Tìm lại công bằng cho cô bé phạm tội giết người

20/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng ngày 19/7/2010, người dân phường P, quận K bàng hoàng khi nghe hung tin: Ngô Thị B đâm chết bác ruột của mình. Không bàng hoàng sao được khi người phạm tội là một cô bé mới 17 tuổi, ngoan ngoãn, hiền lành, hàng xóm, bạn bè ai ai cũng yêu quý

 Ở lứa tuổi cần phải được chăm sóc, bảo vệ và được đảm bảo cuộc sống lành mạnh để phát triển đầy đủ nhân cách như bạn bè đồng trang lứa thì em lại phải sớm từ bỏ giấc mơ đến trường để đi làm phụ giúp bố mẹ. Cùng với bố mẹ gánh vác những lo toan của người lớn trong cuộc mưu sinh đầy rẫy những bất trắc nhưng em không hề chán nản, lao vào con đường hư hỏng như nhiều trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội khác. Trái lại, em rất chăm ngoan, chịu khó làm lụng. Vậy mà, chỉ một chút nông nổi, không làm chủ được hành vi, giờ đây, em sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, sự dằn vặt của lương tâm, và đau đớn hơn, quãng đời đẹp nhất của người con gái của em sẽ trải qua trong tù giam.

Không ai ngờ, ngay cả chính B cũng không ngờ, một ngày em phạm tội giết người! Vụ án xảy ra khi B cùng bố là Ngô Văn S đang tiến hành chôn cột điện để kéo điện về nhà phục vụ sinh hoạt thì Ngô Trung X (là bác ruột của B và cũng là tổ trưởng tổ dân phố) đến yêu cầu hai bố con B trồng cột điện sang một bên theo đúng quy định của UBND phường. Giữa ông X và S lời qua tiếng lại, B vào can thì bị ông X đấm trúng mặt, được mọi người can ngăn nên không xảy ra đánh nhau. Tới khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, ông X đang rắc vôi bột ở dưới đầm thuộc đường 4, tổ 5, phường P thì anh Hoàng Đình Ng là cán bộ địa chính phường đến kiểm tra hàng cột điện do ông S trồng. Tại đây, ông X và ông S lại tiếp tục đánh chửi nhau. Chứng kiến cảnh bố mình bị ông X đẩy ngã, dùng tay đấm liên tiếp vào mặt, với bản năng tự nhiên là bênh vực người thân, đặc biệt lại là người sinh thành ra mình, nên B bị kích động về tinh thần, không làm kiềm chế được hành vi, sẵn có con dao trong tay, B đã đâm liên tiếp 5 nhát vào lưng ông X. Ông X được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Cáo trạng số 54/CT-P1A ngày 30/3/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố Ngô Thị B về tội giết người theo quy định tại điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS).[1] Ngày 20/07/2010, Công an quận K, thành phố Hải Phòng đã có Công văn số 383/CV gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng (Trung tâm) đề nghị Trung tâm mời Luật sư bào chữa cho Ngô Thị B trong quá trình điều tra. Được sự hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng, em B đã có đơn đề nghị Trung tâm cử Luật sư, Trợ giúp viên tham gia bào chữa cho em từ giai đoạn điều tra. Thực hiện TGPL cho đối tượng người chưa thành niên là bị can Ngô Thị B trong vụ án giết người, ngày 22/07/2011, Trung tâm đã ra Quyết định số 156/QĐ-TTTGPL cử Luật sư cộng tác viên Ngô Văn T và Trợ giúp viên pháp lý Đào Thị M tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can Ngô Thị B từ giai đoạn điều tra cho đến khi kết thúc vụ án. Ngay sau khi có Quyết định cử người bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên đã tích cực tìm kiếm, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và hướng dẫn gia đình bị cáo bồi thường thiệt hại cho người bị hại để từ đó có căn cứ đề xuất phương án giải quyết phù hợp và có phương án vận dụng hiệu quả khi bào chữa.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo B về tội giết người theo quy định tại điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS như nội dung cáo trạng và đề xuất áp dụng thêm 02 tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p Khoản 1 Điều 46 BLHS[2] đối với bị cáo. Luật sư và Trợ giúp viên không tranh luận về tội danh, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng theo Khoản 2 Điều 93 BLHS[3]. Bởi lẽ, bị cáo không muốn giết ông X mà chỉ nhằm gây thương tích cho ông, ngoài ra do bị cáo bị kích động tinh thần nên có hành động bột phát như vậy. Ngoài ra, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tới thân nhân của bị cáo không có tiền án, tiền sự; phạm tội khi chưa thành niên; gia đình bị cáo đã bồi thường 70 triệu đồng; bị cáo ra đầu thú. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, đ, p Khoản 2 Điều 46, Điều 47 BLHS, Điều 147 BLTTHS đối với bị cáo.

HĐXX chấp nhận một phần quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, đ, p Khoản 1 Điều 46 nhưng vẫn áp dụng điểm n khoản 1 điều 93 BLHS để quyết định tuyên bị cáo Ngô Thị B phạm tội giết người và xử phạt bị cáo 15 năm tù giam.

Với sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi vụ án đến cùng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, trên cơ sở các tình tiết khách quan của vụ án, bên cạnh việc hướng dẫn người được TGPL làm đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật TTHS, Trung tâm đã có văn bản kiến nghị gửi Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao đề nghị chấp nhận kháng cáo của gia đình bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm chuyển khung hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo Ngô Thị B, mở rộng lượng khoan hồng để bị cáo có cơ hội sớm được trở về với gia đình, tạ tội với vong linh bác. Bản kiến nghị nêu rõ những tình tiết còn chưa được làm sáng tỏ tại phiên tòa sơ thẩm:

Về tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”

Trung tâm nhận định Tòa sơ thẩm xét xử bị cáo B ở điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” là quá nghiêm khắc. Bị cáo chỉ phạm tội giết người theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 BLHS bởi các lý do: Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì côn đồ là kẻ chuyên đi gây sự. Phạm tội có tính chất côn đồ là phạm tội hoàn toàn từ nguyên cớ do mình gây ra. Người phạm tội có hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác. Đối chiếu với những hành vi của bị cáo B, ta thấy:

 Thứ nhất, B là con gái lớn, ngoan trong gia đình, được bố mẹ hết mực thương yêu. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo đã xin thôi học để đi làm phụ giúp cha mẹ. Ở địa phương, em là một công dân tốt, chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Điều này thể hiện rõ trong hồ sơ, phù hợp với lời khai tại phiên tòa và được Hội đồng xét xử cũng nhận định. Là một người con ngoan, một công dân tốt thì không thể là kẻ chuyên đi gây sự, càn quấy được.

Thứ hai, bị cáo có hành vi đâm bác mình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, không phải từ nguyên cớ do chính B gây ra. Điều này cũng được Tòa sơ thẩm nhận định trong bản án sơ thẩm: “…Giữa ông X và ông S lời qua tiếng lại, B vào can thì bị ông X đấm vào mặt”; “Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 17/9/2010, ông S và ông X xảy ra xô xát, đánh nhau. Ông X đẩy ông S ngã và dùng tay đấm vào người ông S”. Chị Th, vợ của nạn nhân cũng công nhận tình tiết này. Bị cáo đã bị sưng mặt đến mấy ngày không ăn uống được.

Ngay buổi chiều, khi thấy bác X lại tiếp tục đánh bố mình, vật ngã bố mình xuống đất và đấm liên tiếp vào mặt. Với bản năng tự nhiên là bênh vực người thân, đặc biệt là người sinh ra mình, nên B bị kích động tinh thần, không kìm chế được hành vi và đã dùng dao đâm ông X. Như vậy, việc bị cáo đâm ông X xuất phát có nguyên cớ rõ ràng do người bị hại cũng có lỗi, đang đánh bố bị cáo là người thân thích nhất của bị cáo. Chính vì vậy, Tòa sơ thẩm đã cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS là phạm tội trong trường hợp bị kích động tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra. Việc bị cáo bị kích động tinh thần đồng nghĩa với việc loại bỏ tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” vì người bị hại cũng có lỗi chứ không phải xuất phát từ hành động vô cớ hoặc từ nguyên nhân nhỏ nhặt.

