Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo nghiên cứu về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực kết nối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ

19/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong khuôn khổ Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp ở Việt Nam (EUJULE) do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ, ngày 15/4/2022, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Tư pháp phối hợp với các chuyên gia của UNDP tổ chức hội thảo góp ý Báo cáo nghiên cứu trực kết nối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ nhằm lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý (TGPL), người thực hiện TGPL, điều tra viên, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu trực kết nối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ.

Chủ trì hội thảo có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì là bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thúy Vân, cán bộ chương trình dự án của UNDP Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hoà, đại diện Công an tỉnh Khánh Hòa, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa; Lãnh đạo Trung tâm TGPL, Trợ giúp viên pháp lý và điều tra viên các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai và đại diện các Trung tâm TGPL tham gia trực tuyến trên nền tảng zoom metting: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái.
 
Ông Cù Thu Anh- Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cù Thu Anh cho biết: theo khoản 9 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động phối hợp về TGPL đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về giải thích, thông báo, thông tin về TGPL, bảo đảm cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng. Ngày 17/02/2020, Bộ Công an đã có Công văn số 481/BCA-V03 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm TGPL ở địa phương để có thể bố trí trợ giúp viên pháp lý ứng trực (qua điện thoại) kịp thời thực hiện công tác TGPL khi có yêu cầu.
Ông Cù Thu Anh đã điểm lại một số kết quả của công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong tố tụng thời gian qua, Ông cho biết, qua 4 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về TGPL ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện việc giải thích về TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện TGPL đã kịp thời thông báo cho Trung tâm TGPL để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Hiện nay, để chủ động hơn trong hoạt động phối hợp giữa các Tổ chức thực hiện TGPL và cơ quan công an, tại một số địa phương, Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng với cơ quan Công an của tỉnh như: Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tuyên Quang, Điện Biên, Ninh Thuận. Hậu Giang... một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An cơ quan điều tra sẵn sàng bố trí chỗ trực cho người thực hiện TGPL, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang thực hiện nghiên cứu để triển khai việc ký kết Quy chế phối hợp tương tự. Từ thực tế đó đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng văn bản phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an để người thực hiện TGPL trực kết nối tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong quá trình TGPL cho người dân cũng như nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng nói chung, hoạt động TGPL nói riêng.
Ông Cù Thu Anh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: số lượng vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được TGPL và vụ án do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong đó có cơ quan điều tra tiếp nhận, thụ lý, giải quyết còn thấp, có khả năng bỏ sót người thuộc diện được TGPL trong các vụ án hình sự, vì chính bản thân đối tượng cũng không biết mình là người được TGPL mặc dù cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã hỏi trong quá trình giải quyết vụ án.
Để Hội thảo đạt kết quả cao, ông Cù Thu Anh cũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, góp ý về các nội dung của dự thảo Báo cáo, đồng thời tích cực chia sẻ thông tin, kết quả, kinh nghiệm phối hợp với các cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án có đối tượng là người được TGPL và đề xuất những giải pháp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với tổ chức thục hiện TGPL, người thực hiện TGPL hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận dịch vụ TGPL, hiện thực hóa quyền được TGPL của người dân đã được pháp luật quy định.
 
Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại  Hội thảo

Hội thảo cũng được nghe bà Diana Torres - Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu qua phần mềm trực tuyến, theo đó, bà Diana Torres cũng đồng tình cho rằng việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu người thực hiện TGPL trực kết nối tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ là cần thiết và xem đây là nghiên cứu ban đầu làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng văn bản phối hợp giữa tổ chức TGPL và cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ trong thời gian tới. UNDP mong muốn các đại biểu có những chia sẻ, đề xuất xác đáng để hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu người thực hiện TGPL trực kết nối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ.
Tại Hội thảo, thạc sỹ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia UNDP trình bày dự thảo Báo cáo nghiên cứu người thực hiện TGPL trực kết nối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ và Chuyên gia nước ngoài bà Velislava Delcheva, chuyên gia UNDP (trình bày online qua zoom) chia sẻ Kinh nghiệm và mô hình quốc tế người thực hiện trợ giúp pháp lý trực với cơ quan điều tra tại các quốc gia là Scotland, China, Australia và Canada.
Để có thêm kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của cơ quan Trung ương và địa phương, Hội thảo được nghe tham luận của Bộ Công an và 5 địa phương là: Điện Biên, Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng.
 
Hình ảnh các đại biểu tham dự và phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự phát biểu đều nhất trí với nội dung của dự thảo Báo cáo nghiên cứu và cho rằng trong thời gian tới cần nghiên cứu để xây dựng văn bản phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ công an về người thực hiện TGPL để làm cơ sở thống nhất cho các địa phương nghiên cứu, xây dựng văn bản phối hợp tại địa phương mình. Kết thúc hội thảo, ông Cù Thu Anh đã ghi nhận và khẳng định các ý kiến đóng góp chất lượng, là cơ sở để chuyên gia phối hợp với Cục TGPL hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu đồng thời góp phần để nghiên cứu xây dựng văn bản phối hợp để người thực hiện trợ giúp pháp lý trực kết nối tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ với các hình thức phù hợp và tính đến điều kiện cùa từng địa phương: điều kiện về cơ sở vật chất, về nguồn lực con người, kinh phí thực hiện…
 
Hình ảnh toàn cảnh trung tâm Hội thảo và tại các điểm cầu

Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL, Cục TGPL

Xem thêm »