Chiều 26/10, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng của TW do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Dương. Tiếp Đoàn kiểm tra có ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ; bà Nguyễn Anh Hoa , Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Bình Dương.
TGPL có sự chuyển biến tích cực
Tại buổi làm việc, đại diện của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Dương (Hội đồng), cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các ngành thành viên Hội đồng trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ đều có sự chỉ đạo quán triệt thường xuyên về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2018.
Công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực một số kết quả nổi bật như: Sự phối hợp giữa các cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPLNN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; ngày càng có nhiều người dân nhất là người yếu thế thuộc diện được trợ giúp pháp lý tin tưởng sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thể hiện qua số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng năm sau tăng cao hơn năm trước; hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành đã đi vào nề nếp, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã có nhận thức đúng đắn hơn về công tác TGPL theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018; kinh nghiệm và kỹ năng tham gia tố tụng của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, qua đó dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng chất lượng hơn. Trợ giúp pháp lý đã và đang có tác động tích cực đến chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, áp dụng pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, theo Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Dương bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc đó là chính sách thu hút đội ngũ người thực hiện TGPL đã được thực hiện, nhưng không còn phù hợp thực tiễn hiện nay. Việc thông báo, thông tin người được TGPL cho tổ chức thực hiện TGPL theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2018 là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động tố tụng bắt buộc theo quy định pháp luật về tố tụng (không vi phạm tố tụng) nên vẫn còn trường hợp chưa thực hiện đầy đủ quy định này. Trong trường hợp người thuộc diện được TGPL từ chối quyền được trợ giúp pháp lý thì Thông tư liên tịch 10/2018 cũng không quy định cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thông tin lại cho tổ chức thực hiện TGPL biết, dẫn đến khó khăn cho việc nắm bắt lý do, nguyên nhân từ chối. Tỉnh Bình Dương nằm trong tâm dịch Covid 19 nên một số hoạt động của Hội đồng phối hợp cũng bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Bình Dương kiến nghị UBND tỉnh có chính sách để giữ chân trợ giúp viên pháp lý và thu hút đội ngũ luật sư làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí xây dựng điểm cầu tham gia tố tụng trực tuyến tại Trung tâm TGPL. Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch 10/2018, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung các quy định về việc thực hiện thông báo, thông tin trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2018 vào các văn bản pháp luật tố tụng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo, quán triệt nâng cao vai trò của kiểm sát viên trong việc kiểm sát việc thực hiện các quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng khi thực hiện quyền công tố trong các vụ án có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng để nâng cao chất lượng TGPL, các cơ quan nằm trong Hội đồng cần phải phối hợp chặt chẽ, và trong quá trình TGPL cần chú ý quan tâm đặc biệt đến các đối tượng yếu thế như công nhân, người lao động. Về kinh phí hoạt động đề nghị cần có cơ chế đặc thù, để đảm bảo kinh phí cho Hội đồng hoạt động hiệu quả.
TGPL đảm bảo quyền con người
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Bình Dương tăng 4,94%, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 3,72%). Trong số 35 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đã có 19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,0%. Tổng vốn đầu tư phát triển ước thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 43.170 tỷ đồng, tăng 6,1%). Tỉnh Bình Dương đã nỗ lực giải quyết việc làm cho hơn 20.325 người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 86.405 ngàn lao động thất nghiệp...
Về công tác TGPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Bình Dương, sau hơn 5 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL miễn phí cho người được TGPL, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhận thức của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan về công tác TGPL ngày càng được nâng cao. Hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành đã đi vào nề nếp. Các vụ việc có trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm tham gia bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình thông qua chất lượng bào chữa, bảo vệ nhiều vụ án thành công, được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL (268 vụ việc thành công, chiếm tỷ lệ 66% số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành của tỉnh). Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm, tâm huyết và thực hiện các vụ việc TGPL đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người được TGPL (năm 2022, trợ giúp viên thực hiện 243 vụ việc tham gia tố tụng, luật sư thực hiện 94 vụ việc tham gia tố tụng).
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương quan tâm, chỉ đạo và quán triệt sâu sắc hơn nữa về công tác TGPL đối với hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng theo tinh thần của các Bộ luật, luật tố tụng, Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản pháp luật về TGPL. Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh quan tâm, chú trọng bảo đảm kinh phí và biên chế làm việc của Trung tâm TGPL tương xứng với vai trò là đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thiết yếu (được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng đề nghị Cục TGPL xem xét khen thưởng, động viện khích lệ các cá nhân và tập thể có thành tích trong các hoạt động trợ giúp pháp luật. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc truyền thông TGPL đến người dân mạnh mẽ hơn nữa.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và đoàn công tác đã đến thăm Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao những thành tích mà Sở Tư pháp Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua.
Thứ trưởng cũng động viên công chức của Sở Tư pháp Bình Dương cố gắng khắc phục những khó khăn hiện tại, tiếp tục nhiệt huyết hơn nữa để tham mưu cho tỉnh những văn bản pháp lý, hoàn thiện thể chế đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.