Tính hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong một số vụ việc cụ thể

17/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Được xác định là một nội dung trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong thời gian qua, để góp phần vào kết quả chung, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã tích cực cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sau 26 năm thành lập đến nay, trên toàn quốc đã thực hiện được khoảng 2,4 triệu lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có khoảng 490 nghìn lượt người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm gần 21%). Số lượng vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả ngày càng nhiều lên, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng lợi cho người được TGPL như chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn; bị hại được tăng mức bồi thường thiệt hại hay người bị buộc tội được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội...
Bài viết tập trung vào nêu, phân tích tính hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong một số vụ việc cụ thể. Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn rất đa dạng, phong phú về lĩnh vực, tính chất, mức độ, có thể là bảo vệ bị hại trong vụ việc mua bán người, bảo vệ nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án tranh chấp đất đai, trong vụ án ly hôn; bào chữa cho người bị buộc tội trong vụ việc vi phạm quy định kha thác rừng, lâm sản, vi phạm phòng cháy chữa cháy, trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép vật liệu nổ,v.v.
1. Hiệu quả của trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người bị buộc tội trong vụ việc vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
C.Đ và T đi cưa gỗ thuê tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia. T dùng cưa máy để cắt còn C.Đ thì phụ, hai người cưa hạ được 01 cây Bình Linh 3 lá thuộc nhóm III. Qua 5 ngày, T trực tiếp cưa hạ được 05 cây. Sau khi khai thác xong, K thuê C.Đ và hai người khác dùng bò để kéo gỗ về. Tổng số gỗ kéo về là là 05 khúc (hộp), tương đương 0,55m3. Khi gỗ được vận chuyển về thì C.Đ và hai người khác giao lại cho K. C.Đ phụ cưa cho T được 02 ngày và tham gia kéo gỗ được 02 ngày nên được trả 600.000 đồng. Theo Kết luận giám định, toàn bộ 06 cây gỗ Bình linh 3 lá mà các đối tượng khai thác thuộc “rừng phòng hộ đầu nguồn và là vùng đệm của Vườn Quốc gia P, là rừng gỗ tự nhiên núi đất đá rộng thường xanh nghèo, xen lẫn trạng thái rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa tự nhiên núi đất”. C.Đ bị Công an huyện B đề nghị truy tố theo điểm d, Khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Bản kết luận điều tra vụ án hình sự. Bản Cáo trạng của viện kiểm sát truy tố C.Đ về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo khoản 1 Điều 232 BLHS 2015.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh N.T thực hiện TGPL cho C.Đ. Trợ giúp viên nhận thấy không có cơ sở để điều tra, truy tố C.Đ về hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015 và chứng minh được hành vi của C.Đ xảy ra trước thời điểm ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), do đó nếu áp dụng khoản 1 Điều 232 BLHS 2015 vừa gây bất lợi cho bị can C.Đ vừa vi phạm tinh thần Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự.
Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra các luận cứ hành vi của C.Đ xảy ra trước 01/01/2018. Đến năm 2019, hành vi của C.Đ mới bị điều tra, truy tố. Với hành vi của C.Đ, theo quy định của khoản của Bộ luật hình sự 1999 thì hành vi chưa cấu thành tội phạm. Đồng thời chứng minh vai trò của C.Đ chỉ là phụ giúp K trong việc cưa 01 cây. Hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Về nhân thân, C.Đ là người dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, là người không biết  chữ, nhận thức pháp luật bị hạn chế và gia cảnh khó khăn. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị áp dụng Bộ luật hình sự 1999, đình chỉ điều tra, truy tố đối với C.Đ. Kết quả, Toà án đã trả hồ sơ cho Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Kết quả Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can C.Đ.
