Trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng - một số vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả, thành công

24/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công (trong đó có hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng.v.v...).


 Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các ưu đãi đối với người có công với cách mạng như các chế độ trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ y tế, giáo dục,... Trong đó trợ giúp pháp lý cũng là một ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có công với cách mạng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh người có công với cách mạng thì Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý còn quy định người nhiễm chất độc da cam và cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
 Theo thống kê của các địa phương, từ khi thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý 1997 đến hết năm 2022, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được hơn 323 nghìn lượt người có công với cách mạng, người nhiễm chất độc da cam và cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính, trong đó có nhiều vụ việc hiệu quả, thành công.
Để hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), bài viết xin điểm qua một vài vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả, thành công cho người có công với cách mạng,  người nhiễm chất độc da cam và cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính trong thời gian qua:
1. Bào chữa cho người có công với cách mạng là người bị buộc tội trong vụ việc cố ý gây thương tích
Khoảng 15 giờ ngày 21/01/2019,  ông C sau khi uống rượu về thì gặp ông T, trú cùng thôn đang trên đường làm ruộng qua trước khu vực cổng nhà mình. Khi gặp nhau thì giữa ông C và ông T xảy ra mâu thuẫn, xích mích rồi dùng tay đánh nhau, sau đó được mọi người can ngăn. Ông T tiếp tục đi ra ruộng, còn ông C thì nhặt một cục bê tông to khoảng bằng nắm tay định ném ông T. Lúc này, ông D ngồi uống rượu gần đó nhìn thấy sự việc liền chạy ra can ngăn.
Trong quá trình can ngăn thì giữa ông C và ông D xảy ra mâu thuẫn. Ông C đã dùng cục bê tông đang cầm ở tay phải đánh ông D hai phát vào đầu gây thương tích. Sau đó ông D được vợ và con gái ông C đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu vết thương, tỉ lệ tổn thương cơ thể 5%. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi sơ cứu vết thương từ trạm xá về, ông D thấy bức xúc do bị đánh, nên ông D đã tới nhà ông C để đánh lại. Khi đi qua cổng nhà ông C, thấy ông C đang đứng tại khu vực bàn Bi-a của gia đình, ông D lại gần và hai người đánh nhau. Ông D đẩy ông C, làm ông C bị ngã ngửa vào một đống đá. Ông D tỳ đè lên người ông C rồi nhặt một hòn đá bằng tay trái đập nhiều phát vào vùng đầu ông C, gây thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể 14%. Sau khi bị khởi tố về hành vi gây thương tích cho ông C, ông D đã làm đơn yêu cầu khởi tố đối với ông C về hành vi gây thương tích cho mình trước đó và yêu cầu giám định thương tích. Về trách nhiệm dân sự: ông C yêu cầu ông D bồi thường số tiền là 47.250.000 đồng. Ông D yêu cầu ông C bồi thường số tiền là 15.270.000 đồng .
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, các điểm b, i, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt ông C mức án từ 09 tháng đến 12 tháng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 đến 24 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện bào chữa cho bị cáo C. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc và gặp gỡ, trao đổi với bị cáo và bị hại, tại phiên tòa Trợ giúp viên pháp lý đưa ra quan điểm bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ và căn cứ khoản 3 Điều 54, Điều 65 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho hưởng án treo. Cụ thể:
- Về hình phạt: Trợ giúp viên pháp lý đồng tình với ý kiến của đại diện VKS về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo C, nhưng không đồng tình với mức hình phạt mà vị đại đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo. Trợ giúp viên pháp lý cho rằng mức áp dụng khung hình phạt đề nghị đối với bị cáo C như vậy khá nghiêm khắc chưa phù hợp với nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện trong vụ án này.
Trợ giúp viên đề nghị HĐXX cho bị cáo được chịu dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo, với những lập luận đề nghị giảm nhẹ như sau:
+ Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội:
Giữa bị cáo và bị hại D hoàn toàn không có mâu thuẫn từ trước, việc ông C gây thương tích cho ông D không phải vì tư thù cá nhân hay là vì bất kỳ động cơ nào khác. Ông C gây thương tích cho ông D trong trạng thái không được tỉnh táo. Ông C không chủ đích gây thương tích cho ông D và hoàn toàn không mong muốn làm tổn hại sức khỏe của ông D.
Điều này thể hiện rất rõ tại các biên bản hỏi cung bị can và trong phần hỏi tại phiên tòa.Vì vậy, có thể khẳng định việc bị cáo gây thương tích cho bị hại D không phải chủ ý của bị cáo, không phải vì tư thù cá nhân hay là vì bất kỳ động cơ nào khác.
Mặt khác, mức độ gây thương tích 5% sức khỏe của ông D, không làm mất đi sức khỏe vĩnh viễn mà có thể khắc phục lại tình trạng sức khỏe ban đầu nên hành vi của ông C có thể nói là gây nguy hại không lớn đối xã hội. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử, xem xét về nguyên nhân và tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện để đứa ra mức án phù hợp nhất.
Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ: Ngoài các tình tiết giảm nhẹ mà bên Viện kiểm sát đề nghị áp dụng, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm các tình tiết sau:
 Thứ nhất, sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị cáo đã kịp thời đưa ông D đến trạm y tế để rửa và băng bó vết thương, trong quá trình điều tra, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm điểm b Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Thứ hai, sau khi sự việc xảy ra ông C nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thừa nhận việc mình uống rượu mất kiểm soát, gây thương tích cho ông D là sai, ăn năn hối cải về hành vi của mình và mong HĐXX cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, do đó, ngoài việc áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo cần phải áp dụng thêm tình tiết ăn năn hối cải.
Thứ ba, bị cáo C có 4 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51, không có tình tiết tăng nặng, bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS.
Đối chiếu với quy định tại Điều 65 của BLHS; Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/05/2018 “hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo” thì bị cáo hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng án treo. Từ những phân tích trên, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX áp dụng điểm b, i, s, x khoản1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65, khoản 1 Điều 134, Điều 2 nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP; cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất có thể và không cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội.
Về án phí, ông C là người có công với cách mạng nên căn cứ Điều 12 Nghị Quyết 32/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 đề nghị miễn án phí sơ thẩm cho ông C.
Quyết định của Tòa án sơ thẩm:
Tòa án nhân dân huyện H ra bản án hình sự sơ thẩm xử phạt bị cáo ông C phạm tội “Cố ý gây thương tích”, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134, khoản 1 Điều 38, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo C 08 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.
Về án phí, căn cứ Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí, bị cáo C là người cao tuổi, có công với cách mạng nên miễn toàn bộ án phí hình sự.  
Kháng cáo:
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, trợ giúp viên pháp lý nhận thấy có thể áp dụng chính sách pháp luật hiện hành để đề nghị mức hình phạt nhẹ hơn so với quyết định của Tòa sơ thẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo C, trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn bị cáo C kháng cáo bản án sơ thẩm. Được sự tư vấn của trợ giúp viên pháp lý, bị cáo đã có đơn kháng cáo lên TAND đề nghị chuyển hình phạt tù giam sang hưởng án treo, tạo điều kiện cho bị cáo không bị cách ly khỏi đời sống xã hội tiếp tục được học tập, lao động, phụ giúp gia đình.
Tại phiên tòa Phúc thẩm:
Tại cấp phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo C, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H.
Lập luận của trợ giúp viên pháp lý:
Trợ giúp viên pháp lý khẳng định Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H đã  xử phạt bị cáo C 8 tháng tù là quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, chưa thể hiện dược tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Việc bị cáo C kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm là hoàn toàn có sơ sở, cần được xem xét. Trợ giúp viên pháp lý đưa ra các căn cứ pháp lý để chứng minh bị cáo hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển hình phạt tù sang hưởng án treo.
Thứ nhất, xét về nguyên nhân, tính chất nguy hiểm của hành vi:nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại không phải là do mâu thuẫn thù hằn cá nhân với nhau, không phải đánh nhau vì mục đích trả thù cá nhân. Nguyên nhân dẫn đến sự việc là nhỏ nhặt, ông C chỉ gây thương tích nhẹ, ông D đã thông cảm bỏ qua cho bị cáo.
