Không bỏ sót đối tượng được bảo hiểm y tế

05/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm tạo điều kiện và cải thiện việc tiếp cận dịch vụ y tế (DVYT) cho người nghèo, năm 2002 Chính phủ đã ban hành Quyết định 139/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Quyết định này đánh dấu bước ngoặt trong công tác khám chữa bệnh và khẳng định sự quan tâm của Chính phủ dành cho nhóm người yếu thế trong xã hội. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xác định cụ thể nguồn kinh phí dành cho công tác khám chữa bệnh cho người nghèo. Tuy nhiên, các quy trình, thủ tục cấp phát thẻ BHYT là một rào cản không nhỏ đối với người nghèo trong việc sử dụng DVYT. Quá trình triển khai Quyết định 139 cho thấy số thẻ sai sót tên, ngày sinh, địa chỉ... hoặc người nghèo không được cấp phát thẻ chiếm tỷ lệ đáng kể. Việc cấp phát thẻ còn khó khăn nên một số nơi thẻ BHYT không được phát đến tận tay người nghèo. Các rào cản thủ tục hành chính này làm hạn chế khả năng sử dụng DVYT của người nghèo.

Gia đình ông Nguyễn Xuân M có 4 khẩu (2 vợ chồng và 2 đứa con), là người dân tộc thiểu số. Theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP và Quyết định 139/2002/QĐ-TTg, cả 4 khẩu của gia đình ông thuộc diện được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí (năm 2007 và 2008 cả 4 khẩu của gia đình ông đều được mua thẻ BHYT). Tuy nhiên, năm 2009 gia đình ông M chỉ được cấp 2 thẻ bảo hiểm y tế cho 2 vợ chồng ông Mởn, còn lại 2 con ông M (trong đó có cháu Nguyễn Thị D sinh ngày 01/10/1997) không được cấp thẻ BHYT. Gia đình ông Mởn đã đề nghị nhiều lần đến UBND xã P nhưng không được xem xét. Ngày 19/7/2009, cháu Nguyễn Thị Dịu bị ốm phải nhập viện, do không có thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình ông đã phải nộp viện phí khám chữa bệnh với tổng số tiền là 947.000 đồng cho 5 ngày điều trị tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang (số tiền trên gia đình phải vay mượn để nộp).

Căn cứ Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế; Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Hà Giang với các ngành chức năng. Trung tâm TGPLNN tỉnh Hà Giang chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến bảo hiểm y tế của gia đình ông M để UBND thị xã Hà Giang xem xét và giải quyết theo thẩm quyền với các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, chỉ đạo UBND xã P và các ngành chức năng thuộc thị xã tiến hành việc rà soát đồng loạt các đối tượng thuộc diện được mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định, đồng thời làm các thủ tục cấp ngay thẻ BHYT năm 2009 cho 2 con của ông Nguyễn Xuân M theo đúng chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc không cấp thẻ BHYT năm 2009 cho 2 con của ông Nguyễn Xuân M, yêu cầu bồi thường chi phí khám chữa bệnh cho gia đình ông M theo đúng tinh thần của văn bản số 2564/UBND-VX ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh Hà Giang và hướng dẫn số 03/HD-LNLĐTBXH-YT-TC-BHXH ngày 30/9/2008 về việc thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo Quyết định 139.

Để có cơ sở trả lời cho người dân, đồng thời để báo cáo kết quả giải quyết với UBND tỉnh, mặt khác để tránh tình trạng người dân khiếu nại kéo dài, không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến khiếu kiện vượt cấp gây mất ổn định tình hình chính trị ở địa phương, các ban ngành đã vào cuộc.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị xã về việc giải quyết chính sách bảo hiểm y tế 139 theo công văn số 89/TGPL ngày 12/8/2009 của Trung tâm TGPLNN tỉnh Hà Giang. Phòng LĐTB&XH thị xã đã cử cán bộ đến làm việc với UBND xã P. Sau khi kiểm tra danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng 139 của xã P năm 2009, các thành viên dự họp phát biểu ý kiến thảo luận và thống nhất trách nhiệm giải quyết chính sách bảo hiểm y tế với cháu Nguyễn Thị D như sau:

Hiện nay, gia đình ông M có 4 khẩu, là người dân tộc thiểu số nên cả 4 người đều thuộc diện được cấp thẻ BHYT 139 và được hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí (theo QĐ 139/2002/QĐ-TTg). Năm 2008 và các năm trước cả gia đình ông M đều được cấp thẻ BHYT 139. Năm 2009, gia đình ông M chỉ được cấp 2 thẻ BHYT cho 2 vợ chồng, còn lại 2 đứa con ông không được cấp thẻ BHYT. Nguyên nhân là xã P đề nghị cấp danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng 139 năm 2009 không có tên 2 con của ông M. Hàng năm, UBND thị xã đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường rà soát lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng 139 trên địa bàn, lập danh sách bổ sung các trường hợp còn thiếu sót. Tuy nhiên, trong danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT năm 2009 và danh sách đề nghị bổ sung của xã P đợt 1 và đợt 2 năm 2009 đều không có tên 2 con của ông M. Ngày 19/7/2009, con ông M là cháu D bị ốm phải nằm viện, do không có thẻ BHYT nên gia đình ông M phải nộp tiền viện phí khám chữa bệnh cho con với tổng số tiền là 947.000 đồng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.

Căn cứ công văn số 2564/UBND-VX ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh Hà Giang; hướng dẫn số 03/HD-LNLĐTBXH-YT-TC-BHXH ngày 30/9/2008 và các văn bản chỉ đạo của UBND thị xã về đăng ký mua thẻ BHYT cho đối tượng 139 hàng năm và trong năm 2009. Vì vậy, UBND xã Phương T đã giải quyết chính sách BHYT đối với cháu Nguyễn Thị D như sau:

Thứ nhất, UBND xã P do sai sót khi lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT 139 bỏ sót đối tượng nên phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền viện phí mà ông Mởn đã nộp cho Bệnh viện đa khoa Hà Giang. Ngày 21/8/2009, UBND xã P đã bồi hoàn toàn bộ số tiền viện phí cho gia đình ông M.

Thứ hai, UBND xã Phương T đã lập danh sách hai cháu: Nguyễn Thị Đ và Nguyễn Thị D (con ông Nguyễn Xuân M) đề nghị cấp bổ sung thẻ BHYT đợt 3 năm 2009 gửi Phòng LĐTB&XH ngày 20/8/2009.

Một sự việc đơn giản, rõ ràng như vậy mà UBND xã P không kịp thời giải quyết, để gia đình ông M phải đề nghị nhiều lần. Thiết nghĩ, để củng cố niềm tin của người dân vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không khó nếu các cấp chính quyền thật sự tận tâm, tận lực vì quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Phòng Quản lý chất lượng

Xem thêm »