Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Trợ giúp pháp lý cho người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội trong một số vụ việcPháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra một khái niệm thống nhất hoặc sử dụng thống nhất một khái niệm đối với người dưới 18 tuổi. Theo Luật trẻ em thì “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, Điều 21 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Mặt khác, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không sử dụng khái niệm “người chưa thành niên” mà đưa ra khái niệm “người dưới 18 tuổi” đồng thời quy định trách nhiệm hình sự, hành chính đối với các lứa tuổi khác nhau. Theo Điều 1 Luật Thanh niên: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sử dụng cụm từ “trẻ em” và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội hoặc bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính... I. Quy định và kết quả trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
1. Quy định trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội, cụ thể:
Khái niệm trợ giúp pháp lý được Luật Trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 2, theo đó trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Ngành Tư pháp, của Nhà nước tham gia vào hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng. Người thực hiện trợ giúp pháp lý là một bên của quá trình tranh tụng, có quan hệ trực tiếp đến chất lượng xét xử của Tòa án. Được xác định là một dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu đã phần nào khẳng định vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý với tư cách là một loại hình dịch vụ pháp lý trong công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại khoản 5 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý quy định người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có các quyền sau đây:
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý cần xuất trình văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong đó, các văn bản do cơ quan tiến hành tố tụng có chứa các thông tin về độ tuổi của người được trợ giúp pháp lý, các văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định tạm giam, tạm giữ; Quyết định Điều tra; Quyết định truy tố; Quyết định khởi tố bị can; Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Bản án sơ thẩm…
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật TGPL.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật TGPL và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Luật Trợ giúp pháp lý quy định tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp. Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có thể là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đủ điều kiện theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bao gồm Trợ giúp viên pháp lý (viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước); Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Hiện nay, hệ thống có 63 Trung tâm TGPL nhà nước với 1.209 người (trong đó 698 trợ giúp viên pháp lý); 97 Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 643 luật sư và 41 Cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước; 155 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 30 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.
2. Kết quả trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội
Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, từ năm 2018 – 2022, Cục Trợ giúp pháp lý đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bằng nhiều hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, ở tất các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại).
Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2018 – 6/2023 các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 21.138 vụ việc cho người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội trên tổng số 176.682 lượt người được trợ giúp pháp lý (11,96%).
Qua theo dõi, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tăng lên hàng năm. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý này đều được thực hiện được đánh giá đạt chất lượng khá và tốt. Nhiều vụ việc được đánh giá là vụ việc thành công, hiệu quả. Nhìn chung, các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi luôn được các địa phương quan tâm, ưu tiên phân công kịp thời các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý thực hiện. Các vụ việc trợ giúp pháp lý này đã kịp thời giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cháu theo quy định của pháp luật.
II. MỘT SỐ VỤ VIỆC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI TỪ 16 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI BỊ BUỘC TỘI THÀNH CÔNG, HIỆU QUẢ
Mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý là một mảnh đời, một hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Trong vụ việc này, người được trợ giúp pháp lý là người chưa thành niên phạm tội. Độ tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là độ tuổi nhạy cảm, chưa phát triển toàn diện về tâm sinh lý cũng như nhận thức pháp luật, do đó người thực hiện trợ giúp pháp lý không chỉ phải có kiến thức pháp luật vững chắc mà còn cần có kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý thân thiện thì mới có thể đạt được kết quả cao. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội chủ yếu trong các vụ việc trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…
Sau đây xin giới thiệu đến Quý bạn đọc một số vụ việc trợ giúp pháp lý thực hiện cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội thành công, hiệu quả do các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc thực hiện.
1. Trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi trong vụ án giết người
H.N.Q và N.B.P có mối quan hệ bạn bè, cả hai cùng làm nhân viên chạy bàn, dọn dẹp cho nhà hàng. Ngày 28/7/2018, do hết tiền chi tiêu nên H.N.Q nảy sinh ý định cướp tài sản và rủ N.B.P cùng thực hiện, cả hai lên taxi để cướp tài sản của lái xe taxi. Khoảng 22 giờ cùng ngày, cả hai bắt một chiếc taxi của anh T, sau khi đi lòng vòng đến khoảng 01 giờ 30 phút ngày 29/07/2018 anh T nói với H.N.Q và N.B.P đường này không đi được nữa đồng thời lái xe lùi lại bảo không chở nữa và yêu cầu trả tiền xe. Tiền cước tổng cộng hết 1.200.000 đồng nhưng H.N.Q và N.B.P không còn đủ tiền trả. Thấy vậy, anh yêu cầu cả hai gọi người nhà đến thanh toán nếu không sẽ đưa đến công an phường giải quyết. H.N.Q và N.B.P đã bàn nhau cướp tiền xong thì trốn. Khi anh T một tay đang cầm điện thoại để gọi điện, một tay cầm vô lăng xe điều khiển xe lùi để quay đầu xe thì H.N.Q dùng tay phải cầm dao vòng qua cổ anh T, phần lưỡi dao hướng vào cổ và cứa nhẹ một nhát vào vùng cổ bên trái của anh T. Giằng co một lúc thì anh T bị thương ở bàn chân phải. Kết quả giám định thương tích anh T bị tổn hại 2%.
Quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh: Tại bản cáo trạng, VKS tỉnh đã truy tố bị cáo H.N.Q về tội “Giết người” theo điểm g, khoản 1 Điều 123 BLHS, xử phạt 7 năm đến 8 năm tù và tội “cướp tài sản” theo điểm d, khoản 2, Điều 168 BLHS, xử phạt từ 04 năm đến 05 năm tù, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội từ 11 đến 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường cho anh T là 1.200.000đ, mỗi bị cáo 600.000đ. Buộc bị cáo Q phải bồi thường thiệt hại về sức khoẻ cho anh T tổng cộng khoảng từ 17.000.000đ đến 24.000.000đ.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh B.N thực hiện TGPL cho H.N.Q. Lập luận của Trợ giúp viên pháp lý: Về tội danh “Cướp tài sản” cáo trạng truy tố bị cáo phạm tội theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự là phù hợp với pháp luật. Về tội “Giết người”, Trợ giúp viên pháp lý đưa ra lập luận, xét cả hành vi khách quan và ý chí chủ quan cho thấy hành vi của H.N.Q không đủ yếu tố cấu thành tội giết người theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự. Về hình phạt: Bị cáo có nhân thân tốt, gia đình khó khăn, khi phạm tội là người chưa thành niên nên nhận thức còn hạn chế, đề nghị giảm nhẹ hình phạt thấp nhất cho bị cáo. Về trách nhiệm dân sự đề nghị xem xét vì hoàn cảnh gia đình khó khăn của bị cáo Q.
Quyết định của tòa án: HĐXX quyết định bị cáo H.N.Q phạm tội “Cướp tài sản”, không phạm tội “Giết người”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 168; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 91; Điều 101 BLHS, xử phạt bị cáo H.N.Q 06 (sáu) năm tù. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo H.N.Q có nghĩa vụ bồi thường 23.200.000đ cho bị hại. Bị cáo H.N.Q chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 1.160.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Tính thành công của vụ việc thể hiện ở chỗ: Trợ giúp viên pháp lý đã bào chữa thành công cho người được TGPL, giúp người được trợ giúp pháp lý không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không cấu thành tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Quan trọng là Trợ giúp viên pháp lý đã bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị buộc tội; giúp vụ án được giải quyết một cách công bằng, đúng pháp luật.
2. Trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án trộm cắp tài sản
Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2019 tại bản nghèo của tỉnh HB, hành vi manh động, thiếu suy nghĩ của C và L đã bị Viện kiểm sát nhân dân huyện truy tố về tội “Cướp tài sản” gây xôn xao dư luận. Đêm ngày 16/11/2019, C (sinh năm 2002) và L (sinh năm 2003) sau khi đi uống bia với bạn, C và L rủ nhau về nhà lấy rượu để mang vào trại uống tiếp. Trên đường đi C và L bàn nhau làm thế nào để có tiền ăn nhậu, và cả hai rủ nhau vào trạm y tế lấy trộm đồ. Đến nơi, L đứng ngoài coi xe và cảnh giới, C cầm đèn pin và dao vào trong, khi vào trạm y tế, C bị bảo vệ phát hiện nên cầm dao đe dọa bảo vệ đưa tiền (450.000 đồng và 1 chiếc đồng hồ trị giá khoảng 600.000 đồng). Do không đủ số tiền theo yêu cầu nên C hẹn bảo vệ và những người trực ở trạm chuẩn bị số tiền 5 triệu để hôm sau quay lại lấy. Cả 2 quay về rủ bạn đi nhậu bằng số tiền đã lấy được.
Ngày 18/11/2019, C và L bị cơ quan Công an huyện bắt tạm giam. Khi bị bắt, C và L đã giao lại 50.000 đồng và đồng hồ cho cơ quan Công an. Ngày 09/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện ra các Quyết định khởi tố bị can đối với C và L về tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngày 03/2/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện ra Quyết định truy tố C và L trước Tòa án nhân dân huyện để xét xử sơ thẩm về hình sự đối với C và L về tội “Cướp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu của hai em, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh HB xem xét nhận thấy hai em vừa thuộc diện người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là người bị buộc tội, vừa là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên đã cử các Trợ giúp viên pháp lý là những người hiểu tâm lý, phong tục tập quán, lối sống và có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng… thụ lý vụ việc, hướng dẫn và giúp đỡ hai em. Hai Trợ giúp viên pháp lý sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc tìm kiếm thu thập thông tin, đi vào gốc rễ của vụ án để tìm ra những tình tiết có lợi nhất cho hai em.
Trợ giúp viên đã đưa ra những lập luận thuyết phục phân tích động cơ mục đích của bị cáo, hành động uy hiếp không đủ mạnh mẽ đạt điều kiện yếu tố cấu thành tội cướp tài sản, về tương quan lực lượng của bên bị đe dọa và bên đe dọa, về hoàn cảnh không gian và thời gian để đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt C và L về tội cưỡng đoạt tài sản, đồng thời Trợ giúp viên pháp lý đưa ra các tình tiết giảm nhẹ, về nhân thân, về trình độ nhận thức đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng nguyên tắc xét xử đối với người chưa thành niên để đưa ra mức án thấp nhất cho các bị cáo.
Kết quả, Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ những lập luận và đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, chuyển tội danh từ Cướp tài sản thành tội cưỡng đoạt tài sản với mức án nhẹ hơn, bị cáo C 12 tháng tù, bị cáo L 06 tháng tù.
Một vụ việc thành công, hiệu quả khác khi trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 – dưới 18 tuổi trong vụ việc trộm cắp tài sản ở tỉnh H.T
Ngày 05/9/2023, N sinh năm 2005, trú tại huyện H.S, tỉnh H.T đi hái chè cùng mẹ và nghe mẹ kể về việc anh T sinh năm 1985, trú cùng thôn trả số tiền mua cây keo là 70.000.000đ cho gia đình, số tiền đó cất ở tủ quần áo làm bằng nhôm kính tại phòng khách gia đình. Do đang vay tiền trên mạng chưa có trả và cần tiền tiêu xài cá nhân nên N nảy sinh ý định lấy trộm số tiền nói trên của cha mẹ. Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 06/9/2022, khi cha mẹ đang đi làm vườn phía sau nhà thì N lấy chiếc tua vít để ở cửa sổ phòng ngủ rồi đi lại tủ quần áo mở các ốc vít tại vách ngăn phía trên tủ nơi mẹ cất tiền, rồi mở phần vách ngăn để lục soát, tìm kiếm. Sau khi mở tủ, N phát hiện có hai cọc tiền được bọc trong áo len màu vàng nên lấy tiền ra để giữa sàn nhà, rồi nhét chiếc áo lên lại trong tủ. Sau đó, N lấy tua vít vặn lại như ban đầu. Sau khi lấy trộm được tiền, N cất dấu vào trong cốp xe. N điều khiển xe mô tô nói trên đi ra khu vực điểm mua chè để cân chè, sau đó kiểm đếm số tiền lấy trộm được 70.000.000đ. Sau đó N điều khiển xe mô tô đi đến cửa hàng điện thoại di động thì gặp chị T, tại đây N nhờ chị T chuyển số tiền 30.000.000đ vào số tài khoản ngân hàng của N rồi đưa tiền mặt cùng 20.000đ tiền phí cho chị Sang. Tiếp đó, N điều khiển xe mô tô đến của hàng điện thoại của anh P, nhờ anh P chuyển số tiền 39.500.000đ vào tài khoản Ngân hàng của N, rồi N đưa tiền mặt cho anh P cùng 100.000đ là phí chuyển tiền. Sau khi nhờ được người chuyển tiền vào tài khoản của mình, N đã dùng tài khoản Ngân chuyển vào tài khoản của chủ nợ là a R số tiền 69.500.000đ để trả nợ, số tiền 500.000đ còn lại N tiêu xài cá nhân hết.
Bản án Sơ thẩm quyết định: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; Điều 101 Bộ luật Hình sự. Điểm a, b khoản 1, khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Điểm a, b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự. Khoản 1 Điều 21; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án xử: Về tội danh: Tuyên bố bị cáo N phạm tội Trộm cắp tài sản, xử phạt 24 tháng tù. N có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. N có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Người thực hiện TGPL đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình, tuổi đời bị cáo cho bị cáo được hưởng án treo để có cơ hội được tiếp tục học tập, sửa chữa, tu dưỡng bản thân để trở thành người có ích cho xã hội.
Kết quả, HĐXX quyết định: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; Điều 101, Điều 65 Bộ luật Hình sự, tuyên bố bị cáo N phạm tội “Trộm cắp tài sản”, xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tiếng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Như vậy, nhờ có sự vào cuộc của trợ giúp pháp lý đã đấu tranh thành công, chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt tù cho hưởng án treo.
Vụ việc trợ giúp pháp lý thành công khác cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ việc trộm cắp tài sản tại tỉnh KT.
Vào đêm ngày 28/06/2021 A và K trộm cắp 02 điện thoại di động của anh Đ. Ngày 02/07/2021 A tiếp tục rủ K trộm cắp tài sản của anh N tại thôn khác được 02 điện thoại di động và số tiền 1.200.000đ. Đối với số tiền A trộm cắp thì K không biết và không được hưởng lợi gì. Ngoài ra vào ngày 26/06/2021 một mình K thực hiện hành vi trộm cắp 01 điện thoại di động của anh G tại thôn bên. Tổng giá trị tài sản mà A và K trộm cắp: 5.5600.000đ (năm triệu sáu trăm nghìn đồng). Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho K là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội.
Quan điểm của Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, 38, 90, 100 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo K từ 06 đến 08 tháng tù.