Thứ hai, sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông C đã kịp thời đưa ông D đến trạm y tế để rửa và băng bó vết thương nên ông C được áp dụng thêm điểm b điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử ông C đã thành khẩn khai báo đầy đủ và đúng sự thật. Vì vậy, ông C được hưỏng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Thứ tư, trong quá trình sinh sống tại địa phương ông C hoàn toàn nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chưa vi phạm pháp luật lần nào, tỷ lệ thương tích ông C gây ra cho ông D là 5%. Ông C được hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phù hợp với điểm i Điều 51 BLHS.
Thứ năm, bản thân ông C là người đã có nhiều cống hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế đối với người có công với cách mạng, ông C được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS.
Thứ sáu, ông C được sinh ra và lớn trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ ông C đã có công lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được nhà nước phong tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.
Thứ bảy, hiện nay ông C với ông D đã thông cảm hiểu nhau, ông D đã đề nghị hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông C.
Thứ tám, hoàn cảnh của ông C hiện nay cũng đang rất khó khăn, tuy ông C đã hết tuổi lao động nhưng cũng đang là trụ cột chính trong gia đình, cùng vợ chăm sóc mẹ già năm nay 91 tuổi, đang nằm liệt một chỗ, con trai ông C bị nhiễm chất độc hóa học, bị khuyết tật từ nhỏ, hiện đang điều trị tại bệnh viện Sài Gòn để chỉnh hình. Đề nghị Tòa án cân nhắc xem xét đến hoàn cảnh của ông C hiện tại, coi đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Thứ chín, Chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội nông dân nơi bị cáo C tham gia sinh hoạt đều có văn bản gửi đến Tòa án đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo được áp dụng hình phạt treo để bị cáo tiếp tục tham gia sinh hoạt.
Trợ giúp viên pháp lý khẳng định trong vụ án này, bị cáo C có 4 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51, có 5 tình giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS, Mặt khác, bị cáo phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng. Hơn nữa, hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn. Đồng thời, bị cáo được gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể ở địa phương quan tâm, sống trong môi trường như thế có đủ điều kiện để giáo dục mà không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Đối chiếu với quy định tại Điều 65 của BLHS; Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ngày 15/05/2018 “hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo” thì bị cáo hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng án treo.
Từ những phân tích trên, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 335, khoản 1 Điều 357 Bộ Luật tố tụng hình sự; điểm b, i, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, 54, 65 và Điều 134 BLHS, Điều 2 nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo: chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo C, sửa bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H theo hướng cho bị cáo C giữ nguyên mức hình phạt, nhưng cho bị cáo hưởng án treo .
Về án phí, ông C là người có công với cách mạng đề nghị HĐXX áp dụng Điều 12 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 miễn án phí phúc thẩm cho bị cáo.
Quyết định của Tòa án phúc thẩm:
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo và sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên phạt bị cáo 8 tháng tù phạm tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo. Về án phí, ông C là người có công với cách mạng căn cứ Điều 12 Nghị Quyết 32/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 đề nghị miễn án phí phúc thẩm cho ông C.
Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý:
Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa cho người được TGPL là người có công với cách mạng, là bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật hình sự về các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Cố ý gây thương tích”, đặc biệt là nghiên cứu, phân tích kỹ hành vi, mục đích, nguyên nhân của việc phạm tội, nhân thân của người phạm tội, các quy định hiện hành khác về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... đồng thời cũng đã gặp gỡ bị cáo nhằm tìm hiểu bản chất, nguyên nhân phạm tội của bị cáo để đưa ra các lập luận bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong vụ việc tố tụng hình sự này. Bên cạnh đó, Trợ giúp viên pháp lý còn:
- Hướng dẫn bị cáo làm đơn kháng cáo: Bị cáo là người có công với cách mạng, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng. Hiện nay, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo được gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể ở địa phương quan tâm, Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn bị cáo trong suốt quá trình làm đơn kháng cáo.
