Truyền thông về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý tại Quảng Nam, Quảng Ngãi

12/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2022, nhằm giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa biết về trợ giúp pháp lý cũng như nắm bắt được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, từ ngày 07 - 09/9/2022, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức đoàn truyền thông về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý tại các huyện Trà Bồng, Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Đại Lộc, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tại huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi và huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam: báo cáo viên của Cục Trợ giúp pháp lý đã giới thiệu về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân sinh sống trên địa bàn trong đó tập trung giới thiệu cụ thể từng diện đối tượng được trợ giúp pháp lý, giấy tờ chứng minh của từng diện đối tượng, quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, cách thức liên hệ để người dân yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, người dân cũng được giới thiệu những nội dung cơ bản của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) với những mục tiêu, dự án mà người dân được thụ hưởng, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý.

Tại huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi và huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam: báo cáo viên của Cục Trợ giúp pháp lý đã giới thiệu chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý và ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội cho các trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ chi hội đoàn thể trên địa bàn, nhằm tạo nguồn lực ở cơ sở trong việc phát hiện, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Có thể thấy đây là lực lượng nóng cốt ở cơ sở, gần với người dân nhất và được người dân tin tưởng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên việc cung cấp kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho lực lượng này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và kịp thời giới thiệu người dân đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm để yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Tại các buổi truyền thông, đoàn công tác cũng có những trao đổi, hướng dẫn, ví dụ minh họa cụ thể để người tham dự hình dung được rõ hơn những quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý trên thực tiễn, từ đó, dễ dàng tiếp cận và sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Thông qua các buổi truyền thông cũng góp phần đẩy mạnh việc phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý từ đó kịp thời giới thiệu người dân tới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

 Người tham dự tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh giá cao đoàn truyền thông, khảo sát của Cục Trợ giúp pháp lý và mong muốn có nhiều đoàn tổ chức hơn nữa để người dân trên địa bàn nắm rõ được chính sách trợ giúp pháp lý cũng như các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã quan tâm, dành cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng,…

Trần Phượng – Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

 

Xem thêm »