Thực hiện Kế hoạch công tác của Cục Trợ giúp pháp lý năm 2021, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với các chuyên gia của UNDP tổ chức xây dựng Chương trình và Tài liệu tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình.Sau khi hoàn thiện Tài liệu, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn lần thứ nhất cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, cùng với sự tham dự của người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình và đại diện các cơ quan có liên quan.
Hội nghị đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các học viên và các đại biểu tham dự. Để tiếp tục trang bị kiến thức cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, người làm công tác tác xã hội liên quan đến trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc có đối tượng đặc thù là người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình,trong ba ngày từ ngày 22-24/3/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại 02 điểm cầu (điểm cầu Thái Nguyên và Quảng Nam) kết hợp với trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.
Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị về phía Bộ Tư pháp có ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, về phía UNDP có bà Đỗ Thúy Vân- Cán bộ quản lý Chương trình UNDP tại Việt Nam. Giảng viên lớp có thạc sỹ, Luật sư Mai Bích Ngân - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cùng với sự tham dự của các đại biểu đại diện Lãnh đạo Trung tâm, trợ giúp viên pháp lý, người tập sự trợ giúp pháp lý và chuyên viên, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên và Quảng Nam; đại biểu đại diện cho Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp của tỉnh Thái Nguyên và Quảng Nam.
Ông Cù Thu Anh- Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Thể chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình về cơ bản được hoàn thiện. Ngoài Luật người khuyết tật năm 2010, Luật Trợ giúp pháp lý 2017… thì dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2021 cũng đề cập đến trợ giúp pháp lý, ngoài ra các văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 2232/QĐ-TTg 28/12/2020 phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi đều quy định về trách nhiệm trợ giúp pháp lý.
Ông Cù Thu Anh đã điểm lại một số kết quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình. Trong 4 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, từ năm 2018 đến năm 2021 các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 9.532 vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có 2.103 vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhưng thời gian qua, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã có nhiều cố gắng trong thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này. Số lượng người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được tiếp cận với trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Ông Cù Thu Anh cũng cho biết trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này cần có kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm nhất định trong việc nắm bắt tâm lý, giao tiếp, trao đổi thông tin giữa người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình.
Để Hội nghị đạt được kết quả cao, ông Cù Thu Anh đề nghị các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi tập huấn để tiếp thu trọn vẹn các nội dung được các báo cáo viên trình bày, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để cùng với báo cáo viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích lũy nhiều kinh nghiệm và học tập được nhiều bổ ích trong đợt tập huấn này. Đồng thời đề nghị giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, tăng cường sự tương tác với học viên, lấy học viên làm trung tâm, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến, thực tiễn trong quá trình tác nghiệp, những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào những vấn đề đặc thù của đối tượng được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình.
Bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ quản lý Chương trình UNDP tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ quản lý Chương trình UNDP tại Việt Nam chia sẻ mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm tăng cường pháp quyền thông qua hệ thống pháp luật và Tư pháp tin cậy, dễ tiếp cận, và mục tiêu cụ thể là tăng cường tiếp cận Tư pháp cho nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, người nghèo.... Bà cũng khẳng định các hoạt động của UNDP hỗ trợ Cục Trợ giúp pháp lý trong thời gian vừa qua trong khuôn khổ Chương trình EU JULE đã tập chung nâng cao năng lực cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý và tăng cường giám sát, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như nghiên cứu hướng dẫn các cơ chế mới tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người dân. Các số liệu về số lượng người khuyết tật và tỉ lệ nạn nhân bạo lực gia đình vẫn có xu hướng tăng cao, đòi hỏi những người thực hiện trợ giúp pháp lý cần có thêm nhiều kỹ năng chuyên môn hơn để làm việc với các nhóm đối tượng yếu thế bao gồm người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình. Bà mong đợi khóa học này sẽ tiếp nối thành công của khóa học trước, giảng viên sẽ cung cấp cho các học viên kiến thức và kỹ năng thiết thực, bổ ích về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình để các học viên áp dụng trong công việc giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm yếu thế, theo đúng mục tiêu phát triển bền vững là “Không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Giảng viên, Thạc sỹ, Luật sư Mai Bích Ngân - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trình bày bài giảng
Tiếp đó, Thạc sỹ, Luật sư Mai Bích Ngân - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có những hoạt động giới thiệu về khóa tập huấn, ghi nhận những mong đợi của các học viên trong khóa tập huấn này giúp cho khóa học đạt được những kết quả đã đặt ra. Các học viên được nghe giảng viên trình bày những vấn đề chung về bạo lực và bạo lực gia đình, người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính (thực trạng về bạo lực và bạo lực gia đình; rào cản của nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật trong thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý…); những nguyên tắc cơ bản và quy trình trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của bạo lực gia đình và người khuyết tật…ngoài ra, giảng viên còn chia sẻ những kỹ năng giao tiếp thân thiện, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng hình sự để bảo vệ cho nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật… Trong quá trình giảng, giảng viên đưa ra các tình huống thực tế để trao đổi với các học viên, các học viên cũng tích cực trao đổi, thẳng thắn đưa ra những quan điểm, ý kiến về các vấn đề có liên quan đến nội dung bài giảng phát sinh trong công việc hàng ngày của mình để từ đó rút ra những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này./.
Toàn cảnh Hội nghị và tại các điểm cầu
Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL, Cục TGPL