- Tư vấn, thỏa thuận hòa giải giữa bị cáo và bị hại: Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, động viên để bị hại và bị cáo tự nguyện thỏa thuận, hòa giải với nhau; thăm hỏi gia đình bị hại. Ngoài ra, Trợ giúp viên pháp lý còn hướng dẫn cho bị hại làm đơn xin giảm án cho bị cáo.
- Làm việc với Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân nơi bị cáo tham gia sinh hoạt: để tìm hiểu về quá trình tham gia sinh hoạt của người được trợ giúp pháp lý tại địa phương, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của một số hội viên trong việc đề nghị cơ quan có thẩm xử lý hành vi trái pháp luật của hội viên. Đồng thời phối hợp với các hội để bổ sung thêm các tài liệu, chứng cứ giao nộp cho tòa án, làm căn cứ đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tính thành công của vụ việc:
- Tại cấp sơ thẩm: Giảm mức hình phạt cho bị cáo so với đề xuất của Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm đề nghị mức án từ 09 tháng đến 12 tháng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 đến 24 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị cho các bị cáo hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên bố xử phạt bị cáo C 08 tháng tù.
- Tại cấp phúc thẩm: Chuyển từ hình phạt tù giam sang hưởng án treo. HĐXX sửa bản án sơ thẩm: tuyên phạt bị cáo 8 tháng tù phạm tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo.
2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có công với cách mạng là bị đơn trong vụ việc tranh chấp đất đai
Trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất mà nguyên đơn là bà T khởi kiện gia đình ông P vào năm 2004 có xây tường ao ở ranh giới tiếp giáp giữa hai gia đình. Bà T cho rằng trong quá trình xây dựng đã lấn sang nhà bà 3.56 m2, đường ranh giới sử dụng đất giữa hai gia đình phải là ranh giới thẳng nhưng hiện trạng thực tế không thẳng. Vì vậy bà đã khởi kiện ra Tòa đòi lại quyền sử dụng đất này. Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh T.B thực hiện TGPL cho bị đơn P.
Lập luận của Trợ giúp viên pháp lý:
Trợ giúp viên pháp lý căn cứ vào văn bản mua bán đất của gia đình ông P với ông S. Khi mua bán đất có mời các hộ liền kề chứng kiến việc mua bán nhà và làm người làm chứng trong “Đơn xin bán nhà ở” giữa gia đình ông S và ông P. Trong văn bản mua đất, ông S và chồng bà T đều xác định gia đình bà T không có bờ ao, đều xác định bờ ao thuộc nhà ông S, tức là của nhà ông P.
Trợ giúp viên pháp lý căn cứ vào văn bản năm 2005 mà hai bên gia đình đã thống nhất về ranh giới. Năm 2005, hai bên gia đình đã có văn bản thống nhất về ranh giới và hiện trạng nhà của bà T, có sự chứng kiến của đại diện cơ sở thôn (bí thư và trưởng thôn).
 Biên bản này do chính bà T nộp cho Tòa án, trong đó hai bên thống nhất: “Phía tây bắc nhà ông P (đông bắc nhà bà T) bằng mép ngoài tường ao ông P đã xây về bên nhà bà T”. Hai bên thống nhất thực thi theo văn bản này, các văn bản trước đây đã lập đều không có giá trị.
Đây là văn bản do các bên cam kết thỏa thuận, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3, không vi phạm công tác quản lý đất đai của nhà nước nên văn bản này có giá trị pháp lý. Tường ao ông P đã xây từ năm 2004 đến nay vẫn tồn tại và chính là bức tường công trình phụ của gia đình ông P mà hiện nay bà T cho rằng ranh giới này bị thay đổi, không còn thẳng nhưng không đưa ra bất cứ được chứng cứ nào.
Hơn nữa, qua điều tra xác minh địa phương cung cấp bản đồ số 99 được lập từ năm 1982, chỉ có một tờ bản đồ chung cho toàn thể thôn, không có bản đồ riêng từng thửa, không thể hiện kích thức các cạnh của mỗi thửa đất. Vị trí ranh giới mốc cõi của từng thửa đất trên bản đồ 99 không thể hiện tọa độ.
