Hưng Yên: Đẩy mạnh công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

23/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm qua, trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng có nhiều sự thay đổi tích cực, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao; công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày một nâng cao góp phần tích cực vào cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

       Ngày 31/7/2023, Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (Hội đồng ở Trung ương) do đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Hưng Yên. Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hội đồng liên ngành tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hưng Yên.

       Qua kiểm tra, Đoàn Kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hưng Yên (Hội đồng tỉnh) đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật về TGPL và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 10); Hội đồng tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Kế hoạch số 261/KH-HĐPHLN ngày 14/3/2019 về triển khai Thông tư liên tịch số 10, Quy chế phối hợp số 1177/QCPH-STP-TAND-VKSND-CA ngày 25/10/2022 về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh, triển khai người trực trực tiếp tại Tòa án vào thứ 5 hàng tuần…; công tác tập huấn, quán triệt, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 được triển khai đều đặn hàng năm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện niêm yết bản tin, tờ thông tin về TGPL, cung cấp danh sách, số điện thoại của người thực hiện TGPL tại nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đặc biệt, các đơn vị đã thực hiện việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác của các vụ án về quyền được TGPL, quyền được yêu cầu hay từ chối việc TGPL của họ. Việc thực hiện giải thích được ghi vào biên bản và lưu trong hồ sơ của vụ án. Việc thông báo cho Trung tâm TGPLnhà nước tỉnh khi có đối tượng thuộc diện TGPL được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng.

 

         Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc giải thích về quyền được TGPLcho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, đương sự,… còn thiếu  sót; số lượng vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết rất nhiều nhưng số người được TGPL chiếm tỉ lệ thấp nhất là trong các lĩnh vực dân sự, hành chính. Chưa hoàn thiện việc lắp đặt các điểm cầu thành phần trong phiên tòa trực tuyến, số lượng trợ giúp viên pháp lý chưa nhiều,... Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của hoạt động TGPL; phát huy vai trò, trách nhiệm từng Ngành, cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

         Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò TGPL, thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng thực chất, hiệu quả; khắc phục những hạn chế, tồn tại theo Kết luận số 4594/KL-ĐKTLN ngày 29/9/2023 của Đoàn Kiểm tra, Hội đồng tỉnh đề nghị các Ngành, Sở, Đoàn thể và yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các Bộ luật, luật về tố tụng và Thông tư liên tịch số 10 sâu rộng
, hiệu quả; đặc biệt nhanh chóng triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy tại văn bản số 2308/CV-TU ngày 08/11/2023 và Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 17/11/2013 của UBND tỉnh Hưng Yên.
       - Tiếp tục quán triệt toàn diện, sâu sắc hơn chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tiếp cận pháp luật trong các tầng lớp nhân dân nhất là đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và đối tượng yếu thế trong xã hội; nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức về công tác TGPL. Xác định công tác TGPL nói chung và công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đảm bảo mọi người dân đều biết đến hoạt động TGPL, 100% người thuộc diện TGPL được hưởng TGPL khi có yêu cầu.
         - Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng tỉnh trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động phối hợp TGPL, xem xét trách nhiệm của từng ngành đối với trường hợp nếu phát hiện đối tượng là người thuộc diện TGPL mà không thực hiện giải thích, thông báo về quyền được TGPL cho đối tượng; tăng cường tập huấn nghiệp vụ TGPL và nghiệp vụ phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền của người được hưởng dịch vụ TGPL.
         - Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số
05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý. Khẩn trương, ưu tiên lắp đặt các điểm cầu để tổ chức phiên tòa trực tuyến tạo thuận lợi cho việc xét xử, tránh hoãn phiên tòa nhiều lần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh, hướng tới mục tiêu Chính phủ số.
         - Cơ quan, người tiến hành tố tụng quan tâm thực hiện đúng, đủ và có hiệu quả trong việc giải thích về quyền lợi của người dân khi họ thuộc đối tượng TGPL; kịp thời chuyển vụ việc thuộc đối tượng TGPL cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đối tượng TGPL. Thực hiện việc thống kê số lượng người được TGPL trong các vụ án, tránh tình trạng bỏ sót người có nhu cầu TGPL. Trường hợp đối tượng từ chối TGPL đề nghị các đơn vị lập biên bản, lưu hồ sơ để giải trình, báo cáo theo quy định.
          - Nâng cao năng lực người thực hiện TGPL, tăng cường đào tạo, bổ sung nguồn trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thực hiện TGPL theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, hiện đại. Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy TGPL tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của TGPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
          - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác TGPL, đẩy mạnh hơn nữa số hóa các vụ việc TGPL, tăng số vụ việc thụ lý qua hình thức điện tử, môi trường mạng và chất lượng công tác TGPL theo Nghị Quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
        - Cấp ô tô cho Trung tâm; giao UBND tỉnh, Sở Tài chính đảm bảo cấp đủ kinh phí hoạt động cho công tác TGPL, bố trí vị trí việc làm chuyên trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cung cấp đầy đủ trang thiết bị làm việc cho Trung tâm TGPL./.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên
 

Xem thêm »