Tập huấn trợ giúp pháp lý nhạy cảm giới và phối hợp cho nạn nhân bạo lực và mua bán người

24/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 17-18/11/2022 tại thành phố Cần Thơ, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội nghị tập huấn trợ giúp pháp lý nhạy cảm giới và phối hợp cho nạn nhân bạo lực và mua bán người.

Hội nghị do bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì với sự tham gia của giảng viên Nguyễn Thị Thúy – chuyên gia của UNWOMEN tại Việt Nam, cùng với các đại biểu là Lãnh đạo Trung tâm TGPLNN và trợ giúp viên pháp lý của 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có một số luật sư thực hiện TGPL và đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cần Thơ, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ một số quận, huyện thuộc tỉnh Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, bạo lực và mua bán người là vấn nạn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nạn nhân thường là những người yếu thế, đa số là phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước cũng như một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong đó có nạn nhân bạo lực và nạn nhân của hành vi mua bán người. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các đối tượng yếu thế này. Để kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền[1], trong thời gian qua, Cục Trợ giúp pháp lý đã chủ động tham mưu Bộ Tư pháp ban hành văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong toàn quốc tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật TGPL 2017 và các văn bản có liên quan. Những biện pháp và chỉ đạo này đã thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Bộ, ngành Tư pháp đối với người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế này.
Điểm lại một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý của các địa phương trong toàn quốc, bà Vũ Thị Hường cho biết, thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 song hệ thống trợ giúp pháp lý trong toàn quốc vẫn chủ động, tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý. Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực (năm 2018) đến 06 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó có những vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn  pháp luật, tham  gia tố dụng và đại dện ngoài tố tụng cho nạn nhân của hành vi mua bán người và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính. Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá là hiệu quả, thành công.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù này đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có thêm các kỹ năng, nghiệp vụ khi tiếp xúc, làm việc với họ. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc phát hiện, giới thiệu, thông tin về nhu cầu trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và lao động di cư thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp với UNWOMEN đã hoàn thiện tài liệu hướng dẫn “Trợ giúp pháp lý nhạy cảm giới và phối hợp cho nạn nhân bạo lực và mua bán người” và tổ chức hội nghị tập huấn nội dung này tại thành phố Cần Thơ cho đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý và những người làm công tác hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực và mua bán người.
Tập huấn được tổ chức theo phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân. Để Hội nghị có chất lượng, bà Vũ Thị Hường đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình liên quan đến việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, mua bán người trong đó cần lưu ý nhóm phụ nữ, trẻ em và lao động di cư để chia sẻ, học tập, tích luỹ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bổ ích trong đợt tập huấn này.
Về phía giảng viên, bà Vũ Thị Hường đề nghị các giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, lấy học viên làm trung tâm; giảng viên đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến, những vấn đề thực tế phát sinh, những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào những vấn đề đặc thù của đối tượng được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực và mua bán người.

 
Bà Nguyễn Thị Thúy - chuyên gia của UNWOMEN trình bày nội dung bài giảng

Các đại biểu được nghe bà Nguyễn Thị Thúy – chuyên gia của UNWOMEN tại Việt Nam chia sẻ, cập nhật thông tin về các loại hình bạo lực, tình hình bạo lực, mua bán người, lao động di cư trên toàn cầu và Việt Nam; các cam kết quốc tế, chuẩn mực quốc tế về xử lý bạo lực, mua bán người đối với phụ nữ và trẻ em gái; các nguyên tắc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán và lao động di cư; quy trình vận hành chuẩn và chuyển tuyến từ kinh nghiệm các nước và Việt Nam. Tiếp đó, giảng viên Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày các quy định của pháp luật trong nước về phòng, chống bạo lực và mua bán người; vấn đề bảo vệ nạn nhân; các nguyên tắc trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chuyển tuyến dịch vụ cho người bị bạo lực, bị mua bán, ; những vấn đề cần lưu lý trong quy định và quy trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chuyển tuyến dịch vụ cho người bị bạo lực, mua bán người, trong đó có lao động di cư.
 
Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp trình bày nội dung bài giảng

Phần trao đổi, thảo luận đã được các đại biểu, học viên tích cực tham gia, tương tác sôi sổi về các nội dung như: cách nhận biết các hành vi bạo lực, việc xác minh thông tin, giấy tờ đối với nạn nhân bị mua bán trở về khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý nhất là với đối tượng người Việt kiều từ Campuchia quay trở về; việc hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho người không quốc tịch, người khuyết tật, người lao động di cư là nạn nhân bạo lực và nạn nhân mua bán người bị chết; cách xác định, nhận diện hành vi mua bán người trong trường hợp bồi dưỡng giới thiệu kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài; việc xác định tượng TGPL đối với nạn nhân bị mua bán trở về Việt Nam khi họ không còn giấy tờ hợp pháp; các biện pháp hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho lao động di cư ra nước ngoài theo hợp đồng bị bạo lực, bị mua bán; bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động di cư chính thức và không chính thức; các trường hợp chuyển tuyến dịch vụ và các cơ quan, tổ chức cần liên hệ trong trường hợp nạn nhân bị bạo lực, mua bán người trên tàu bay, tàu biển, vùng biên giới; … Ngoài ra, để giúp các học viên có thêm thông tin, nắm bắt tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc và phương pháp khắc phục mà người thực hiện trợ giúp pháp lý thường gặp phải trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán tại địa phương, các học viên đã chia nhóm để thảo luận các vướng mắc, các tình huống thực tiễn. 
 
Hình ảnh các đại biểu tham dự và phát biểu tại buổi tập huấn

Kết thúc tập huấn, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đánh giá cao tinh thần, thái độ tích cực học tập tích cực của các học viên, các ý kiến nêu tại hội nghị rất cụ thể, chất lượng, nhiều vấn đề học viên nêu tại Hội nghị tập huấn sẽ được nghiên cứu để  tiếp tục nâng cao kỹ năng và chất lượng hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán, lao động di cư, từ đó góp phần nâng cao công tác hỗ trợ và trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
 
Hình ảnh tại Hội nghị tập huấn

Phòng Tài chính và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.

[1] Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Quyết định số 2232/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Xem thêm »