2. Hiệu quả khi trợ giúp pháp lý bào chữa cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người bị buộc tội trong vụ việc cố ý gây thương  tích
Khoảng 19h ngày 25/01/2020, do mâu thuẫn lời nói qua lại nên H.V.R đánh vào đâu H.V.V. Do bị đánh nên H.V.V đánh vào vùng đỉnh – thái dương trái làm H.V.R bị thương phải đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện, tỷ lệ thương tích là 1%. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện ĐR truy tố bị cáo H.V.V về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, i Khoản 1 Điều 134 BLHS.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Q.T thực hiện TGPL cho H.V.V. Nhận thấy hành vi phạm tội của H.V.V thuộc một trong các trường hợp nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án được đình chỉ, trợ giúp viên pháp lý đã giải thích cho H.V.V hiểu, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, hướng dẫn H.V.V chủ động hòa giải, bồi thường thiệt hại cho bị hại. Đồng thời, trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, giải thích ý nghĩa của việc bị hại rút yêu cầu khởi tố khi nhận tiền bồi thường. Sau khi được phân tích và nhận bồi thường, H.V.R đã làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Tại phiên Tòa, trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án, bởi hành vi phạm tội của bị can là ít nghiêm trọng. Hậu quả xảy ra không lớn, tỷ lệ thương tích là 0,1%. Bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Về nhân thân, H.V.V không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn là 06/12 vì thế trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bị hại H.V.R đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị caó.
Kết quả, HĐXX xét thấy tại phiên tòa việc anh H.V.R rút đơn là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, cưỡng bức nên căn cứ khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ vụ án bị Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐR truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, i Khoản 1 Điều 134 BLHS đối với H.V.V.
Bào chữa thành công cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong vụ việc Cố ý gây thương tích khác:
Do mâu thuẫn trong việc nuôi tôm, vào khoảng 19 giờ ngày 17/9/2021, T.R đang ngủ ở chòi nuôi tôm thì nghe tiếng của L.T kêu R ra ngoài đánh nhau. Khi R đi ra nhìn thấy T cầm cây Chỉa dài 96cm, tiến đến đánh Thạch R, R đưa tay lên đỡ và bỏ chạy xuống ghe đang đậu dưới sông chụp lấy khúc cây dài 142 cm (cây dầm bơi xuồng) chạy lên đánh trúng vào đầu, tay phải, tay trái và mặt trái của T, khi T kêu cứu thì được người khác đến can ngăn và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận L.T có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 05%.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã truy tố bị cáo T.R về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình 2015. Tại phiên tòa vị Kiểm sát viên giữ nguyên Cáo trạng truy tố bị cáo T.R đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo T.R 04- 05 tháng tù.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho T.R thống nhất Cáo trạng về tội danh, khung hình phạt và các tình tiết giảm nhẹ hình sự, đồng thời phân tích trong vụ án bị hại cũng có một phần lỗi nền đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ sức răn đe giáo dục bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý cho bị cáo hưởng án treo không được chấp nhận. Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo T.R 04 tháng tù. Bị cáo T.R kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã, xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T.R. Trợ giúp viên pháp lý trình bày do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, 2 Điều 51, bị cáo đã bồi thường cho bị hại thêm số tiền 16.628.625 đồng, gia đình bị cáo có đến nhà bị hại xin lỗi, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, hơn nữa bị hại cũng có một phần lỗi trong vụ án này, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 cho bị cáo được hưởng án treo.
Kết quả, sau khi xem xét Hội đồng xét xử nhận định đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý là có căn cứ, xử phạt bị cáo T.R 04 tháng tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm.
3. Hiệu quả của trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người dân tộc thiểu số vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là bị cáo trong vụ án trộm cắp tài sản
Chiều ngày 22/3/2022, trên đường đi làm về YS điều khiển xe mô tô chở YR, khi đi qua đoạn nhà rẫy của anh H, YR nãy sinh ý định trộm cắp. Kết quả hai bao hồ tiêu khô mà YR và YS trộm cắp có trọng lượng cả hai bao là 130 kg, quy ra thành tiền là 9.542.000đ và bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
Tại bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo YR 10 tháng tù giam; YS 08 tháng tù giam, Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn 2 bị cáo làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện viện kiểm sát đề xuất giữ nguyên mức phạt như bản án sơ thẩm. Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm i, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS để tuyên bị cáo mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho hưởng án treo;
Kết quả, HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt 10 tháng tù cho bị cáo YR nhưng cho hưởng án treo, 08 tháng tù cho bị cáo YS nhưng cho hưởng án treo.