Do vậy, nếu độ chênh lệch nhỏ thì bản đồ 99 không thể hiện được. Trong khi phần diện tích đất tranh chấp của hai gia đình là 3m2 là một đa giác có 5 cạnh, do vậy, không đủ căn cứ pháp luật xác định ranh giới sử dụng đất giữa hai gia đình là đường biên giới thẳng theo yêu cầu của bà T.
Đồng thời, trên cơ sở tài liệu quản lý đất của UBND xã và đo đạc thực tế diện tích đất của hai gia đình đều tăng so với văn bản. Ông P thừa nhận diện tích đất nhà mình tăng do phía Đông Bắc của mảnh đất giáp với cánh đồng lúa nên gia đình ông P có lấn sang phía cánh đồng. Còn phía nguyên đơn bà T cũng thừa nhận phía Đông Nam của mảnh đất, năm 2007, nhà nước đã đo cả 14,2m2 đất hành lang giao thông mà gia đình bà sử dụng ở giáp quốc lộ 39, vì vậy diện tích đất nhà bà T cũng tăng lên.
Do đó, bà T không có cơ sở đòi lại đất. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn vì ông P xây dựng trên đất của mình.
Quyết định của Tòa án:
HĐXX thấy rằng diện tích đất giữa hai gia đình theo bản đồ 99 không có tranh chấp. Theo bản đồ 99, thửa đất nhà ông P là 116m2 và 204 m2, thửa đất nhà bà T là 434m2. Khi nhà nước mở rộng quốc lộ, thu hồi của gia đình bà T là 117,4m2; thu hồi của ông P là 76,2m2.
Về mặt pháp lý, diện tích đất sau khi thu hồi của gia đình bà T là 316,6m2 và diện tích sau khi thu hồi của ông P là 243,8m2. Trên thực tế, theo kết quả đo đạc, diện tích bà T đang sử dụng là 318,6m2, diện tích ông P đang sử dụng là 264,3m2.
Như vậy, diện tích sử dụng của hai gia đình lớn hơn diện tích đất hợp pháp. Bà T cho rằng phần diện tích đất tăng lên là do bà L cho đất. Nhưng cơ sở pháp lý không có, đồng thời, diện tích đất bà L không bị hụt đi mà lại tăng lên nên không có căn cứ chấp nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa gia đình bà L và gia đình bà T. Do vậy, bà T không thiếu đất. Về ranh giới đất, hai bên đều thừa nhận năm 2004 ông P xây bờ ao. Ông S người làm chứng lại xác định khi xây bờ ao gia đình ông P phải tát ao đi cho thợ xây. Mặt khác trong văn bản mua bán nhà đất ở giữa ông P và ông S, ông S xác định: “bờ ao thuộc về ông S”. Điều này được chồng bà T chứng kiến và ký trong biên bản năm 1992 và không có ý kiến gì.
Như vậy, ông P xây trường (bờ ao) trên phần đất của mình. Ngoài ra, năm 2005 khi ông P xây nhà kiên cố, ảnh hưởng đến công trình nhà ở của gia đình bà T và hai gia đình đã lập biên bản thỏa thuận có sự chứng kiến của chính quyền cơ sở thôn là “Ranh giới giữa hai nhà là mép ngoài tường ao ông P đã xây về bên nhà bà T” (văn bản do nguyên đơn cung cấp). Bà T phủ nhận chính điều bà đã thỏa thuận và cam kết về ranh giới sử dụng đất của gia đình bà và gia đình ông P là không có căn cứ chấp nhận.
Bà T cho rằng ranh giới sử dụng đất giữa hai gia đình theo bản đồ 99 là ranh giới thẳng nhưng hiện trạng thực tế không phẳng. Tuy nhiên qua điều tra xác minh địa phương cung cấp bản đồ 99 được lập từ năm 1982-1986, chính quyền chỉ lưu trữ một tờ bản đồ chung cho toàn thể thôn mà khoogn có bản đồ riêng từng thửa. Bản đồ 99 thể hiện diện tích và tỷ lệ bản đồ là 1/1000, không thể hiện kích thước các cạnh của mỗi thửa đất.
