7km nhưng phải chạy xe máy hơn một giờ, Đoàn chúng tôi mới đến được Nhà văn hóa của thôn. Tôi nghe các đồng chí của xã bảo: “Đường như thế này là tốt lắm rồi anh chị ạ! Cách đây chừng một năm chúng tôi muốn lên thôn phải đi bộ cả ngày trời”. Đường đến thôn gập ghềnh, đèo toàn dốc đá rất khó đi, đến thôn lại không thể liên lạc với bên ngoài bằng sóng điện thoại. Ở đây đã có điện nhưng hệ thống liên lạc viễn thông vẫn chưa đến được với bà con thôn bản. Những phiên chợ di động bằng xe máy chỉ đến được xã chứ chưa đến thôn nên cuộc sống của người dân nơi đây mang tính chất tự cung, tự cấp là chính.

Thôn Làng Ren có khoảng 80 hộ dân với hơn 315 nhân khẩu, phần lớn là người dân tộc Hre, có duy nhất một hộ người kinh. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa rẫy, đánh bắt cá dưới suối, săn bắt để phục vụ nhu cầu sống hàng ngày của mình…. Cây keo, cây mía, cây mì đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều bà con dân tộc thiểu số tại sáu huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi nhưng nó chưa mang lại cái ăn, cái mặc cho bà con nơi đây. Tôi nghe cụ già làng bảo: ở đây mùa nắng thì nắng lắm, nhưng mỗi khi có mưa là mưa suốt và lạnh nên cây keo, cây mía, cây mì chưa mang lại năng suất cao, đường xá đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con vất vả lắm. Cuộc sống nghèo khó là vậy, nhưng đây được coi là một trong 4 thôn có tỷ lệ con em đi học và trình độ dân trí cao nhất của xã. Những buổi hội họp, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các văn bản pháp luật đều được bà con tham gia nhiệt tình. Đúng như lời các đồng chí của xã trao đổi, khi đoàn công tác của chúng tôi đến thôn Làng Ren, có khoảng 100 người dân tham gia buổi trợ giúp pháp lý lưu động, sự vui mừng và háo hức của họ thể hiện rõ trên từng nét mặt trẻ, già. Suốt cả buổi sinh hoạt, ai ai cũng chú ý lắng nghe, họ giữ cẩn thận những tờ gấp pháp luật mà chúng tôi phát. Các cán bộ của xã cho biết tình hình an ninh chính trị tại thôn làng Ren tương đối ổn định, ở đây có một trường hợp về chặt phá rừng phòng hộ, đã được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo. Suốt buổi trợ giúp pháp lý, đoàn công tác của chúng tôi đã tư vấn và giải đáp các vướng mắc pháp luật của bà con xoay quanh các lĩnh vực như: bảo vệ và phát triển rừng; phòng, chống bạo lực gia đình, đất đai… Qua đó, giúp bà con hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế những vi phạm và tranh chấp xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Sau buổi công tác, chúng tôi được bà con mời cơm với những món ăn rất giản dị nhưng chứa đựng tình cảm chân thành: một tô canh mít non nấu lá lốp, một ít cá suối kho tiêu bên nồi cơm nấu bằng gạo lúa rẫy. Bữa cơm ấy tuy không nhiều món nhưng tôi cảm thấy ngon lạ, ngon bởi sự nhiệt tình và hiếu khách của bà con. Tạm biệt bà con, chúng tôi về xuôi, những ánh mắt trìu mến của bà con vẫn đọng mãi trong tim tôi như nhắn gửi với chúng tôi rằng: lần sau cán bộ lại lên đây nữa nhé, mang kiến thức pháp luật đến cho chúng tôi. Xa bà con, lòng tôi nặng trĩu, biết đến khi nào bà con mới thoát nghèo./. 

                                                                          Hồng Tràng - Trung tâm TGPL Quảng Ngãi

Xem thêm »