Một vụ việc hiệu quả khác khi trợ giúp pháp lý người dân tộc thiểu số cư trú vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong vụ án trộm cắp tài sản, cụ thể: Vào khoàng 15 giờ ngày 26/12/2022 C đi làm ruộng, khi đi nhà anh L trú cùng xóm C ghé vào nhà chơi, quan sát thấy không có ai ở nhà và nhìn thấy 02 chiếc điện thoại di động đang sạc trên ghế, lúc đó C lấy 02 chiếc điên thoại rồi đi bộ về nhà của mình, trên đường đi C làm rơi 01 chiếc điện thoại xuống nước làm chiếc điện thoại bị hư hỏng. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày biết anh L làm đơn trình báo đến cơ quan Công an nên C đến Công an xã đầu thú, nộp lại 02 chiếc điện thoại và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điểu 173; điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo C từ 06 đến 09 tháng tù. Trợ giúp viên pháp lý trình bày bản luận cứ bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xử mức phạt 6 tháng và cho hưởng án treo. Kết quả HĐXX tuyên bị cáo C 06 tháng tù (mức thấp nhất của khung hình phạt theo đề nghị của VKS) nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.
4. Hiệu quả của trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong vụ án tàng trữ trái phép vật liệu nổ
Khoảng đầu tháng 7/2021, B.V.M trên đường đi làm về thấy ở ven đường ngoài khu vực khai thác than của Công ty có một túi nilon màu hồng bên trong có hai thỏi thuốc nổ còn nguyên vẹn, một thỏi thuốc nổ dài khoảng 04 cm, 09 kíp nổ điện vỏ nhôm cỡ số 8. Quan sát xung quanh không có người nên B.V.M đã đem số thuốc nổ trên về dấu trên gác bếp, mục đích là để chữa bệnh ngoài da và đánh cá.
Tại Bản kết luận giám định số 6199/C09-P2 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: “Mẫu vật có ký hiệu T1 và T2 gửi đến giám định đều là thuốc nổ công nghiệp Amônít. Tất cả số thuốc nổ công nghiệp Amônít và kíp nổ điện vỏ nhôm cỡ số 8 trên đều còn sử dụng được.”
Quá trình điều tra, xác minh tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh và Sở Công thương xác định: Chỉ cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho doanh nghiệp, không cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho cá nhân.
Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện áp dụng khoản 1 Điều 305; điểm s khoản 1,2 Điều 51; Điều 38; Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hìnn sự. Điều 106, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xử phạt: B.V.M 15 (mười lăm) tháng tù về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
B.V.M kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo đã trình bày gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình có 04 con nhỏ, vẫn đang trong độ tuổi đi học. Có chú ruột là thương binh, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, phạm tội do bột phát nhất thời.
Kết quả, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Bùi Văn Mì 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
5. Hiệu quả của trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Khoảng 8 giờ sáng, ngày 11/03/2021 S.A.L đi xe máy chở vợ và con nhỏ đến mảnh nương của bố vợ cho mượn để trồng cỏ voi, chăn nuôi gia súc. Khi đi, L mang theo 01 chiếc bật lửa ga màu đỏ, 01 cái cuốc; đến nơi L và C đi vun cây, cỏ khô thành một đống ở giữa nương. Đến khoảng 09 giờ 30 phút, C đi trông con cách nương khoảng 20 đến 30 mét, còn Làng dùng bật lửa để châm lửa đốt đống cỏ đã vun, rồi bẻ cành cây tươi để đề phòng dập lửa nếu lửa cháy lan vào rừng. Tại thời điểm đốt nương, thời tiết nắng nóng, gió to nên ngọn lửa đã bùng lên, cháy lan vào khu rừng phòng hộ là khu rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện. L dùng cành cây để dập lửa nhưng không dập được. L và C gọi anh em, chính quyền đến giúp. Cuối cùng đám cháy được dập tắt. Diện tích rừng  bị thiệt hại là 29.600 m2, rừng phòng hộ là rừng trồng. Tổng cộng thiệt hại: 196.478.880 đồng.
