Một ngày ở Huổi Min (Điện Biên)

26/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mất gần 3 tiếng đồng hồ, vượt qua chặng đường quanh co khúc khuỷu của núi rừng Tây Bắc, Đoàn công tác của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã có mặt tại UBND phường Sông Đà, thị xã Mường Lay. Ngay khi vừa tới nơi, chúng tôi đã được các cán bộ UBND phường tiếp đón và thông báo bố trí họp dân tại Bản Huổi Min – là bản đặc biệt khó khăn duy nhất của phường.

Các cán bộ nói: “Bình thường đường đi vào bản đã rất khó đi, đêm qua lại mưa to không biết chúng ta nên đi bộ hay đi xe máy? Nhưng sắp đến thời gian chúng tôi thông báo cho đồng bào để làm việc rồi đấy!”. Trưởng đoàn của Đoàn công tác chúng tôi liền trả lời: “Nếu sắp đến giờ các cán bộ thông báo với người dân để làm việc mà đường có vào được bằng xe máy thì chúng ta cứ đi bằng xe máy thôi. Đoàn chúng tôi cũng thường xuyên ra cơ sở để trợ giúp pháp lý cho người dân nên cũng quen với những đoạn đường xá ở trên này rồi. Nếu có những đoạn mà xe máy cũng không đi được, kể cả có phải khiêng xe máy qua thì chúng tôi cũng làm được. Chứ bà con ở trên này cũng phải bỏ thời gian cho công việc để gặp chúng tôi, có những người phải đi bộ từ rất xa về địa điểm họp dân để được trợ giúp pháp lý. Cán bộ lên sớm rồi đợi bà con cũng được, nếu để bà con phải đợi cán bộ thì chúng tôi cũng áy náy lắm”.

Vậy là chúng tôi đợi các cán bộ phường chuẩn bị rồi lên đường luôn.

 Đoạn đường từ UBND phường Sông Đà vào bản Huổi Min dài khoảng 4km, nhưng chúng tôi mất gần 1 tiếng đồng hồ mới vào tới nhà của anh Trưởng bản. Quả đúng như lời các cán bộ phường nói, đường gập ghềnh đất đá và phải leo trên những đoạn đường núi dốc khá nguy hiểm, nhiều đoạn đường trơn rất khó đi nhưng cũng may là chỉ có vài đoạn phải dắt xe chứ không đến nỗi phải khiêng xe để qua.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tới nhà Trưởng bản Huổi Min – nơi mà các cán bộ UBND phường thông báo và bố trí trợ giúp pháp lý lưu động. Chúng tôi đến nơi sớm hơn thời gian thông báo làm việc, nhưng đã có một số người dân đã đến và đợi cán bộ, trong đó có cả bác già làng của Bản Huổi Min. Khi chúng tôi đến nơi, bác nở nụ cười niềm nở cùng với những lời hỏi thăm đến các cán bộ, vì đêm qua mưa nên bác lo rằng cán bộ không lên tới bản được.

 Bản Huổi Min chỉ có 15 hộ nhưng có đến 105 khẩu, tất cả các hộ trong bản đều là người dân tộc Mông và đều thuộc hộ nghèo. Những thành viên có chung huyết thống sống với nhau và lập thành gia đình nhiều thế hệ, cuộc sống của người dân nơi đây mang tính tự cung tự cấp, phụ thuộc vào nương rẫy, vào thiên nhiên trên rừng núi để phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của mình. Đời sống bà con nơi đây còn đặc biệt khó khăn, sóng điện thoại rất yếu, đi lại khó khăn, chưa có điện thắp sáng… tất cả làm chúng tôi chạnh lòng.

Không như các đoàn công tác khác lên bản hỗ trợ người dân về thức ăn, đồ dùng, vật chất,… Đoàn công tác TGPL mang tờ gấp pháp luật, kiến thức pháp luật về cho dân. Khi người dân đã có mặt đông đủ, Đoàn công tác dành thời gian giới thiệu về Trung tâm TGPL nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; địa chỉ liên hệ với Trung tâm và Chi nhánh để bà con biết quyền được trợ giúp pháp lý và liên hệ với Trung tâm khi bà con cần. Suốt  buổi làm việc, bà con luôn tập trung lắng nghe. Những vướng mắc đều được hỏi công khai và được trả lời cho tất cả mọi người cùng nghe để tất cả bà con tham gia đều hiểu các quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể và có thể áp dụng sau này. Những ý kiến của bà con cũng như nội dung tư vấn của Đoàn công tác chủ yếu xoay quanh một số vướng mắc liên quan đến đời sống của người dân như điện lưới tại thôn bản, đường giao thông đi lại, tranh chấp đất nương, vấn đề về hôn nhân cận huyết thống… Tất cả được Đoàn công tác tư vấn, hướng dẫn cụ thể và nhiệt tình đến khi mọi vướng mắc về pháp luật của người dân đã được giải đáp. Bà con vô cùng hân hoan và phấn khởi.

Chúng tôi rời khỏi bản Huổi Min khi trời đã ngả về chiều, cái lạnh mùa Đông làm cho lòng người tê tái hay chính cuộc sống của những con người nơi đây để lại cho con người ta nhiều trăn trở. Xe máy của chúng tôi lặng lẽ lăn bánh qua những con đường đầy sỏi đá, gió núi hun hút, những rặng cây dần lùi lại sau lưng chúng tôi, bản nhỏ chìm dần trong mây núi, trở về với vẻ yên tĩnh vốn có của nó. Nhưng trong tôi còn nhiều suy nghĩ miên man, làm sao để cuộc sống của người dân đỡ khổ, làm sao để người dân tiếp cận gần hơn với pháp luật, với chính sách của Đảng và Nhà nước? Tôi tự nhủ với lòng mình: rồi một ngày kia chúng tôi sẽ còn trở lại nơi đây.

                                                                       Lê Mạnh Hùng

                                                            Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên

Xem thêm »