Trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai

12/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật  có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-BTP ngày 10/01/2018 của Bộ Tư pháp về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2018. Trên cơ sở đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai đã chủ động tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 30/3/2018 về triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh. Quá trình triển khai, Trung tâm và các Chi nhánh đã thực hiện đồng bộ các hoạt động TGPL dành cho người khuyết tật như: tư vấn pháp luật tại trụ sở, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở, đem lại nhiều kết quả đáng kể được ghi nhận.
Trong năm qua, Trung tâm TGPL nNhà nước tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận và giải thích đáp các vướng mắc về pháp luật cho 11 đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính ở địa bàn các thôn, xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh, trong đó:
- Đối tượng nam: là 07 vụ;
- Đối tượng nữ: 04 vụ;
- Số vụ việc thực hiện tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh: 03 vụ;
- Số vụ việc tư vấn trong hoạt động truyền thông: 08 vụ;
- Số vụ việc do Trợ giúp viên thực hiện: 11 vụ.
Gồm các lĩnh vực:
- Hình sự - TTHS: 04 vụ;
- Hôn nhân gia đình: 02 vụ;
- Dân sự: 03 vụ;
- Đất đai: 02 vụ;
- Tư vấn pháp luật: 08 vụ;
- Tham gia đại diện, bào chữa: 03 vụ.
Chia theo các dạng tật: dạng tật về thị giác: 01;dạng tật về thần kinh và trí tuệ: 02; dạng về vận động: 05; dạng tật về thính giác: 02; dạng tật khác: 01.
Tỉ lệ giải quyết đạt 100% so với yêu cầu tiếp nhận.
Hoạt động truyền thông về TGPL cho các đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính cũng được trú trọng. Trong năm, Trung tâm và các chi nhánh TGPL trên địa bàn huyện, thành phố đã chủ động kết hợp với Phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ ... tổ chức lồng ghép 05 đợt truyền thông về TGPL tới địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo nơi có người khuyết tật sinh sống.
Qua hoạt động truyền thông về TGPL Trung tâm đã tuyên truyền, phổ biến chính sách TGPL cho người khuyết tật, quyền được TGPL dành cho người khuyết tật; cung cấp các thông tin thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau như: đất đai, chế độ chính sách, hôn nhân gia đình, các ưu đãi của Nhà nước dành cho người khuyết tật… hướng dẫn và giải thích những vướng mắc, tranh chấp về pháp luật xảy ra trong cuộc sống thường ngày cho 08 đối tượng người khuyết tật có yêu cầu, giúp họ nâng cao nhận thức pháp luật và tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của mình,hơn nữa đề cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập chung vào cuộc sống cộng đồng.
Ngoài ra, mỗi khi đến với bà con Trung tâm còn đều cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm, các Chi nhánh, các trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn; cấp phát tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung để người khuyết tật biết và yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc về pháp luật.
Một trong những vụ việc được Trung tâm thực hiện để lại trong lòng người trợ giúp viên pháp lý nhiều ấn tượng,đó là trường hợp của em Vương Thị Huệ sinh năm 1995, dân tộc Giáy, cư trú tại thôn Lùng Vai 2, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Do hạn chế về ngôn ngữ và trí tuệ nên em đến trường để hòa nhập cùng các bạn, mà không đọc, viết được,em đã được UBND xã Lùng Vai xác nhận là người khuyết tật số hiệu 108327850020 và được UBND huyện Mường Khương ra quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng là 180 nghìn đồng. Đến tuổi trưởng thành, Huệ chỉ cao được gần một mét, nặng khoảng 30kg. Cuối năm 2016, được mọi người giới thiệu, em đã bén duyên với anh Thền Văn Dửi (SN 1990), DT Nùng trú tại thôn Nậm Pản, xã Thanh Bình. Hai người tìm hiểu và làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Quá trình sống chung được gần một năm, vì là người hạn chế vận động lẫn thần kinh, nên Huệ không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy được, cũng không thể bày tỏ hết tâm tư nguyện vọng của bản thân, nên cuộc sống mới của hai vợ chồng trẻ có nhiều bất đồng. Rồi hai vợ chồng ly thân, em đã về chung sống cùng với bố mẹ đẻ và viết đơn khởi kiện ly hôn đồng thời gửi đơn đến Trung tâm đề nghị được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân.
Thế nhưng, Thền Văn Dửi lại không đồng ý vì gia cảnh nghèo, tiền của, bạc trắng làm sính lễ lấy vợ vẫn chưa trả nợ được, nếu ly hôn thì gia đình Huệ phải trả lại số tiền sính lễ trên. Đến khi gặp gỡ, tiếp xúc với trợ giúp viên, được biết các quy định liên quan đến hôn nhân gia đình, về quyền được ly hôn khi mục đích hôn nhân không đạt, Dửi đã hiểu ra phần nào. Còn đối với khoản tiền sính lễ cưới hỏi là do phong tục tập quán và sự tự nguyện của hai bên gia đình, pháp luật không quy định.Thền Văn Dửi và gia đình Huệ trao đổi, thỏa thuận và đồng ý ký vào biên bản hòa giải ghi nhận sự tự nguyện ly hôn của hai người trước sự chứng kiến của Tòa án và trợ giúp viên pháp lý.
Đối với hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL cho người khuyết tật, do không có nguồn kinh phí dành riêng cho các hoạtđộng TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính nên hoạt động tập huấn,bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL đối với người khuyết tật được Trung tâm tổ chức lồng ghép trong hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL và các cộng tác viên trên địa bàn toàn tỉnh tại thị trấn Sa Pa.
Qua việc triển khai thực hiện các hoạt động TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong năm qua cho thấy số người khuyết tật có yêu cầu TGPL đa phần là người dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và lại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.Mặc dù số lượng vụ việc TGPL cho người khuyết tật còn ít, tuy nhiên khi tiếp nhận, Trung tâm TGPL và Chi nhánhđã thực hiện kịp thời các yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai các hoạt động dành cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính nhằm nâng cao nhận thức của người khuyết tật cũng như cộng đồng xã hội về người khuyết tật.

Nguyễn Thị Mai Hương
Trung tâm TGPL Lào Cai

Xem thêm »