Trợ giúp viên pháp lý trợ giúp pháp lý cho K thống nhất quan điểm với Viện kiểm sát về việc đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 90 Bộ luật hình sự và đề nghị áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự vì tài sản mà bị cáo trộm cắp có giá trị thấp và đa số tài sản trộm cắp đã được thu hồi. Đề nghị không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 vì bị cáo K nhiều lần thực hiện hành phạm tội và các lần phạm tội có lần đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản, có lần chưa cấu thành tội trộm cắp tài sản tuy nhiên khi truy tố đã tổng hợp số tiền của tất cả những lần phạm tội của bị cáo để truy tố bị cáo, do vậy bị cáo đã 01 lần chịu tăng nặng trách nhiệm hình sự nên không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52. Bị cáo K khi thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên (17 tuổi), có nơi cư trú rõ ràng, bị cáo là con út nên ở cùng cha mẹ, làm nông phụ giúp gia đình. Trong quá trình giải quyết của vụ án đã biết được hành vi của mình là sai trái, ăn năn, hối cải, đồng thời bị cáo là người chưa thành niên, do vậy cần phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ bị cáo K sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh thành người có ích cho xã hội. Từ những lập luận đó, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 173, Điều 36, điểm s, h khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58, 90, 91, 100 Bộ luật Hình sự tuyên bị cáo K phạm tội "Trộm cắp tài sản" với mức phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo là người chưa thành niên nên không khấu trừ thu nhập của bị cáo.
Kết quả, Tòa án đã quyết định áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 173; điều 36, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 50; 91; 100 Bộ luật hình sự tuyên bị cáo A Kiên phạm tội "Trộm cắp tài sản". Tuyên phạt bị cáo A Kiên 09 tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo là người chưa thành niên nên không khấu trừ thu nhập của bị cáo.
Hay vụ việc trợ giúp pháp lý thành công cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ việc trộm cắp tài sản tại tỉnh BK và tỉnh ĐN đã giúp cho người được trợ giúp pháp lý được miễn trách nhiệm hình sự:
Cụ thể, ở vụ việc ở tỉnh BK: Đ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố BK khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ Luật Hình sự. Đ được Trung tâm TGPL tỉnh BK cử Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL giúp đỡ em Đ. Trợ giúp viên pháp lý đã có những buổi làm việc với Đ và người đại diện hợp pháp để tư vấn pháp luật, đặc biệt là quy định về miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật Hình sự; làm việc với người bị hại để thỏa thuận, hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Đ. Hiểu các quy định, bị can Đ và người đại diện hợp pháp đã tự nguyện bồi thường, người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Đ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ Luật Hình sự. Kết quả, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố BK đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự cho Đ.
Một vụ việc hiệu quả khác ở tỉnh ĐN, ngày 23/02/2021, lợi dụng sơ hở trong việc quản lý tài sản của chủ cửa hàng, Q đã lấy trộm 20 chiếc cần câu và một số dụng cụ cấp cá các loại ở cửa hàng đồ câu. Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố bị can, khởi tố vụ án đối với Q về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Q được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh ĐN cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Xét thấy Q là người chưa thành niên, có nhân thân tốt, hiện đang là học sinh lớp 11; bị can có nơi cư trú ổn định cùng gia đình, có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bào chữa cho Q đã làm đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện căn cứ quy định tại các điểm b, h, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 91 Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho Q. Kết quả, ngày 27/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi đối với Q; quyết định đình chỉ điều tra bị can; quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
2. Trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án “Cố ý gây thương tích”
Khoảng 21h ngày 27/05/2020, N.G.M sinh ngày 28/11/2002 cùng H đứng nói chuyện ở ngã 3 đê Thọ An thì thấy T đang ngồi chơi cùng với B và một vài bạn khác. H bảo N.G.M chở sang chỗ T và B ngồi và H rút 01 con dao ra. Nhóm T chạy. N.G.M và H đuổi theo T nhưng không đuổi được thì quay lại chỗ B và nhóm bạn đang đứng nhìn. H nhìn B và nói “nhìn cái đ gì” thì nhóm của B bỏ chạy. N.G.M đuổi theo dùng tay phải đâm liên tiếp và dùng đầu gối thúc vào mặt anh B. Anh B được đưa vào viện và được xác định bị gãy xương mũi và thành trước xoang hàm trái. Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh B và gia đình có đơn yêu cầu khởi tố đối với N.G.M. Ngày 03/7/2020, Cơ quan điều tra huyện đã ra Quyết định trưng cầu giám định thương tích của anh B, kết quả tỷ lệ thương tổn 7%. Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đ.P đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với N.G.M về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Anh B và gia đình yêu cầu N.G.M phải bồi thường thiệt hại 60 triệu đồng.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước thành phố H.N thực hiện TGPL cho N.G.M. Ngay khi được cử tham gia vụ án, Trợ giúp viên pháp lý đã gặp bị can và người giám hộ tìm hiểu nội dung sự việc, hoàn cảnh nhân thân của bị can N.G.M, tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng để bảo đảm quyền của bị can trong vụ án. Trợ giúp viên pháp lý hòa giải giữa gia đình bị can và gia đình bị hại, thuyết phục gia đình bị hại chấp nhận số tiền bồi thường và rút yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, tại giai đoạn điều tra và truy tố, phía gia đình bị hại không đồng ý làm việc với gia đình bị can và giữ nguyên mức yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đến giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án, qua thời gian dài thuyết phục, Trợ giúp viên pháp lý đã hòa giải được giữa hai gia đình và phía bị hại đồng ý rút đơn và nhất trí mức tiền bồi thường là 15.000.000đ (thấp hơn so với yêu cầu trước đó).
Quyết định của Tòa án, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm, xét thấy bị hại B và người đại diện theo pháp luật của anh B là bà H (mẹ đẻ) có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án. Việc rút đơn của anh B và bà H là hoàn toàn tự nguyện, Tòa án nhân dân đã ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với bị can N.G.M bị Viện kiểm sát nhân dân truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tính thành công của vụ việc, khi vụ án hình sự được đình chỉ đã tạo điều kiện cho N.G.M không phải chịu trách nhiệm hình sự, việc không bị xét xử trước tòa án đã giúp cho nhân thân của người được TGPL không bị ảnh hưởng.
Một vụ việc trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án “Cố ý gây thương tích” khác ở thành phố Hà Nội: Vào khoảng 03h30’ ngày 01/09/2021, nhóm của của P gồm có P, A và K, do có sự hiểu lầm nên bị nhóm của D đuổi theo gây sự qua nhiều tuyến phố, khi hai nhóm gặp lại nhau ở số 1 LL, HK thì xảy ra xô xát, P và A dùng gạch gây thương tích cho D với mức thương tật là 02%, vào buổi sáng sớm nhóm của D lại có hành vi bắt giữ và đánh P và A để trả thù, sau đó nhóm của D bị công an phường phát hiện và xử lý. D có đơn yêu cầu khởi tố đối với nhóm của P. Công an quận HK khởi tố P, A và K về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, khởi tố nhóm của D về tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Viện kiểm sát nhân dân quận HK truy tố về tộ “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trợ giúp viên pháp lý nhận định đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, sau nhiều lần làm việc với mẹ A và K để phân tích, tư vấn thuyết phục gia đình A và K làm việc với gia đình D để thỏa thuận bồi thường thiệt hại để D rút đơn yêu cầu khởi tố với nhóm của P. Sau rất nhiều lần làm việc, hai bên đã thỏa thuận, thống nhất mức bồi thường và nhóm của A và K đã bồi thường cho D. D đã làm đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố đối với nhóm của A và K trước ngày diễn ra phiên tòa hoãn lần thứ 3. Kết quả, căn cứ vào Đơn rút yêu cầu khởi tố của Dương, ngày 10/01/2022 Tòa án nhân dân quận HK đã ra Quyết định đình chỉ vụ án “Cố ý gây thương tích” và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với P, A, K.
Trên đây là một số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thành công, hiệu quả được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện trong thời gian qua. Qua những vụ việc trên đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người, công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Việc không phải mất bất cứ một chi phí, lợi ích nào mà lại được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án, đồng thời bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, phòng chống oan sai đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng trong xét xử, bình đẳng trước pháp luật, nhất là khi người được trợ giúp pháp lý là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội./.
Khả Hân