Câu chuyện về cuộc giải cứu bé gái người dân tộc H'Mông trong đêm giá rét

04/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cái giá rét nơi vùng biên giới đã cắt da, cắt thịt thế mà vụ việc Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5, huyện Mường Nhé tiếp nhận còn khiến người ta tê tái hơn. Vụ việc đã xảy ra vào một chiều đông năm 2019, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn bồi hồi. Để hưởng ứng ngày thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý, tôi xin được chia sẻ về vụ việc như là một sự giải bày nổi niềm của những người làm công tác trợ giúp pháp lý cũng như sự tri ân đối với những thành quả mà tổ chức trợ giúp pháp lý trong đó có Trợ giúp pháp lý Điện Biên đã đạt được.

Cuối giờ chiều, khí trời âm u, rét buốt; Chi nhánh TGPL số 5 tiếp hai công dân người dân tộc H Mông. Người cha giới thiệu tên là Sùng A P, bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ông P dẫn theo một bé gái khoảng 13, 14 tuổi. Hai cha con đều dè dặt, ánh mắt có vẻ như đang lo sợ điều gì đó. Người cha trình bày lý nhí, còn cô con gái chỉ cúi mặt. Bản thân tôi là người dân tộc H Mông, biết và hiểu về tiếng nói, phong tục cũng như những nếp sống của người H Mông. Tôi đã động viên, chia sẽ và khi thấy rằng cán bộ TGPL là chỗ dựa cho mình; ông P mới yên tâm trình bày rằng: Ông cưới vợ từ năm 1997, không đăng ký kết hôn, có con chung và rồi sống ở vùng sâu ông cũng không hiểu nổi “ly hôn” là gì. Khi không còn thích nhau nữa, năm 2006 ông và vợ tự chia con, chia của rồi tự cho mình cho cái quyền “tự ly hôn”. Theo đó, Ông P nhận nuôi một con chung; vợ ông nhận nuôi hai con, trong đó có cháu S (sinh năm 2006 và là đứa trẻ ông dẫn đến Chi nhánh TGPL số 5). Ông lấy vợ mới, vợ cũ của ông cũng lấy chồng mới, nhưng đến năm 2010 thì bà chết. Sau khi bà chết 02 con chung của ông bà được bố dượng mang theo đến nhà em trai của bố dượng để ở cùng. Cuộc sống của người dân vùng cao đã nghèo, đã khó thế mà cuộc sống của hai đứa trẻ không còn mẹ, theo bố dượng để nương nhờ vào họ hàng lại càng khốn khó hơn. Biết được hoàn cảnh các con, nên năm 2016 ông P đã xin đón các cháu về chăm sóc, nhưng bố dượng các cháu chỉ cho đón một cháu, còn cháu S thì họ không cho đón với lý do cháu là con gái đã bao năm họ nuôi dưỡng sắp đến tuổi lấy chồng. Ông P không hiểu biết pháp luật để giành quyền nuôi con mà ngậm ngùi nhìn con chịu khổ ở gia đình “người dưng”. Cái sự ngậm ngùi chịu đựng của ông đã phải trả giá bằng sự việc ngày hôm nay. Cháu S mới hơn 13 tuổi nhưng đã lấy chồng đến một xã vùng cao của huyện Phong Thổ, Lai Châu. Hay tin con lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ, ông P đã tìm cách liên lạc với con và gọi vợ chồng con gái về nhà chơi. Lúc này, ông nghe được câu chuyện trong nước mắt của con gái mình. Cháu S quá khổ sở khi chưa một lần được mặc cái áo mới, váy mới, ăn bữa đói, bữa no; tháng 2 năm 2019 cháu lấy chồng là do bị ép chứ cháu không hề mong muốn và đã bỏ trốn nhiều lần nhưng không thành. Cháu cũng nói với cha mình, với cán bộ TGPL rằng: Nếu lần này mà bắt cháu về nhà chồng nữa thì cháu sẽ ăn lá Ngón tự tử.
Nghe đến đây, tim tôi như chùng lại. Tôi biết, người H Mông, đặc biệt là phụ nữ khi họ cùng quẫn họ thường tìm đến lá Ngón để về với núi rừng, về với đất mẹ. Phải làm sao đây để cứu đứa trẻ tội nghiệp này???