Bản đồ 99 được lập trên cơ sở đo thủ công dùng thướng dây đo bằng tay, độ chính xác không được cao như bản đồ kỹ thuật số mà nhà nước lập năm 2007 cũng như cách đo bằng máy hiện nay. Vị trí ranh giới mốc cõi của từng thửa đất trên bản đố 99 không thể hiện tọa độ. Do vậy, nếu độ chênh lệch nhỏ thì bản đồ 99 không thể hiện được. Trong khi phần diện tích đất tranh chấp giữa hai gia đình chỉ là 3m2 là một đa giác có các cạnh với số đo lần lượt là 8.86m; 1,22,m; 0.32m; 0.06m.
Do vậy, không đủ căn cứ pháp luật xác định ranh giới sử dụng đất giữa hai gia đình bà T và ông P là đường biên giới thẳng theo yêu cầu của bà T.
Tòa án xử bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là bà T, buộc gia đình ông P phải tháo dỡ phần bức tường công trình phụ của gia đình ông P đã xây lấn chiếm sang phần đất của bà T với diện tích 3m2 tại phần đất phía Đông bắc nhà bà T. Nguyên đơn phải chịu án phí, chi phí tố tụng đo đạc thẩm định và định giá tài sản.
Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý:
Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là người có công với cách mạng, là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp đất đai”.
Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu kỹ một số nội dung cần được củng cố chắc chắn trong quá trình nghiên cứu hồ sơ:
(1) Kiểm tra lại quan hệ pháp luật có tranh chấp;
 (2) Kiểm tra lại các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng, như: (i) Kiểm tra tính hợp lệ trong việc thụ lý của Toà án; (ii) Thẩm quyền giải quyết của Toà án; (iii) Thời hiệu khởi kiện; (iv) Người có quyền khởi kiện; hoà giải;
 (3) Làm rõ nội dung tranh chấp;
 (4) Nghiên cứu và đánh giá chứng cứ.
Trợ giúp viên pháp lý đã khai thác được văn bản mua bán đất của gia đình ông P với ông S, trong đó có sự chứng kiến của nguyên đơn, hai bên thống nhất ranh giới. Đồng thời lại căn cứ vào văn bản thống nhất của hai bên, được xác nhận của chính quyền địa phương năm 2005 về ranh giới của các bên. Hiện trạng đất của các bên sử dụng ổn định, và có sự tăng lên về diện tích, chứ không có sự hụt đi. Từ các chứng cứ trên, Trợ giúp viên pháp lý đã giúp ông P là bị đơn bác được toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tính thành công của vụ việc:
Quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL cho bị đơn được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trợ giúp viên pháp lý đã giúp ông P bảo vệ được quyền sử dụng đất của mình.
Từ vụ việc có thể thấy rằng, chứng cứ trong vụ án tranh chấp đất đai là tài liệu hết sức quan trọng nhằm làm sáng tỏ vụ án, đảm bảo sự khách quan và công bằng trong xét xử. Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai thì các tài liệu, chứng cứ chứng minh phải liên quan đến (i) Nguồn gốc tạo lập đất; (ii) Giấy tờ về quyền sử dụng đất; (iii) Quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy đã đưa ra và chứng cứ làm cơ sở giải quyết tranh chấp đất nhằm xác định hiện trạng sử dụng đất; vị trí, kích thước, hình dạng thửa đất tranh chấp; tình trạng thửa đất.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ liệt sĩ có khó khăn về tài chính là bị hại trong vụ việc vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
Khoảng 17h30 ngày 20/9/2018, H.P mượn xe mô tô nhãn hiệu Yamaha của con gái điều khiển đi theo đường Quốc lộ. Khoảng 18h10 cùng ngày, H.P điều khiển xe đến km 43. Lúc này phía trước có một xe ô tô đi ngược chiều bật đèn pha chiếu sáng làm H.P bị chói mắt dẫn đến tầm nhìn bị hạn chế và thiếu chủ động để giảm tốc độ nên đã gây tai nạn với bà N.N.N.L (bà L) đang dắt trâu đi bộ phía trước cùng chiều. Hậu quả gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ đối với bị hại L, tỉ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn gây nên hiện tại là 90%. H.P đã tự nguyện bồi thường cho bà L là 50 triệu đồng.
Vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” do bị cáo H.P  gây tai nạn cho bị hại L. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 260; áp dụng điểm b, x, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, truy tố bị cáo về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, đề nghị xử phạt bị cáo H.P từ 12 tháng đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Q.B thực hiện TGPL cho bị hại L. Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L là bị hại: sau khi nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự, Trợ giúp viên pháp lý nhất trí với lời luận tội của Kiểm sát viên về tội danh quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo H.P gây ra cho bị hại bà L là đặc biệt nghiêm trọng, gây thương tích cho bà L đến 90% sức khỏe và gây tổn hại tinh thần cho bà L rất lớn. Hiện tại bà L phải nằm một chỗ, không nhận thức được, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người chăm sóc, phục vụ. Mặc dù bị cáo đã tự nguyện bồi thường trước cho bị hại 50 triệu đồng nhưng do chi phí cứu chữa tăng cao không đủ để chi phí cho bị hại, hoàn cảnh của gia đình bị hại sức khó khăn. Vì vậy, đề nghị bị cáo bồi thường thêm 30 triệu đồng để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng bà L.
Quyết định của Tòa án:
Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên về tội danh đối với bị cáo H.P: áp dụng điểm khoản 1 Điều 260; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”; về tình tiết giảm nhẹ: áp dụng điểm b, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 24 tháng. Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 584 và khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo H.P  phải bồi thường thêm cho người bị hại L số tiền là 20.000.000 đồng về tổn thất tinh thần.
Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là vợ liệt sĩ có khó khăn về tài chính, là bị hại trong vụ việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã nắm vững quy định của pháp luật về bồi thường dân sự trong vụ án hình sự và đã chứng minh được khoản tiền hợp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người phải chịu trách nhiệm. Bà L, người được TGPL bị suy giảm sức khỏe đến 90% và tổn hại tinh thần. Trợ giúp viên pháp lý đã gặp gỡ người thân của bà L (chồng của bà L) để tìm hiểu về tình hình sức khỏe của bà L, những chi phí cụ thể khi chạy chữa cho bà L và mong muốn, nguyện vọng của gia đình bị hại. Đồng thời, ngoài bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, người chịu trách nhiệm bồi thường phải chi trả một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà bà L phải gánh chịu.
Tính thành công của vụ việc là bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại, chứng minh được thiệt hại về tinh thần hợp lý và được Tòa án chấp nhận tăng số tiền được bồi thường thiệt hại từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng cho người bị hại, giúp bị hại có thêm điều kiện để chăm sóc, chữa trị do sức khỏe bị suy giảm bởi hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” gây ra.
4. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có công với cách mạng là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp đất đai
Ông T là thương binh, là người có công với cách mạng (thương binh). Gia đình ông K có thửa đất thổ cư tại thôn AL, xã DC, huyện TK, tỉnh HD (thửa đất số 56, tờ bản đồ số 10, diện tích 468m2 được UBND huyện TK cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 101836 mang tên vợ ông T là bà N).
Giáp ranh với thửa đất nhà ông T là hộ gia đình anh V, cháu gọi ông T là bác ruột. Anh V đang sử dụng thửa đất số 57, tờ bản đồ số 10, diện tích 613m2 được UBND huyện TK cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh V. Nguồn gốc thửa đất của anh V do ông Kh (em trai ông T) nhận từ bố đẻ ông T, sau đó tặng lại cho anh V.
Trước kia, bố mẹ ông T có thửa đất ở, chiều dài theo đường xóm là 29,5m. Năm 1982 có cho vợ chồng ông T 15m chiều dài theo đường xóm, còn lại của bố mẹ ông T 14,5m. Năm 1992 ông T xây tường bao giáp ranh với thửa đất của bố mẹ ông T chiều dài 22m có lùi lại 0,4 m để lại đất cho bố mẹ ông T sử dụng. UBND huyện T.K cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh V đã cấp cả phần đất chiều rộng 0,4m, chiều dài 22m mà ông T để lại. Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh H.D buộc gia đình anh  V phải trả lại cho gia đình ông K 8,8m2 đất giáp ranh với thửa đất nhà ông T (chiều rộng 0,4m, chiều dài 22 m) đồng thời hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp mang tên anh V.
Quá trình trợ giúp pháp lý cho ông T:
* Giai đoạn khởi kiện:
+ Giúp ông T soạn thảo đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai gửi UBND xã DC, huyện TK (nơi có đất tranh chấp) để hoàn thiện điều kiện khởi kiện. Sau khi có đơn đề nghị, UBND xã DC đã tiến hành hòa giải nhưng không thành.
+ Làm việc với UBND xã DC thu thập các tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất của hai hộ gia đình: Bản đồ 299, bản đồ 1993, sổ mục kê 299, sổ mục kê 1993, Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Giúp ông T xây dựng hồ sơ khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh HD: Soạn thảo đơn khởi kiện, Đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí, miễn án phí dân sự sơ thẩm, Đơn đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ. 
Tòa án nhân dân tỉnh HD đã thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm về việc tranh chấp quyền sử dụng đất theo Đơn khởi kiện của ông T.
* Giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm:
+ Giúp ông T soạn thảo đơn đề nghị xem xét, thẩm định tại chỗ bằng cách đào phần chân móng chìm sâu trong lòng đất, đây là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông T.
+ Giúp ông T soạn thảo đơn đề nghị bổ sung yêu cầu khởi kiện: Từ yêu cầu khởi kiện ban đầu đòi lại 8,8m2 đất, sau khi có kết quả xem xét thẩm định tại chỗ có căn cứ để đòi lại 9,4m2 đất. Rút yêu cầu khởi kiện về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.
+ Tham gia tố tụng tại phiên tòa giúp ông T đòi lại 9,4m2 đất, buộc bị đơn phải tháo dỡ các công trình đã xây dựng trên phần đất đã lấn chiếm để trả lại bằng hiện vật.
Kết quả: Tòa án nhân dân tỉnh HD đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và ra Bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T về việc buộc anh V phải trả lại vợ chồng ông T 9,4m2 đất tại thửa đất số 56, tờ bản đồ số 10 ở thôn AL, xã DC, huyện TK, tỉnh H.D. Tứ cận: Cạnh giáp đường thôn = 0,45m; cạnh giáp phần đất của vợ chồng ông T = 22m; 2 cạnh giáp đất của anh Vững = 22m + (0,4m) (có sơ đồ kèm theo bản án). Buộc anh V phải tháo dỡ bức tường xây gạch dài 11,5m, cao 1,2m; phần sân lát gạch đỏ và phần sân trạt xi măng, cát tạo lập trên phần diện tích 9,4m2 đất phải trả cho vợ chồng ông T. Trường hợp 3 đoạn mi cửa nhà 2 tầng của anh V  nằm trong 9,4m2 phải trả lại vợ chồng ông T theo không gian thẳng đứng thì buộc anh V tự tháo dỡ. Không đồng ý với phán quyết nêu trên của Bản án sơ thẩm, anh V kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại do có vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Tòa án nhân dân cấp cao tại H.N mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án, ra Bản án không chấp nhận kháng cáo của anh V và giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh H.D.
* Quá trình trợ giúp pháp lý sau khi có Bản án phúc thẩm:
Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vợ chồng anh V không chịu trả lại vợ chồng ông T diện tích đất theo bản án đã tuyên cũng như tháo dỡ các tài sản đã xây dựng trên phần đất phải trả lại cho vợ chồng ông T. Ông T làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng trong việc yêu cầu thi hành án. Trợ giúp viên pháp lý đã làm việc giúp ông T soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án; trực tiếp làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh H.D liên quan đến vụ việc. Ngày 01/7/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh H.D đã ra Quyết định thi hành án trên cơ sở đơn yêu cầu của ông T. Hiện vụ việc đang trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án do người bị thi hành án không tự nguyện thi hành.
 Bảo Hân

Xem thêm »