Tập huấn tổng quan về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực

07/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2021, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, trong khuôn khổ hoạt động Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật", ngày 06/12/2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức khai mạc hội nghị tập huấn “Tổng quan về Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực”.

Chương trình tập huấn do Chính phủ Nhật Bản, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tài trợ và được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại 03 điểm cầu Hà Nội, điểm cầu Thanh Hóa và điểm cầu Đà Nẵng. Chủ trì Hội nghị, về phía Cục Trợ giúp pháp lý có ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, về phía Unicef có bà Nguyễn Thanh Trúc  - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Tham dự hội nghị tập huấn có đại diện Bộ Công An; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp... và các đại biểu là lãnh đạo, viên chức các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Sở Lao động thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tại 03 điểm cầu nêu trên. Giảng viên hội nghị tập huấn gồm giảng viên Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UNICEF; giảng viên Phan Thị Lan Hương – Đại học Luật Hà Nội; Giảng viên Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý.
Phát biểu khai mạc, Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của bạo lực, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, Quốc hội khóa XIV đã thông qua quy định nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính là một trong những diện người được trợ giúp pháp lý tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 bên cạnh các nhóm đối tượng như Trẻ em; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính... Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 (hiện đang trong quá trình sửa đổi); Nghị quyết số 121/2020/QH14 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020); Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 07/1/2021)...
Ông cũng nhấn mạnh, trong hai năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình trong xã hội và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi, bất lợi. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Để bảo đảm hơn nữa quyền được trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; trẻ em và các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong thời gian qua các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo báo cáo của địa phương, trong gần 03 năm qua (năm 2019, 2020 và  6 tháng đầu năm 2021), số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính là gần 7,5 nghìn vụ việc trong đó hơn 60% là các vụ việc tham gia tố tụng. Trong đó, có rất nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có các trường hợp nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ, người chưa thành niên, nhất là các vụ bị xâm hại. Trong khi đó, nạn nhân bị bạo lực, trẻ và người thân của trẻ chưa quan tâm về quyền được trợ giúp pháp lý hoặc chưa được tiếp cận kịp thời các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có trợ giúp pháp lý.
Do đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể (như Sở Lao động, thương binh và xã hội; Đoàn luật sư, Hội luật gia, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Liên đoàn lao động tỉnh; các cơ sở bảo trợ, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực…) với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, thành phố trong phát hiện, giới thiệu, thông tin về nhu cầu trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của bạo lực là phụ nữ, người chưa thành niên (- là một trong những nhóm đối tượng có tính đặc thù) thì việc tổ chức Tập huấn tổng quan về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực là vô cùng hữu ích.
Ông Cù Thu Anh đề nghị các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi học để tiếp thu trọn vẹn các nội dung được các giảng viên trình bày; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình. Đối với đội ngũ giảng viên, đề nghị đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến chuyên môn, hiểu biết của mình; có những trao đổi về những vấn đề thực tế phát sinh.
 
 Bà Nguyễn Thanh Trúc  - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Bà Nguyễn Thanh Trúc  - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam ghi nhận việc các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn hôm nay trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm cao trong việc đấu tranh phòng, chống xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, đem lại sự bình yên cho xã hội và mỗi gia đình. Bạo lực người chưa thành niên và bạo lực giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần, kinh tế, quyền tự do của người chưa thành niên và phụ nữ, gây ra những bất ổn gia đình và cộng đồng. Tại lớp tập huấn ngày hôm nay, bà mong đợi các học viên được trang bị các kiến thức hữu ích về giới, bạo lực giới, giúp người chưa thành niên, phụ nữ tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý, việc bào chữa có chất lượng, phù hợp với độ tuổi, nhảy cảm giới giúp người chưa thành niên, phụ nữ tham gia quá trình tố tụng một cách thực chất, thực hiện quyền của mình và đòi hỏi công lý được thực thi phù hợp với lợi ích tốt nhất của các nạn nhân.
 
Giảng viên Vũ Thị Hường- Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu ý kiến
Giảng viên Vũ Thị Hường – Phó Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chia sẻ mục tiêu của khóa tập huấn đó là cung cấp kiến thức cơ bản về giới, giới tính, định kiến giới, bình đẳng giới; tình hình bạo lực nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; giúp các học viên nắm được các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống bạo lực; tiến trình tư pháp hỗ trợ cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực cũng như nắm được các quy định pháp luật Việt Nam về phòng chống bạo lực, về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực và những nội dung, cấu trúc của khóa tập huấn. Bà cũng ghi nhận các ý kiến về mục tiêu mong muốn của các đại biểu tham dự Hội nghị để từ đó làm cơ sở giúp hội nghị tập huấn đạt được kết quả đã đặt ra.
 
 Giảng viên Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UNICEF trình bày tại Hội nghị
 
Tiếp đó, Hội nghị cũng nghe Giảng viên Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UNICEF Giới thiệu các khái niệm cơ bản: Giới, giới tính, bình đẳng giới – bất bình đẳng giới, định kiến giới – khuôn mẫu giới, bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với người chưa thành niên, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước CEDAW và các chuẩn mực quốc tế khác về phòng chống xâm hại người chưa thành niên và phụ nữ; Tình trạng bạo lực đối với người chưa thành niên và phụ nữ; Giới thiệu về Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực...
 
Giảng viên Phan Thị Lan Hương – Đại học Luật Hà Nội, chuyên gia của Cục Trợ giúp pháp lý trình bày tại Hội nghị
 
Giảng viên Phan Thị Lan Hương – Đại học Luật Hà Nội, chuyên gia của Cục Trợ giúp pháp lý trình bày các nội dung về tiến trình tư pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực: Phòng ngừa, tiếp xúc ban đầu, điều tra, tiến trình trước xét xử, xét xử tại toà, trách nhiệm của kẻ gây bạo lực và hậu xét xử; các nguyên tắc xuyên suốt: an toàn và phòng ngừa, hỗ trợ và giúp đỡ, truyền thông và thông tin, điều phối; các kỹ năng, trình tự, thủ tục về tiếp nhận, xử lý ban đầu đối với tin báo, tố giác về bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ; nhạy cảm giới trong quá trình tiếp nhận thông tin của cán bộ tuyến đầu…
Giảng viên Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã trình bày nội dung pháp luật về bạo lực gia đình và bạo lực giới đối với phụ nữ và người chưa thành niên và pháp luật trợ giúp pháp lý cho phụ nữa và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực như: người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý, lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện người thực hiện và quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đều áp dụng phương pháp tập huấn hiện đại, lấy học viên là trung tâm, do đó đã tạo sự tương tác hiệu quả giữa giảng viên - học viên qua các câu hỏi, tình huống, bài tập nhóm.... Qua đợt tập huấn giúp cho các đại biểu tích lũy nhiều kiến thức thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác trợ giúp pháp lý cho cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực./.
 
 
  
Hình ảnh tại 03 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và toàn cảnh hội nghị
 
                    Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL
                                                Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »