Các nội dung của Thông tư số 12/2018/TT-BTP về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

05/09/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 1767/QĐ-BTP ngày 27/10/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp, ngày 28/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2018 và thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 và Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp. Sau đây bài viết xin giới thiệu sự cần thiết ban hành và các nội dung của Thông tư như sau:

1. Sự cần thiết ban hành

Để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình ban hành 01 Nghị định và ban hành 01 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, ngoài những nội dung được Quốc hội giao quy định chi tiết, một số quy định mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý cũng cần được hướng dẫn để thực tiễn áp dụng thống nhất trên toàn quốc như thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý, vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc, hồ sơ vụ việc đối với từng hình thức trợ giúp pháp lý,... Hơn nữa, một trong những yêu cầu của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, do đó cần phải có cơ chế để đánh giá chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách khách quan, thực chất. Mặt khác, các Thông tư đang quy định về các vấn đề nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006[1] đã bộc lộ nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (như quy định về hình thức trợ giúp pháp lý khác, hồ sơ trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, thẩm quyền và tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý...). Về thẩm quyền, tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 40 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã giao Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; ban hành các quy định hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động trợ giúp pháp lý, mẫu giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Do đó, để bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, việc ban hành Thông tư hướng dẫn về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là cần thiết. Việc ban hành Thông tư sẽ hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vấn đề mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý để tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần đưa Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đi vào cuộc sống có hiệu quả.

2. Các nội dung của Thông tư

 Với quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng Thông tư là bám sát nguyên tắc, nội dung khi xây dựng Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và thực tiễn, Thông tư đã quy định một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, với 19 điều được chia thành 04 Chương, bao gồm: chương 1 về quy định chung, chương 2 về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, chương 3 về quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chương 4 về điều khoản thi hành.

Về địa điểm tiếp người có yêu cầu trợ giúp pháp lý (Điều 2), Thông tư quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc bố trí địa điểm thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận và trình bày yêu cầu trợ giúp pháp lý; trách nhiệm phân công cán bộ tiếp người được trợ giúp pháp lý trong giờ làm việc. Trong trường hợp nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý cần được giữ bí mật thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bố trí địa điểm phù hợp.

Về các nội dung cần niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 3), ngoài những nội dung phải công bố theo yêu cầu công khai thủ tục hành chính nói chung, Thông tư quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải niêm yết tại trụ sở làm việc các nội dung cần thiết để bảo đảm thuận lợi cho người dân như: lịch tiếp người được trợ giúp pháp lý; nội quy tiếp người được trợ giúp pháp lý; người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý và nội dung khác (nếu cần thiết).

- Về nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý (Điều 4). Tại điểm b khoản 2 Điều 18 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định Trợ giúp viên pháp lý có nghĩa vụ "tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý". Do đó, Thông tư đã quy định về thời gian, nội dung, hình thức tập huấn; các trường hợp được miễn tham gia tập huấn bắt buộc. Cụ thể, thời gian tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý tối thiểu là 08 giờ/năm. Các nội dung tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc cho Trợ giúp viên pháp lý bao gồm: Kiến thức pháp luật cần thiết cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý; các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý; quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Các trường hợp không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong năm bao gồm được cử đi học hoặc nghỉ ốm từ 6 tháng trở lên; được cử biệt phái đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý; nghỉ thai sản. Thông tư cũng đã quy định nghĩa vụ của Sở Tư pháp báo cáo về việc thực hiện quy định này của các Trợ giúp viên pháp lý tại địa phương.

Như vậy, các quy định này vừa là nghĩa vụ, đồng thời vừa là quyền của Trợ giúp viên pháp lý, tạo thuận lợi, linh hoạt để họ tự lựa chọn việc tham gia các lớp tập huấn phù hợp nhu cầu của bản thân để bổ sung kiến thức, kỹ năng hành nghề cần thiết, nâng cao trình độ, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng có chất lượng hơn nữa cho người được trợ giúp pháp lý.

- Về thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 5): quy định khi yêu cầu trợ giúp pháp lý đủ điều kiện thụ lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm vào Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý. Thời điểm thụ lý được tính từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được vào Sổ và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Chi nhánh theo dõi, tổng hợp số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý trong Sổ này.

- Các trường hợp tiến hành thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý được Thông tư hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất (Điều 6). Theo đó, trường hợp sắp hết thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc; trường hợp sắp đến ngày xét xử được hiểu là ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý là các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm; và các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì giao cho người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.

Đồng thời, Thông tư quy định thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu trong trường hợp thụ lý ngay tương ứng thời hạn tối đa vụ việc diễn ra và người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng thực hiện các bước về thủ tục, hạn chế tình trạng vụ việc được người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện xong vụ việc rồi nhưng phát hiện ra người thụ hưởng không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý là 05 ngày làm việc). Tuy nhiên, để bảo đảm tối đa quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường hợp bất khả kháng, Thông tư có quy định ngoại lệ về thời gian bổ sung giấy tờ, tài liệu của người được trợ giúp pháp lý dài hơn so với thời hạn tối đa vụ việc diễn ra (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý là 10 ngày làm việc). Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn quy định nêu trên thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện. Việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

Việc thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 8), Thông tư đặt ra yêu cầu việc thực hiện trợ giúp pháp lý cần bám sát yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ về thái độ, trách nhiệm, chuyên môn của người thực hiện trợ giúp pháp lý và mức độ hài lòng đối với vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Quy định này nhằm tạo sự chủ động cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vụ việc hoặc nguồn lực tại từng thời điểm để phân công người lấy ý kiến cho phù hợp.

- Về yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý (Điều 9), Thông tư quy định khi người được trợ giúp pháp lý có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc có nguyện vọng rút yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý thì làm đơn và gửi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh. Thông tư quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh có trách nhiệm trả lời người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn trong trường hợp đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và trả lời ngay bằng văn bản về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong trường hợp rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 

- Về xác định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc (Điều 10): Đây là một trong những vấn đề các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần hướng dẫn để xác định được thời điểm kết thúc yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời để tạo thuận lợi cho việc thống kê và thanh toán vụ việc trợ giúp pháp lý. Thông tư đưa ra ba trường hợp được xác định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc, bao gồm: (1) Thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; (2) thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý; (3) bị đình chỉ theo quy định pháp luật.

Về hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 11): Việc hướng dẫn hồ sơ vụ việc theo hướng bám sát quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Trợ giúp pháp lý, bảo đảm quy định hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý là công cụ để phục vụ cho việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ việc để các địa phương tiết kiệm thời gian, tập trung thực hiện vụ việc, thuận lợi cho việc theo dõi, tra cứu.

Thông tư quy định mỗi hồ sơ vụ việc có một mã số riêng, được lập và phân loại theo từng hình thức trợ giúp pháp lý. Mã số hồ sơ vụ việc gồm tập hợp các ký hiệu bằng chữ và bằng số tương ứng với tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý, số thứ tự của vụ việc trong Sổ theo dõi, thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, năm tiếp nhận. Trường hợp vụ việc do Chi nhánh thực hiện thì tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là chữ viết tắt của tên Chi nhánh. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh có trách nhiệm tạo hồ sơ vụ việc và người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thông tư đã hướng dẫn cụ thể hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo từng hình thức trợ giúp pháp lý và quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tạo hồ sơ và người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý để theo dõi.

Theo đó, hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng bao gồm: Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Trợ giúp pháp lý; quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có); bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý; bản chính hoặc bản sao kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định; văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp; văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có); giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.

Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật bao gồm: Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Trợ giúp pháp lý; văn bản tư vấn pháp luật có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý; văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có); giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm: Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Trợ giúp pháp lý; quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có); văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thể hiện kết quả việc đại diện ngoài tố tụng; bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý; văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có); giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.

Về thẩm định thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 12): Để nâng cao chất lượng, đồng thời là căn cứ để đề xuất chi trả mức bồi dưỡng, thù lao vụ việc trợ giúp pháp lý, Thông tư quy định việc thẩm định về tính hợp lý của thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, giao thẩm quyền cho lãnh đạo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh của Trung tâm (nếu được giao) phân công việc thẩm định.

- Về các biểu mẫu và báo cáo (Điều 7 và Điều 13): Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; báo cáo đột xuất, chuyên đề theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Thông tư quy định thời hạn báo cáo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp. Đồng thời, Thông tư còn hướng dẫn 12 biểu mẫu để thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là những mẫu có liên quan đến quyền của người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, có thể thấy rằng, khác với cách quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP, các nội dung hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ của Thông tư số 12/2018/TT-BTP chỉ mang tính nguyên tắc, còn các hoạt động mang tính "cầm tay chỉ việc" hoặc những vấn đề nghiệp vụ có tính nội bộ như phân công người thực hiện, phân công người tiếp nhận... hay các vấn đề liên quan đến kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ động, linh hoạt thực hiện trong điều kiện cụ thể.

- Về quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (từ điều 14 - điều 17)

Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là một khâu quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý theo mục tiêu của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đề ra. Thông tư quy định những nội dung về thẩm quyền thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, về tiêu chí và xếp loại đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Về chủ thể thực hiện (Điều 14, Điều 15): Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là hoạt động mang tính nội bộ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và được giao cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chủ động thực hiện đối với tất cả các vụ việc để có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng (Cục Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp) nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động đánh giá. Ngoài ra, trong các vụ việc phức tạp có thể mời thêm các chuyên gia pháp luật hoặc luật sư, Trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm tham gia việc đánh giá. Việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện đối với vụ tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng theo tỷ lệ nhất định do cơ quan có thẩm quyền đánh giá xác định bảo đảm người thực hiện trợ giúp pháp lý đều có vụ việc được đánh giá.

Về tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 16), Thông tư chia thành các nội dung cụ thể với số điểm tương ứng vừa phản ánh thái độ, ứng xử vừa thể hiện trình độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc, cụ thể: Tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý (30 điểm) bao gồm tuân thủ pháp luật, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, giải thích, hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời về vụ việc cho người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc; tiêu chí về thực hiện trợ giúp pháp lý (60 điểm) bao gồm thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu trợ giúp pháp lý và phạm vi được phân công, thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc, nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm nội dung trợ giúp pháp lý đúng và phù hợp với pháp luật, tham gia các hoạt động tố tụng hoặc tham gia các hoạt động đại diện ngoài tố tụng để kịp thời có giải pháp bảo vệ bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; tiêu chí về sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích (10 điểm).

+ Xếp loại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều17): Thông tư quy định vụ việc chất lượng tốt là vụ việc có tổng số điểm đạt từ 90 điểm trở lên; vụ việc chất lượng khá là vụ việc có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm; vụ việc đạt chất lượng là vụ việc có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; vụ việc không đạt chất lượng là vụ việc có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm hoặc vụ việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý vi phạm điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý.

Các quy định này vừa khắc phục được những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, vừa tạo cơ chế chủ động cho cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý trong việc quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Qua đó nắm bắt được thực chất chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và đề ra biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng tốt nhất.

- Thanh Trịnh -

 

[1] Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 (được sửa đổi, bổ sung một phần theo Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011) và Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013.

Xem thêm »