Tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản

03/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2021 của Cục Trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-BTP ngày 05/02/2021 của Bộ Tư pháp, ngày 02/12/2021, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản với chuyên đề: “Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản”. Hội nghị tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại 03 điểm cầu: Cao Bằng, Lai Châu, Ninh Bình kết hợp hình thức trực tuyến với 05 tỉnh/ thành phố: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Yên.

Bà Vũ Thị Hoàng Hà – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì và khai mạc Hội nghị, về phía giảng viên có Tiến sỹ Lê Thị Giang, Giảng viên khoa Pháp luật Dân Sự, trường Đại học Luật Hà Nội và hơn 60 học viên là các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, người tập sự trợ giúp pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý tại 03 điểm cầu và 05 tỉnh, thành phố nêu trên.
Phát biểu khai mạc, Bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định công tác Trợ giúp pháp lý luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, trong những năm qua Cục Trợ giúp pháp lý rất quan tâm, chú trọng vào công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, chính vì thế công tác trợ giúp pháp lý đạt được nhiều kết quả, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, cùng với đó chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng ngày càng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Thay mặt Lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, bà Hà ghi nhận sự nỗ lực của các Trợ giúp viên pháp lý trong việc tự hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng trợ giúp pháp lý.
Để lớp tập huấn đạt được hiệu quả cao, bà Hà đề nghị các đồng chí học viên tích cực trao đổi, thảo luận, nhất là những vấn đề xảy ra trên thực tế, các vụ việc, các tình huống cụ thể, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để học hỏi và từ đó áp dụng những kỹ năng này trong công việc hàng ngày để bảo vệ tốt hơn cho đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đề nghị giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, lấy học viên làm trung tâm, đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ, lấy ý kiến những vấn đề thực tế phát sinh, những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tập trung vào những vấn đề có thể xảy ra trong thời gian dịch bệnh và hậu dịch bệnh Covid 19.

 
 Tiến sĩ, giảng viên Lê Thị Giang trình bày bài giảng
 
 Tại Hội nghị, các học viên đã được nghe tiến sĩ Lê Thị Giang, Giảng viên khoa Pháp luật Dân Sự, trường Đại học Luật Hà Nội trình bày và chia sẻ các nội dung như: khái quát pháp luật về quyền sở hữu (như quan hệ pháp luật về quyền sở hữu; căn cứ xác lập, căn cứ chấm dứt quyền sở hữu; các hình thức sở hữu….); khái quát chung về trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu, kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu…
Nội dung tập huấn là những nội dung khá hấp dẫn, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày và mỗi con người. Lớp tập huấn diễn ra sôi nổi, giảng viên đưa ra nhiều những tình huống, nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trên thực tế để cùng trao đổi, chia sẻ để đưa ra các phương án xử lý vụ việc một cách hiệu quả nhất, các học viên tại các điểm cầu cũng như các học viên tham dự trực tuyến cũng đã tích cực đưa ra các vụ việc thực tế, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý để cùng phân tích, thảo luận các hướng giải quyết  để từ đó áp dụng những kỹ năng này trong công việc hàng ngày để bảo vệ tốt hơn cho đối tượng được TGPL.
Qua lớp tập huấn, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đồng thời là dịp để giảng viên trao đổi, chia sẻ với người thực hiện trợ giúp pháp lý các kiến thức về quyền sở hữu tài sản, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản để áp dụng trong công việc hàng ngày, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và hậu dịch bệnh Covid-19.
 
 
Một số hình ảnh tại các điểm cầu Cao Bằng, Ninh Bình

Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »