Từ một thông báo bất ngờ

20/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

22 tuổi, sức trẻ đang căng tràn, chàng trai Hoàng Văn Y (sinh năm 1948), xung phong ra chiến trường, nhập ngũ tháng 7/1966, đơn vị Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 316. Trong quá trình tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Hoàng Văn Y được phong quân hàm Thượng sỹ, chức vụ Trung đội phó

 Ngày 30/07/1969, Y bị thương, phải nằm điều  trị trong một thời gian dài từ tháng 7 đến tháng 10/1969 do vết thương thấu phổi trái, ho ra máu, dính đờm, khó thở và còn mảnh nhỏ bằng hạt đậu nằm trong phổi, vết thương phần mềm cẳng tay trái, toàn thân gầy yếu, da xanh nhợt (Giấy chuyển viện ngày 25/10/1969).

Sau khi điều trị lành vết thương, ông Y được đơn vị cho đi an dưỡng và được Cục Chính trị Quân khu Tây Bắc cấp Phiếu thương tật ngày 15/10/1970 xác nhận là thương binh loại A, hạng 2, tỷ lệ thương tật 31% (theo Quyết định số 022/QĐ-TC, ngày 15/10/1970 của Quân khu Tây Bắc); sau đó ông Hoàng Văn Y được xuất ngũ, trở về địa phương (theo Quyết định số 156/QĐ-XN, ngày 01/12/1970 của Thủ trưởng Quân khu Tây Bắc). Từ khi được xác nhận là thương binh, ông Hoàng Văn Y được hưởng chế độ thương binh hạng 2/8 (cũ) với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 31%.

Đến năm 1987, ông Y nhận được giấy báo đi giám định lại thương tật. Biên bản y khoa số 335 ngày 27/07/1987 của Hội đồng giám định y khoa xác định: “Vết thương trái thấu phổi, còn mảnh nhỏ nằm trong phổi, thỉnh thoảng gây ho và đau tức ngực, vết thương phần mềm cẳng tay trái sẹo nhỏ, xếp 21%, hạng 4/4.”. Tuy nhiên, từ khi có kết luận của Hội đồng giám định y khoa đến 31/12/2008, ông Y vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4 với tỷ lệ thương tật là 31%. Đến tháng 01/2009, ông Y mới nhận được thông báo mức trợ cấp thương binh là 4/4, tỷ lệ thương tật là 21%. Ngỡ ngàng trước bản thông báo, ông Y vô cùng bức xúc. Mọi người trong gia đình ông, thậm chí cả những người dân địa phương, sau khi biết chuyện, cũng không khỏi thắc mắc, hoài nghi vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương trước sự thay đổi về chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với một thương binh đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hy sinh một phần xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập, tự do  cho Tổ quốc.

Gần một tháng sau, vào ngày 26/2/2009, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Yên Bái (Trung tâm) tổ chức đợt TGPL lưu động tại xã Phù Nham. Ông Y, đã đề nghị  Trung tâm tư vấn, hướng dẫn, làm đơn kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, điểu chỉnh mức trợ cấp cho ông. Sau khi cân nhắc kỹ các phương án giải quyết, người cán bộ thực hiện vụ việc đã lựa chọn hình thức kiến nghị[1] để việc TGPL đạt hiệu quả cao nhất.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc của ông Hoàng Văn Yềm, người thực hiện TGPL đã nhận thấy những vấn đề sau: Ông Hoàng Văn Y cho biết ông đã không làm đơn đề nghị giám định lại thương tật mà việc đi giám định lại vết thương được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng là Sở lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái). Vào thời điểm đó, ông Y tuổi còn chưa cao (39 tuổi), cùng với hơn 15 năm trở về địa phương, đoàn tụ cùng gia đình, được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình quan tâm chăm sóc, động viên cả về vật chất, tinh thần nên sức khỏe cũng như sức đề kháng của cơ thể còn tương đối tốt, việc giám định và xếp lại hạng thương tật từ 31% xuống còn 21% là một kết quả khách quan, chính xác.

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm, việc tổ chức giám định lại đối với những trường hợp này là để kiểm tra, đánh giá lại tỷ lệ thương tật nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đã từng trực tiếp cầm súng, tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ và được đảm bảo thực hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật. Trong trường hợp khi giám định lại nếu tỷ lệ thương tật được xác định cao hơn thì sẽ xếp hạng thương binh hoặc mức hưởng trợ cấp cao hơn; còn đối với những trường hợp có tỷ lệ thương tật bằng hoặc thấp hơn mức đang hiện hưởng thì Nhà nước vẫn tiếp tục để họ được hưởng mức như cũ, bởi vì hậu quả qua đi, di chứng của các vết thương trong chiến tranh không chỉ đã và đang mà sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường, bởi năm tháng qua đi, tuổi tác của họ mỗi ngày một cao, sức khỏe của họ mỗi ngày một giảm theo quy luật tất yếu vốn có của tự nhiên, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, lao động, sinh hoạt bình thường. Trong trường hợp người thương binh Hoàng Văn Y, kể từ khi giám định lại thương tật, vẫn tiếp tục được hưởng mức trợ cấp thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật là 31% là một minh chứng cụ thể, sinh động của một chế độ, chính sách mang đầy tính nhân văn, đạo lý.  Song trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 105/2008/NĐ-CP, ngày 16/09/2008 của Chính phủ, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái có Quyết định số 166/QĐ-SLĐTB&XH, ngày 24/11/2008 về việc điều chỉnh, thực hiện mức trợ cấp từ tháng 01/2009 đối với 1.021 đối tượng, trong đó có thương binh Hoàng Văn Y.

Ông Hoàng Văn Y đã bước sang tuổi 63, đã hết tuổi và khả năng lao động. Ngoài chế độ trợ cấp với số tiền là khoảng 600.000đ/tháng đối với thương bình hạng 4/4; tỷ lệ thương tật 21% đang hưởng do việc điều chỉnh mức trợ cấp (giảm khoảng 200.000đ/tháng so với mức trợ cấp trước khi điều chỉnh), ông Hoàng Văn Y không còn nguồn thu nhập nào khác, đời sống của ông và gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Những khi trái gió, trở trời, ông lại bị những cơn đau hành hạ, tức ngực, khó thở bởi vì trong cơ thể ông vẫn còn đó, một mảnh đạn của kẻ thù, chứng tích của một thời trai trẻ xả thân vì Tổ quốc, nỗi đau ấy sẽ còn tiếp tục tồn tại trong lá phổi của người thương binh Hoàng Văn Y hàng chục năm nay và những năm tiếp theo.

Với truyền thống đạo lý tốt đẹp “Đền ơn, đáp nghĩa, Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh và dành sự quan tâm đặc biệt đối với những người có công với đất nước, với dân tộc; hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời và được bổ sung, sửa đổi phù hợp từng thời điểm, từng thời kỳ; việc tổ chức triển khai thực hiện đã được các ngành, các cấp, cơ quan chức năng quan tâm, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng pháp luật. Thực hiện Nghị định số 105/2008/NĐ-CP, ngày 16/9/2008 của Chính phủ, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái có Quyết định số 166/QĐ-SLĐTB&XH tỉnh Yên Bái ngày 24/11/2008 về việc điều chỉnh, thực hiện mức trợ cấp cho các đối tượng là đúng quy định, xét về góc độ pháp lý không có gì sai, song trong từng trường hợp cụ thể nên có cách vận dụng các quy định của pháp luật để áp dụng chế độ, chính sách phù hợp, có lý, có tình, có xét đến từng giai đoạn, từng thời kỳ cống hiến của từng đối tượng để có sự điều chỉnh phù hợp; không để gây ra những băn khoăn, thắc mắc trong nhân dân; không để xảy ra những bức xúc, khiếu kiện không đáng có của những người có công đang được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong thời điểm năm 2010, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Đối với trường hợp của ông Hoàng Văn Y, nếu căn cứ vào biên bản kết quả của Hội đồng giám định y khoa cách đây đã 23 năm để làm căn cứ xếp lại hạng thương tật hiện tại cho ông Hoàng Văn Y là chưa thấu tình, đạt lý. Nếu xét thấy cần thiết, cơ quan chức năng cần tổ chức cho ông Hoàng Văn Yềm được đi giám định lại sức khỏe, thương tật làm cơ sở để xếp lại hạng thương binh, tỷ lệ thương tật phù hợp với sức khỏe của ông trong thời điểm hiện nay; còn nếu thủ tục tổ chức cho đi giám định lại sức khỏe, thương tật quá khó khăn, phức tạp thì cơ quan chức năng có thẩm quyền nên giải quyết theo hướng giữ nguyên hạng thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật là 31% cho thương binh Hoàng Văn Y tiếp tục được hưởng mức trợ cấp thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật là 31% như trước đây, giải tỏa những băn khoăn, bức xúc đối với thương binh Hoàng Văn Y.

Trên cơ sở đó, Trung tâm đã kiến nghị Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái xem xét, quyết định để ông Hoàng Văn Y tiếp tục được hưởng mức trợ cấp thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật là 31% như trước đây nhằm giải tỏa những băn khoăn, bức xúc đối với thương binh Hoàng Văn Y, góp phần cũng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Ngày 03/06/2010, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 01/2010/QĐ-LĐTBXH với nội dung: “Điều chỉnh trợ cấp cho ông Hoàng Văn Y là thương binh loại A, hạng 4/4, tỷ lệ từ 21% lên 31% vĩnh viễn”. Ông Yềm được truy lĩnh số tiền như sau:

- Từ ngày 01/01/2009 đến ngày 30/4/2009: 836.000 đồng;

- Từ ngày 01/05/2009 đến 30/4/2010: 2.640.000 đồng;

- Tổng cộng: 3.476.000 đồng.

Kể từ ngày 01/05/2010 trở đi, ông Hoàng Văn Y đứng tên trong sổ trợ cấp số 1331 Y/TC lĩnh trợ cấp hàng tháng mức trợ cấp 31% là 766.000 đồng/tháng.

Không gì diễn tả được niềm vui mà ông và gia đình có được sau chuỗi ngày bức xúc. Niềm vui ấy có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ TGPL. Họ không quản ngại gian khó, mang hết tấm lòng nhiệt tình của mình đến tận những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, để nghe và hiểu dân, để giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Những con người ấy, với những “chiến công thầm lặng” ấy, không một phút nào đòi hỏi đến hai chữ “Vinh Danh”!

[1] Theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL: “Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật. Cơ quan nhận được kiến nghị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. Điều 41 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL: “Khi có đủ căn cứ cho rằng kết quả giải quyết vụ việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước đó xem xét giải quyết lại vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Khi kiến nghị, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải nêu rõ nội dung vụ việc, căn cứ pháp luật được áp dụng và hướng giải quyết vụ việc và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kiến nghị.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc khi nhận được văn bản kiến nghị của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá bốn mươi lăm ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định về thời hạn trả lời. Trong trường hợp quá thời hạn nói trên mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó để có biện pháp chỉ đạo, xử lý.

 Khi giải quyết vụ việc, nếu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát hiện cán bộ, công chức nhà nước cố tình làm sai, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì kiến nghị cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, giải quyết về việc thi hành pháp luật của cán bộ, công chức đó. Kiến nghị phải nêu rõ các căn cứ, các tình tiết, nội dung sự việc và phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kiến nghị đó…”

 

Xem thêm »