Hơn nữa các tài liệu, chứng cứ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa thể hiện bị cáo Ngô Thị B không có ý định giết ông X. Việc ông Xô chết hoàn toàn ngoài ý muốn của B. Mục đích bị cáo đâm bác X chỉ để bác bị đau mà buông tay ra để bố mình chạy thoát. Hung khí là con dao có sãn trong tay do đang gọt hoa quả chứ không phải do bị cáo chuẩn bị từ trước. Khi bố bị cáo can ngăn thì bị cáo đã không đuổi theo nữa, đồng thời vứt dao đi. Việc không tiếp tục đâm bác Xô là hoàn toàn do ý thức chủ quan của bị cáo B;

 Với những tình tiết khách quan trên, Tòa sơ thẩm tuyên xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Về các tình tiết giảm nhẹ:

Mặc dù Hội đồng xét xử sơ thẩm cho bị cáo được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ được quy định tai điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 26, Điều 69 và Điều 74 BLHS, không có tình tiết tăng nặng song Hội đồng xét xử đã chưa áp dụng điều luật này khi quyết định hình phạt:

- Bị cáo phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ đáng kể được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng hình phạt tù có mức cao nhất đối với bị cáo (20 năm x 3/4 = 15 năm), chưa đúng với quy định của tại Điều 45 BLHS[4] về căn cứ quyết định hình phạt. Như vậy, có thể nói trên thực tế Hội đồng xét xử đã không cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ nêu trên khi quyết định hình phạt;

- Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng chưa áp dụng triệt để Điều 69 BLHS về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Về nhân thân, nguyên nhân và điều kiện phạm tội:

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến B bức xúc, bị kích động không thể không kể đến đó là hoàn cảnh gia đình bị cáo. Không thể tưởng tượng được giữa đô thị loại 1 quốc gia, trong thế kỷ 21 này lại có những gia đình như anh S, chị H, không có điện trong suốt 20 năm qua. Ngay cả đến bây giờ, gia đình bị cáo cũng không có điện. Điều này thật bất công! Chỉ vì gia đình quá nghèo hay do sự thờ ơ của chính quyền đối với người dân, đặc biệt họ lại là những hộ nghèo, bị yếu thế cần được Nhà nước, xã hội và cộng đồng quan tâm hơn bao giờ hết. Bị cáo đang trong tâm trạng phấn khởi khi gia đình bao năm mới có tiền để trồng cây cột điện, kéo điện về nhà, chấm dứt hoàn toàn chuỗi ngày phải dùng đèn dầu, cây nến thay cho đèn điện, quạt nan thay cho quạt quạt điện dưới cái nắng nóng như đổ lửa của mùa hè thì nay bỗng thấy ông X là người ruột thịt của mình đến ngăn cản. Rõ ràng, B cảm thấy bị hụt hẫng, thất vọng và đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bị cáo bị kích động tinh thần nhất thời bột phát đâm ông Xô. Khi phạm tội, B mới 17 tuổi 01 tháng 9 ngày. Lứa tuổi này chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, con non nớt trong suy nghĩ và bồng bột trong hành động. Sự hạn chế hiểu biết và nhận thức trong xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ nên đã tức thời phạm tội. Bị cáo có thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và là lần đầu phạm tội.

Trên cơ sở Bản kiến nghị và với những lập luận của người thực hiện TGPL tại phiên tòa phúc, HĐXX đã chấp nhận quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên và quyết định chuyển khung hình phạt, áp dụng khoản 2 điều 93 BLHS xử phạt bị cáo Ngô Thị B 9 năm 6 tháng tù giam. Quyết định của HĐXX giúp chúng ta nhận ra rằng nếu như Trung tâm chỉ tư vấn, hướng dẫn gia đình bị cáo tiếp tục kháng cáo mà không kiên quyết tác động tới HĐXX bằng một văn bản kiến nghị có đầy dủ các lập luận, các căn cứ pháp lý thuyết phục thì liệu em B có cơ hội được giảm hình phạt tù không.

Như vậy, có thể nhận thấy để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, bên cạnh việc thực hiện theo quy định của pháp luật, sự vận dụng sáng tạo các kỹ năng TGPL thì người thực hiện TGPL cũng cần phải kiên trì, yêu nghề, tận tụy trong công việc, phải có bản lĩnh vững vàng, không ngại “va chạm” với các cơ quan tiến hành tố tụng và trên hết là làm việc bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình, khi đã có những chứng cứ đầy đủ và rõ ràng thì phải quyết tâm theo đuổi vụ việc tới cùng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của những mảnh đời bất hạnh không may vướng vào vòng lao lý.

[1] Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

n) Có tính chất côn đồ.

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

[3] 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 

Xem thêm »