Tại cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện đã truy tố S.A.L về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi đốt nương làm cháy lan vào rừng phòng hộ. Đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện xác nhận bị cáo đã tự nguyện mua cây giống về trồng tại toàn bộ diện tích 29.600 m2 rừng phòng hộ bị cháy. Tại phiên tòa Ban quản lý rừng phòng hộ huyện không yêu cầu bị cáo L bồi thường thiệt hại mà yêu cầu bị cáo Làng tiếp tục chăm sóc và bảo vệ 29.600 m2 rừng cho đến khi đạt tiêu chuẩn thành rừng và bàn giao cho Ban quản lỷ rừng phòng hộ huyện. Tại phiên tòa: Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm truy tố đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo S.A.L phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” đề nghị xử phạt S.A.L từ 02 năm đến 02 năm sáu tháng tù.
Ý kiến của trợ giúp viên pháp lý: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nên hiểu biết pháp luật còn hạn chế; khi lửa cháy lan vào rừng bị cáo đã chủ động  dập lửa và tìm người hỗ trợ dập lửa đã làm giảm bớt hậu quả thiệt hại về rừng; sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả là trồng lại rừng; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đại diện viện kiểm sát đề nghị xử phạt tù là quá nặng bởi bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, nên người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo có điều kiện chăm sóc, bảo vệ cây trồng, chăm nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo S.A.L phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 313; Điều 65; điểm a, điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự; xử phạt S.A.L từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 04 năm đến 05 năm.
Kết quả, HĐXX quyết định xử phạt S.A.L 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày xét xử sơ thẩm.
6. Hiệu quả trợ giúp pháp lý khi bào chữa cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là bị cáo trong vụ việc hủy hoại rừng
Từ khoảng tháng 01 năm 2022 H.V.A mua 01 mảnh đất rừng sản xuất của ông H.V.L với giá 10.500.000 đồng (mười triệu, năm trăm ngàn đồng). Sau khi thực hiện giao dịch mua bán đất xong, H.V.A chưa xác đinh rõ địa giới của mảnh đất mới mua của ông H.V.L, chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật mà đã thuê người cùng với H.V.A chặt phát cây rừng làm rầy trồng keo tràm dẫn đến việc chặt phát cây rừng với diện tích 1.75 ha (17.500 m²) do Uy ban nhân dân xã quản lý.
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã truy tố bị can H.V.A về tội “Huỷ hoại rừng” theo điểm đ Khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên bị cáo H.V.A phạm tội Huỷ hoại rừng, xử phạt bị cáo 24 tháng tù giam. Sau đó, bị cáo đã có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh.
Tại phiên toà phúc thẩm, Trợ giúp viên pháp lý đã bào chữa, ra tình tiết mới là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như bị cáo tự nguyện nộp thêm tiền để khắc phục thiệt hại, bị hại và các tổ chức đoàn thể tại xã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Kết quả, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Anh 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.
7. Hiệu quả của trợ giúp pháp lý khi bảo vệ cho người dân tộc thiểu số cư trú vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong vụ việc tranh chấp đất đai
Ông H.A.K và vợ có một khu đất rộng 127.527m2 do cha ông khai phá từ lâu đời, để lại cho hai vợ chồng ông canh tác và sử dụng từ trước những năm 1980, được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng năm 2006. Gia đình ông sử dụng ổn định lâu dài và không có tranh chấp gì với ai. Đến năm 2021 có 02 hộ dân G.A.X và G.A.D cư trú cùng thôn đến tranh chấp mảnh đất nêu trên của gia đình ông bà. Diện tích đất tranh chấp khoảng 60.000m2 (tương đương với 6ha) nằm trong mảnh đất nêu trên.
 Khi xảy ra tranh chấp vợ chồng ông K đã làm đơn lên Uỷ ban nhân dân xã để hòa giải nhưng ông X, ông D không đồng ý với nội dung hòa giải của xã. Ngày 04/5/2022, ông H.A.K và vợ đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thị xã yêu cầu giải quyết về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông với ông X và ông D. Nội dung yêu cầu: buộc ông X và D phải chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng đất với mảnh đất nêu trên đồng thời tháo giỡ toàn bộ nhà cửa, lán tạm mà ông X và ông D đã xây dựng trên mảnh đất của gia đình ông.
Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát nhân dân thị xã và người thực hiện trợ giúp pháp lý đều đề nghị HĐXX áp dụng Điều 164, Điều 166 của bộ luật dân sự 2015; khoản 1, Điều 147, khoản 1, Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26, Nghị quyết số 326/2016/-UBTVQH14, Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng đất với hộ gia đình ông bà H.A.K, trả lại cho nguyên đơn toàn bộ diện tích đất tranh chấp; đồng thời buộc ông Xóa phải di chuyển, tháo dỡ toàn bộ nhà lán tạm ra khỏi diện tích đất nêu trên.
Kết quả, HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, buộc:  Ông X, ông D chấm dứt việc tranh chấp quyền sử dụng đất, trả lại cho nguyên đơn toàn bộ diện tích đất tranh chấp là 52.690,1m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nguyên đơn. Buộc ông X phải di chuyển, tháo dỡ toàn bộ nhà lán tạm ra khỏi diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận cho ông K.
Thêm một vụ việc nữa khi TGPL bảo vệ cho nguyên đơn là người dân tộc thiểu số cư trú vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong vụ việc tranh chấp đất đai, cụ thể:
Thửa đất tranh chấp nằm trong thửa đất có diện tích 168.153,0 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện cấp năm 2006 đứng tên ông H. Tuy nhiên trong thửa đất này bao gồm cả phần đất rừng mà nhà bà V đã được Ủy ban nhân dân huyện giao đất năm 1995, diện tích 10ha. Đến năm 2017 khi thuê người đi phát rẫy để trồng cây thạch đen thì bị ông H cản trở vì đất đã được cấp GCNQSDĐ cho ông H; khi đó bà V mới biết khu đất rừng của bà đã được ông H kê khai và được cấp GCNQSDĐ đứng tên ông H. Một phần đất đã được con trai ông H dựng nhà và công trình trên đất. Vì vậy bà V có đơn khởi kiện yêu cầu ông H trả lại phần đất thuộc QSDĐ của gia đình bà.
Dựa trên việc phân tích các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình tranh luận tại phiên tòa, Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra các luận điểm và căn cứ pháp luật liên quan để đưa ra quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: có đủ căn cứ để chứng minh diện tích đất đang tranh chấp thuộc thửa đất có diện tích 168.153,0 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số do UBND huyện cấp năm 2006 đứng tên ông H. Tuy nhiên 50.626,3m2 nằm trong thửa đất này đã bị cấp nhầm cho gia đình ông H, phần diện tích đất này trước đó đã được cấp cho hộ bà V năm 1995. Căn cứ Căn cứ các Điều 32 Luật đất đai năm 2003, Điều 100, 166, 170 Luật Đất đai năm 2013; Điều 163, 164, 169, khoản 4 Điều 275, Điều 579, 580  BLDS năm 2015;  đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận QSDĐ của nguyên đơn đối với phần đất theo Quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp năm 1995 của Ủy ban nhân dân huyện; yêu cầu bị đơn là ông H chấm dứt hành vi lấn chiếm diện tích đất thuộc QSDĐ của bà V và trả lại nguyên hiện trạng phần đất thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Kết quả, căn cứ các Điều 32 Luật đất đai năm 2003, Điều 100, 166, 170 Luật đất đai 2013; Điều 163, 164, 169 BLDS 2015; khoản 4 Điều 275, Điều 579, 580 BLDS 2015; Điều 147, 157 BLTTDS 2015; Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V; ông H và con trai ông H phải trả lại nguyên trạng diện tích 50.626,3m2 đất tranh chấp nằm trong thửa đất có diện tích 168.153,0 m2 có Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện cấp đứng tên ông T.
Như vậy, có thể thấy rằng, thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể, sự vào cuộc của người thực hiện trợ giúp pháp lý đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới các Trung tâm TGPL nhà nước cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành về TGPL cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng, Uỷ ban nhân dân cấp xã và các tổ chức đoàn thể ở cở sở để giới thiệu người được TGPL, trong đó có người dân tộc thiểu số đến các Trung tâm TGPL nhà nước yêu cầu trợ giúp trong các vụ việc tham gia tố tụng, chú trọng việc tham gia tố tụng hình sự từ giai đoạn điều tra, tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động trong quá trình tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Có phương thức truyền thông phù hợp để nâng cao cơ hội tiếp cận và sử dụng TGPL của người thuộc diện được TGPL là người dân tộc thiểu số v.v.

 
Trịnh Thị Thanh - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 

Xem thêm »