Xử sao cho thấu tình, đạt lý

20/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kính thưa các cô, các chú! Kể từ 14h chiều ngày 15/3/2004, khi phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh B tuyên đọc bản án trả lại nhà cho chị em chúng cháu, chị em chúng cháu như được sống lại những tháng ngày vui vẻ đầm ấm trước đây, dẫu trong ngôi nhà đó đã mấy năm nay chúng cháu không còn sự che chở, yêu thương, đùm bọc và nuôi dưỡng của cha mẹ…

 Những dòng tâm sự của cô bé Nguyễn Thị T ở tại Khu 3 thị trấn A, huyện H, tỉnh B gửi đến Trung tâm trợ giúp pháp lý cho thanh niên thuộc Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã không khỏi làm chúng tôi cảm động. Bởi lẽ từ đây, quyền lợi của những đứa trẻ mồ côi cha, mẹ, đang tuổi ăn, tuổi học đã được bảo đảm, hoạt động trợ giúp pháp lý đã tìm lại được sự công bằng cho các cháu.

Tiếng kêu cứu của những đứa trẻ mồ côi:

Ở Khu 3, thị trấn T, huyện A, tỉnh B không mấy ai không biết về tranh chấp quyền sử dụng đất và nhà ở giữa Đặng Công V và ba cháu Nguyễn Thị T, Nguyễn Châu L và Nguyễn Chí B, các cháu đều ở độ tuổi đang đi học.

Ba đứa trẻ không may mồ côi mẹ từ bé, một mình người cha (anh Nguyễn Thanh H) phải tần tảo thay vợ nuôi ba đứa con ăn học. Trước đây, anh ở trong quân đội, sau đó rời quân ngũ về quê với tỉ lệ thương tật 19%. Tuy chưa đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ ưu đãi nhưng anh Tuấn cứ đau ốm liên miên, mỗi khi trái nắng trở trời thì vết thương lại tái phát, những cơn sốt rét rừng cứ đeo bám dai dẳng. Năm 1995, vợ anh (chị Nguyễn Thị K) mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, để lại cho anh 3 đứa con thơ. Vợ chết, con thơ, bản thân đau ốm triền miên, cuộc sống gia đình chìm trong khó khăn chồng chất, của cải trong nhà, đất cát sát đường lớn lần lượt đội nón đội nón ra đi.

Thương anh không có nhà cửa, một nách nuôi 3 con thơ nên mẹ anh (bà Đ) đã nhượng lại cho anh một ngôi nhà và mảnh đất rộng khoảng 600m2. Có nhà nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám lấy bốn cha con. Cực chẳng đã, anh đành phải đến gặp Đặng Công V (là người buôn bán xe máy) mua chịu một chiếc xe máy Trung Quốc với giá 16 triệu đồng để chạy xe ôm, mong sao nuôi được các con anh ăn học nên người. Đặng Công V đồng ý bán chịu xe máy cho anh Tuấn với điều kiện anh phải viết giấy bán ngôi nhà đang ở tại Khu 3, thị trấn T cho V và sau 2 năm, nếu anh H trả đủ cả nợ gốc, lãi là 27 triệu đồng cho V thì V sẽ trả giấy bán nhà và đất cho anh H. Biết là mình phải mua xe với giá cắt cổ, lại phải kèm theo giấy bán nhà để bảo đảm sự thanh toán về sau nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá bức bách, không còn lối thoát nào khác,ngày 9/3/2001, anh H đã phải viết giấy bán nhà cho V theo như yêu cầu mà Cường đưa ra kèm theo giấy mượn nhà của V trong vòng 2 năm.

Bẩy tháng sau tai họa ập xuống. Ngày 6/10/2001 anh H qua đời vì tai nạn giao thông, để lại ba đứa trẻ bơ vơ, đứa lớn chưa đầy 16 tuổi. Không thể nào kể hết nỗi khổ của ba đứa trẻ thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học nay mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ ngày bố mất vì tai nạn giao thông, ba đứa trẻ bơ vơ đầu đường xó chợ. Nhiều hôm đói quá, chúng phải ra đồng mót khoai trừ bữa thay cơm. Để nuôi các em ăn học, H đã phải vay lãi để bán hàng hoa quả nhưng mỗi tháng chỉ có thể kiếm được hơn 100.000đ, vậy nên mấy chị em vẫn thiếu đói triền miên. Nhìn hoàn cảnh của ba đứa bé mồ côi ai cũng thấy thương tâm, xót xa cho chúng. Vậy mà sau cái chết của anh H chưa được bao lâu, tháng 4/2002, tuy các văn bản mua, bán, cho mượn nhà đất giữa anh H và V chưa đến thời hạn thanh toán nhưng V đã đang tâm đến yêu cầu ba đứa trẻ thực hiện hợp đồng mà bố các cháu đã ký kết với V, điều đó đồng nghĩa với việc ba đứa trẻ sẽ không còn chỗ nương thân. Thậm chí V còn đưa người đến đo đạc nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng đất của người quá cố (đến tháng 6/2002, V đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhờ sự giúp đỡ của một số người tốt, chị em T đã gặp V để xin chuộc nhà nhưng V không nghe và làm đơn ra tòa kiện đòi nhà đất của chị em T. Chống chọi với cái đói, cái rét đã khó, nay ba chị em lại phải đương đầu với vụ kiện tụng. Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 30/9/2003, Tòa án nhân dân huyện P đã đưa vụ việc ra xét xử và phán quyết công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa anh H (bố của 3 cháu) với V là hợp pháp và buộc ba chị em T phải phải trả nhà trị giá khoảng 110 triệu đồng cho Cường (Bản án số 12/DSST).

Sau phiên tòa, người dân phố T càng xót xa, thương cảm cho ba đứa trẻ mồ côi mất cả cha lẫn mẹ, mất nhà bao nhiêu thì càng phẫn nộ trước Quyết định của Tòa án nhân dân huyện P bấy nhiêu. Bà con hết sức bất bình khi nghe phán quyết của Tòa án huyện P. Đó là bản án không công bằng, khi người cha vay 16 triệu đồng năm 2001, đến năm 2002 lãi đẻ ra là 27 triệu đồng thì anh V chỉ có quyền đòi lại 27 triệu đồng thôi, tại sao lại có quyền lấy cả nhà, cả đất trong lúc cả xã hội đang vận động làm nhà tình nghĩa, tình thương cho những người có hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ. Tòa án lại lấy nhà của mấy đứa trẻ mồ côi giao cho một kẻ cho vay lãi nhà cao cửa rộng???

…đến với  trợ giúp pháp lý…

Qua giới thiệu của bà con, lối xóm, Nguyễn Thị T đã biết và tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý cho thanh niên - thuộc Trung ương Đoàn TNCS HCM (Trung tâm) với tất cả niềm hy vọng quyền lợi của ba chị em sẽ được bảo đảm tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau khi nghe em Nguyễn Thị T trình bày và qua các tài liệu do em cung cấp, Trung tâm nhận thấy bản án của Toà án nhân dân huyện P công nhận tính hợp pháp của Hợp đồng mua bán nhà giữa V và anh H, đồng thời buộc ba đứa trẻ mồ côi ra khỏi nhà để trả giao quyền sử dụng đất, nhà (trị giá khoảng 110.000.000đ) cho V là không đúng pháp luật. Trung tâm đã cử Luật sư Nguyễn Bằng P thuộc Văn phòng Luật sư M - cộng tác viên của Trung tâm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ba em Nguyễn Thị T, Nguyễn Châu L và Nguyễn Chí B.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả điều tra, xác minh của luật sư, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/03/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh B, Luật sư đã khẳng định:

Thứ nhất, theo quy định tại điểm 2.1 mục 2, phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì “Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có chứng thực của UBND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực tại thời điểm giao kết hợp đồng”. Trong khi hợp đồng mua bán được anh H (bố của 3 đứa trẻ) ký với ông V chỉ là bản viết tay, không theo mẫu chung do pháp luật quy định và chưa làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND huyện. Hơn nữa, các tài liệu có trong hồ sơ đã chứng minh rằng nguồn gốc nhà đất đang tranh chấp là của bà Đ - mẹ đẻ của anh H. Bà Đ chuyển quyền sở hữu cho anh H song giấy bán nhà đất và hoa mầu của bà Đ với anh H được lập ngày 20/04/1998 chưa làm đúng các thủ tục của việc chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai như: không có xác nhận của địa chính thị trấn, không có ý kiến xác nhận của UBND thị trấn. Như vậy, anh H chưa có quyền sở hữu nhà đất hợp pháp nhưng anh H lại đem bán cho V và khi anh H chết, V tự mình làm các thủ tục chuyển nhượng nhà đất là vi phạm các quy định tại Điều 133, 692, 693 Bộ luật Dân sự.

Mặt khác, Hợp đồng mua bán nhà đất giữa V và anh H có ghi: “Anh H chịu mọi trách nhiệm hoàn tất lệ phí và mọi thủ tục giấy tờ”. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 432 Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu chỉ được chuyển cho bên mua từ thời điểm hoàn thành các thủ tục đăng ký đối với tài sản đó, nay anh H đã chết nên không thể hoàn thành các thủ tục đăng ký tài sản được, do đó không phát sinh quyền sở hữu nhà của V. Và như vậy, hợp đồng mua bán nhà giữa V và anh H là vô hiệu, không có căn cứ pháp luật.

Thứ hai, theo các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời khai của các bên tại phiên tòa, luật sư khẳng định, khi giao kết hợp đồng với anh H, V vì thấy nhà đất quá rẻ (theo định giá nhà, đất ngày 21/7/2003 thì tổng giá trị nhà đất là 109.200.000đ) đã chủ động áp đặt hình thức và thủ tục thực hiện hợp đồng trong khi biết rõ nguồn gốc đất là của bà Đ, khi tiến hành giao kết đã không tiến hành các thủ tục sang tên, trước bạ mà đợi đến khi anh H chết mới làm thủ tục này…

Thứ ba, cam kết giữa V và anh H lập ngày 09/03/2001 có thời hạn 2 năm, nhưng đến ngày 6/10/2001 thì anh H chết, như vậy giao dịch dân sự giữa anh H và V chỉ phát sinh từ ngày 09/3/2001 đến ngày 6/10/2001 (207 ngày). Mặt khác, theo cam kết tại hợp đồng thì số tiền 27.000.000đ mà anh H phải trả cho V bao gồm 16.000.000đ tiền gốc và 11.000.000đ tiền lãi trong thời hạn 2 năm. Như vậy, giả thiết rằng nếu anh H không bán nhà cho V thì ngoài việc phải thanh toán nợ gốc cho V là 16.000.000đ thì anh H sẽ phải thanh toán số tiền lãi theo ngày là 11.000.000đ /713 ngày = 15.428đ/ngày. Khi giao dịch dân sự chấm dứt vào ngày 6/10/2001 tức là thực hiện được 207 ngày thì ngoài số tiền mà anh H phải thanh toán cho anh V (cả gốc và lãi) sẽ là: 16.000.000đ + (15.428đ/ngày x 207 ngày) =19.193.596đ chứ không phải là 27 triệu đồng.

…đạt lý…

Với những lý lẽ thuyết phục của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ba chị em tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định rằng: Hợp đồng mua bán tài sản giữa anh H và V là vô hiệu và đã chấp nhận đơn kháng cáo của cháu Nguyễn Thị T. Theo nguyện vọng của cháu T, các cháu muốn tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của anh H là xin ở lại nhà và trả dần tiền cho V số tiền 27 triệu đồng mà anh H đã cam kết với V. Căn cứ vào các lần hòa giải và mong muốn của các bên, Hội đồng xét xử đã quyết định sửa án sơ thẩm xử theo hướng hủy hợp đồng mua bán nhà đất giữa anh Nguyễn Văn H và Đặng Công V được ký kết ngày 9/3/2001 và yêu cầu Nguyễn Thị T trả cho Đặng Công V số tiền là 27 triệu đồng.

Thay lời kết

Sau khi vụ việc kết thúc, chúng tôi có dịp trở lại phố T và tìm đến gia đình cháu T, tiếp chúng tôi, không giấu được xúc động, cháu tâm sự: “Chúng cháu vô cùng cảm ơn các cô, các chú của Trung tâm trợ giúp pháp lý Trung ương Đoàn, các Luật sư - cộng tác viên của Trung tâm đã  không quản ngại đường xá xa xôi, bỏ nhiều công sức để chị em chúng cháu được sống trong ngôi nhà của cha cháu. Dẫu rằng cuộc sống của chúng cháu giờ đây đã không còn cha, còn mẹ, chúng cháu vẫn phải tiếp tục bươn chải với cuộc sống khó khăn nhưng dưới suối vàng cha mẹ chúng cháu cũng sẽ ngậm cười vì từ nay các con đã không bị bơ vơ vì mất nhà” …

Kinh nghiệm:

Từ vụ việc nêu trên có thể thấy rằng, việc cử Luật sư có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong công việc của mình là một trong những điều kiện hết sức quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiệp vụ của luật sư khi tiến hành vụ việc như: thu thập chứng cứ, xác minh, nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, sự quan tâm của công luận,… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trợ giúp pháp lý. Ở vụ việc này, tổ chức trợ giúp pháp lý (Trung tâm TGPL cho Thanh Niên) đã cử Luật sư có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, đã không quản đường xá xa sôi, nhiều lần từ H lên B để khi thì thu thập chứng cứ, xác minh, lúc lại lân la tại khu phố Thắng, lắng nghe dư luận của người dân nơi đây về vụ việc này, lúc khác lại đọc hồ sơ vụ việc tại tòa, … để có những chứng cứ, lập luận có sức thuyết phục tại phiên tòa, qua đó đã bảo vệ được tốt nhất quyền và lợi ích cho người được trợ giúp pháp lý, giúp những đứa trẻ mồ côi có nơi nương tựa.

Xem thêm »