Trăn trở, nhưng lúc này đã 18 giờ, trời mùa đông nhá nhem tối. Tôi bảo hai cha con về mai quay lại làm việc tiếp và khuyên hãy thận trọng sợ họ đến gay bất lợi. Khi hai cha con ra khỏi cửa, tôi gọi người cha quay lại dặn dò thêm rằng trong thời gian này đừng xa con gái hãy thận trọng sợ họ đến bắt đi. Đồng thời cung cấp số điện thoại cá nhân cho người cha và dặn nếu có gì cấp bách cần giúp đỡ thì hay liên hệ tôi bất cứ lúc nào. Đúng như linh tính từ trước, tôi về đến nhà thì nhận được cuộc gọi của ông P nói rằng “Hãy cứu con gái tôi”, chồng của con gái và hai người đàn ông lạ mặt đã có mặt ở nhà ông P để chờ bắt cháu S. Nghe xong, tôi khuyên hãy bình tĩnh, để xem họ có hành động gì và nếu họ gây bất lợi thì gọi tôi đến hỗ trợ. Thế nhưng không thấy gọi lại, tôi yên tâm chìm sâu vào giấc ngủ trong màn sương lạnh giá nơi vùng biên tổ quốc và tôi chỉ bị đánh thức bởi chuông điện thoại. Lúc đó là 4 giờ sáng,nghe giọng người cha run run rằng: "anh ơi sang giúp bố con em với, cả  đêm họ không ngủ, ban đầu họ khuyên con em quay về cùng chồng nhưng bây giờ họ làm căng quá, thằng Ngải A Ch chồng con gái em cầm tay con em lôi không được, thì lại túm tóc và véo tai con gái em. Họ hung hăng quá, em không biết phải nói gì nữa rồi, nếu không nhanh họ sẽ bắt con gái em đi mất". Nghe vậy, tôi bật dậy mặc quần áo phi xe đi theo chỉ dẫn của người cha trong sương mù dày đặc. Khi đến nơi, tôi thấy ba ông khuôn mặt lầm lì nhìn tôi với sắc mặt khó coi, sắc mặt người cha lộ rõ sự sợ hãi và bất lực, còn bé gái đứng sát góc nhà tối đen. Tôi chào hỏi mọi người rồi ngồi bên bếp lửa hồng, sau một hồi làm quen người trẻ tuổi tuyên bố: “tôi đến đưa vợ tôi là Chang Thị S về”. Nghe vậy, tôi vờ không biết để người trẻ tuổi giải thích, sau đó tôi hỏi cháu Sùng Thị S (Chang Thị S) và cháu từ chối đi cùng họ. Người trẻ tuổi nói: "tôi phải đưa vợ về giao cho bố mẹ nó ở huyện Tủa Ch, đây không phải là bố vợ tôi. Nếu mọi người không cung cấp được giấy tờ chứng minh họ là cha con ruột thì bằng mọi giá tôi phải đưa vợ đi cho dù có phải chở như chở lợn". Nghe vậy, tôi yêu cầu người thanh niên tên Ngải A Ch xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn, thì Ngải A Ch lý nhí trả lời là không có giấy chứng nhận kết hôn và im lặng không nói thêm gì.Còn hai người đàn ông trung niên đi cùng Ngải A Ch tỏ thái độ bức xúc và cho rằng ông Sùng A P không cho con gái về cùng họ thì ông P phải trả số tiền gần ba chục triệu cho Ngải A Ch. Họ nói đây số tiền nhà trai đưa cho nhà gái làm tổ chức đám cưới. Thấy vậy, tôi giải thích rằng số tiền đưa cho ai thì đòi người đó. Riêng Sùng Thị S là người dưới 18 tuổi, mẹ đã chết nên ông Sùng A P là cha ruột là người đại diện theo pháp luật của cháu S.  Sau đó, tôi giải thích, phân tích pháp luật về hôn nhân và gia đình, một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan cho mọi người nghe và khi nghe xong thì mọi người không ý kiến gì nữa nhưng họ mong muốn thông qua ông Sùng A P để được lấy lại số tiền. Nghe vậy, tôi nói hãy để cha con Sùng A P, Sùng Thị S viết đơn đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định và khuyên họ về nhà chờ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giấy triệu tập thì ra trình bày với cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Đến 7 h sáng, tôi dẫn hai cha con ông P, cháu S đến trự sở Chi nhánh TGPL số 5 để báo cáo vụ việc đến Giám đốc Trung tâm TGPL Điện Biên và xin ý kiến để ông P viết đơn tố cáo đến cơ quan công an có thẩm quyền.
Hiện tại, vụ việc đã kết thúc, cháu S đã được về sống cùng cha và các chị, em ruột. Cách đây hai tháng khi có chuyến công tác về cơ sở, tôi đã ghé thăm gia đình ông P, nhìn nụ cười hôn nhiên, hai má ửng hồng hạnh phúc của cháu S tôi lại thầm thốt lên rằng “Trợ giúp pháp lý đã cứu giúp được những phận đời mỏng”.
                                                                                                                                                                                        Lý A Chía 
                                                                                                                                                  Chi nhánh TGPL số 5, Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên.

 

Xem thêm »