Cần một chữ tâm đề lắng nghe người dân

20/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách đồng bộ huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn, việc làm, ổn định xã hội.

Hoạt động tín dụng nông nghiệp ở nông thôn thời gian gần đây cũng đã có những bước tiến nhất định. Mạng lưới cho vay nông nghiệp nông thôn ngày càng được mở rộng. Nguồn vốn, doanh số cho vay và dư nợ tín dụng ngày càng tăng. Đối tượng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày cảng mở rộng với trên 9 triệu hộ và doanh nghiệp ở nông thôn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hoạt động tín dụng đã thực sự là gắn với làng, bản, xóm thôn, gần gũi với bà con nông dân nhất là các hộ nghèo.

Trong những cuộc thảo luận về phát triển kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng được xem là yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế cho người nghèo. Riêng đối với phụ nữ, đó là động lực để họ học hỏi và phát huy khả năng tiềm ẩn của mình. Về phía các tổ chức tín dụng, việc giao vốn cho phụ nữ tạo cảm giác yên tâm trong tâm lý của họ vì họ cho rằng phụ nữ có khả năng thanh toán cao hơn và ít “bùng” nợ hơn nam giới.

Những người phụ nữ nghèo ở ấp X, xã V, huyện Vĩnh Thuận đang háo hức với đầy ắp những dự định sử dụng đồng vốn vay sao cho có hiệu quả. Nghèo khó, ít học, vì vậy, khi tiếp cận với một chủ trương, chính sách lớn như vậy, họ có biết bao băn khoăn, vướng mắc pháp luật cần được giải đáp trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn. Và trợ giúp pháp lý (TGPL) đã vào cuộc!

Vào ngày 08/05/2009, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang (Trung tâm) tổ chức TGPL lưu động tại ấp X, xã V, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Không khí cuộc TGPL “nóng” dần lên khi người dân liên tiếp thắc mắc về những chủ trương cho người nghèo vay vốn. Trước đó, bà con đã mang thắc mắc này hỏi những cơ quan có thẩm quyền nhưng các cơ quan này không giải thích cụ thể, thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân. Theo phản ánh của Chi hội trưởng phụ nữ ấp, Trưởng ấp và những người nghèo, vào năm 2009 ấp X được cấp trên giao cho Chi hội phụ nữ xét cho vay 60 triệu đồng, mỗi hộ 5 triệu đồng. Ấp đã tiến hành lập danh sách, đưa ra bình xét công khai được 12 hộ nghèo và làm thủ tục trình UBND xã ký xác nhận. Sau đó, gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xem xét cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng chính sách huyện đã từ chối và trả lời chỉ cho những hộ trước đây đã vay vốn của Ngân hàng trả nợ cũ thì sẽ được tiếp tục cho vay mới với mức 10 triệu đồng/ hộ (trong đó, đa số những hộ này đã thoát nghèo).

Qua nghiên cứu hồ sơ và điều tra thực tế của Trợ giúp viên pháp lý, vụ việc dần sáng tỏ. Ngày 20/05/2009, Chi nhánh Ngân hàng Chinh sách xã hội tỉnh Kiên Giang kết hợp với Hội Phụ nữ tỉnh đã cử cán bộ kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung phản ánh của Chi hội trưởng phụ nữ ấp, Trưởng ấp và những người nghèo ấp X, xã V, huyện Vĩnh Thuận. Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với Chi hội Phụ nữ ấp, Trưởng ấp và một số Tổ trưởng vay vốn ấp X và Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Thuận, Tổ trưởng tổ tín dụng phụ trách địa bàn.

 - Kết quả làm việc với địa phương:

Năm 2009, ấp X nhận được thông báo phân bổ vốn về chương trình cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 60 triệu đồng, Ban lãnh đạo ấp, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp đã tiến hành họp để bình xét cho vay 12 hộ nghèo, mỗi hộ 5.000.000 đồng, hồ sơ vay vốn làm xong trình ký UBND xã, sau đó Tổ đã gửi hồ sơ lên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhưng không được Ngân hàng giải quyết cho vay những hộ nghèo đã trả nợ cũ và thoát nghèo nay lại vay vốn bằng nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

- Kết quả làm việc với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách Vĩnh Thuận:

Thực tế, vào năm 2009, xã V được phân bổ 500 triệu nguồn vốn cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, UBND xã đã phân bổ cho ấp X 60 triệu đồng, nhưng do ấp X không xác định được nguồn vốn này là vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nên đã xét hồ sơ cho vay hộ nghèo mới. Do vậy, khi nhận hồ sơ cho vay hộ nghèo của 12 hộ với số tiền 60 triệu đồng, cán bộ tín dụng đã từ chối cho vay và trả lời chỉ giải quyết cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hoặc những hộ nghèo đã trả nợ cũ, nay thoát nghèo chuyển sang vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Đến nay, 60 triệu phân bổ cho ấp X, đã giải quyết cho vay 04 hộ của ấp đã trả nợ cũ thoát nghèo chuyển sang vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Về vấn đề này, Ngân hành chính sách Trung ương đã ban hành Quyết định số 1520/NHCS-TDNN hướng dẫn thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, cụ thể như sau:

“1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

Là hộ nghèo thuộc diện được vay vốn theo các quy định hiện hành tại NHCSXH thuộc địa bàn 61 huyện nghèo (Danh sách 61 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a gồm các huyện trong phụ lục I ban hành kèm công văn số 705/TTg-GKVX ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện mới tách ra từ 61 huyện nghèo nói trên đều thuộc đối tượng thực hiện Nghị quyết 30a).

2. Điều kiện được áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất:

2.1. Là hộ gia đình nghèo đang sinh sống và cư trú hợp pháp tại địa bàn các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo và phải có trong Danh sách hộ nghèo được Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét lập danh sách có xác nhận của UBND cấp xã.

2.2. Chủ hộ (hoặc người được ủy quyền) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người đại diện cho hộ gia đình trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng.

3. Mức cho vay, lãi suất cho vay và thời hạn cho vay:

Hộ nghèo trên địa bàn 61 huyện nghèo được vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản liên quan khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Ngoài ra, hộ nghèo trên địa bàn 61 huyện nghèo còn được hưởng các chính sách sau đây khi vay vốn tại NHCSXH:

3.1. Được vay ưu đãi 01 lần số tiền tối đa 5 triệu đồng với lãi suất 0% trong thời gian 02 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thuỷ sản.

3.2. Đối với hộ nghèo không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay ưu đãi 01 lần với số tiền tối đa 5 triệu đồng với lãi suất 0% trong thời hạn 02 năm.

Việc cho vay hỗ trợ lãi suất theo điểm 3.1 và 3.2 trên đây áp dụng với món cho vay mới kể từ ngày văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành. Trường hợp hộ nghèo vay với mức vay trên 5 triệu đồng, thời gian vay vốn trên 02 năm thì số tiền vay trên 5 triệu đồng và thời hạn vay trên 2 năm được áp dụng lãi suất cho vay hộ nghèo hiện hành của NHCSXH tại thời điểm cho vay. Đồng thời, hộ nghèo vay vốn đến 31/12/2009 vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn thực hiện số 1221/NHCS-KT ngày 19/5/2009 của Tổng giám đốc NHCSXH. Trường hợp hộ vay thời hạn dưới 2 năm nhưng phải gia hạn nợ hoặc chuyển nợ quá hạn vẫn được hưởng lãi suất 0% trong thời hạn 2 năm đó.

Trường hợp người vay đã vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo, kể cả trường hợp người vay đã vay đến mức tối đa 30 triệu đồng, nếu có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào các mục đích nêu tại điểm 3 văn bản này thì vẫn được vay thêm tối đa đến 5 triệu đồng với lãi suất 0% trong 2 năm.

Về lãi suất:

- Lãi suất cho vay bằng 0,65%/tháng.

………………..

7.3. NHCSXH phối hợp với các địa phương tổ chức công khai chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết 30a tại UBND cấp xã, phối hợp với các cơ quan có liên quan để tuyên truyền chính sách này đến các đối tượng thụ hưởng và thực hiện việc cho vay ưu đãi theo hướng dẫn của Tổng giám đốc tại văn bản này. NHCSXH không được từ chối áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nghèo đủ điều kiện được vay.

 Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích được hỗ trợ thì NHCSXH địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các cấp để thu hồi số tiền sử dụng sai mục đích và tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.”.

Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về chính sách  tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn như sau:

“1. Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng và  không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

2. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 30 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quyết định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng, đồng thời phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Cụ thể : 

Đối với những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, ngoài điều kiện như : có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được UBND xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh xác nhận, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ,  cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, còn phải có vốn tự có (bao gồm: giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, lao động, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh và cam kết sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản bảo đảm tiền vay.

Vốn vay được sử dụng vào các mục đích: 

1. Mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất; cây trồng, vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, kinh doanh; xây dựng và cải tạo đồng ruộng, trang trại chăn nuôi; các nhu cầu về vệ sinh môi trường; thanh toán tiền thuê nhân công và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

2. Góp vốn thực hiện các dự án hoặc phương án hợp tác sản xuất, kinh doanh.

3. Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng và đào tạo tay nghề có liên quan mật thiết đến dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

Về lãi suất :

- Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng.

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Ngày 28/05/2009, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang có công văn số 148/TL-NHCS trả lời Trung tâm, Trưởng ấp, Chi hội trưởng phụ nữ ấp X, xã V với nội dung: “Những phản ánh của Chi hội trưởng Phụ nữ ấp, Trưởng ấp và những hộ nghèo ấp Xẻo Gia là đúng. Tuy nhiên, do hộ dân và đoàn thể cũng chính quyền địa phương có sự nhầm lẫn giữa Chương trình cho vay hộ nghèo (lãi suất 0,65% tháng) và chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (lãi suất 0,9% tháng). Do nguồn vốn cho vay hộ nghèo năm 2009 chưa được cấp trên giao nên Phòng giao dịch chưa có nguồn vốn để cho vay hộ nghèo mới phát sinh theo danh sách đã được UBND xã phê duyệt. Việc giải thích của cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được rõ ràng, vì vậy gây thắc mắc trong quần chúng nhân dân.”.

 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Thuận phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương (xã, ấp), các tổ chức đoàn thể cấp xã để thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhiệm để người dân hiểu rõ hơn về các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm tránh hiểu lầm trong các khâu bình xét đối tượng, giải quyết cho vay và trong cả khâu lập hồ sơ vay vốn.

Vụ việc này cho thấy ý nghĩa lớn lao của công tác tiếp dân của các cơ quan, tổ chức. Người cán bộ tiếp dân của cán bộ ngân hàng chỉ cần lắng nghe người dân trình bày những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu chính đáng của họ, đồng thời hướng dẫn, giải đáp, tư vấn tận tình thì đã không xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc, gây mất thời gian, công sức của cả người dân và cơ quan, tổ chức liên quan.

Xem thêm »