Ngày 23/11/2020, tại thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá một số kết quả 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025. Mục đích quan trọng của hội thảo là lấy ý kiến góp ý của người thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo Báo cáo đánh giá một số kết quả 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 để hoàn thiện dự thảo báo cáo, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, phương hướng thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Hội thảo do Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp chủ trì. Về phía nhà tài trợ có bà Đỗ Thuý Vân, cán bộ chương trình UNDP tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của Bà Vũ Thị Thu, đại diện nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo báo cáo; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và người thực hiện trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Gia Lai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Tĩnh, Lạng Sơn; đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; một số cơ quan báo chí, tổ chức xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, mục tiêu của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 là đổi mới hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước nhằm bảo đảm cho người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng. Đến nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện Đề án, qua theo dõi, Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy nhiều nội dung của Đề án đã đi vào cuộc sống, làm nên nhiều thay đổi quan trọng trong nhận thức cũng như hành động của cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý trong đó một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Đề án đổi mới đã được thể chế tại Luật. Sau 05 năm thực hiện Đề án, gần 03 năm triển khai Luật là thời điểm thích hợp để nhìn nhận, đánh giá quá trình thực hiện trong thời gian qua cụ thể như: từ việc hoạt động trợ giúp pháp lý dàn trải đi đến chuyên nghiệp hóa đã thể hiện như thế nào; nhiều địa phương vụ việc trợ giúp pháp lý đã nhiều hơn vụ việc dịch vụ pháp lý có thu phí; qua thống kê, vụ việc thành công ở nhiều địa phương đã hơn 1/3 số vụ việc thụ lý, đóng góp rõ ràng vào công cuộc cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng.
Cục trưởng Cù Thu Anh cũng đề nghị các đại biểu tích cực chia sẻ kết quả triển khai Đề án đổi mới trong 05 năm qua tại địa phương, các kinh nghiệm cần được chia sẻ và đóng góp vào các phân tích đưa ra trong dự thảo báo cáo, đặc biệt đưa ra những sáng kiến để đưa trợ giúp pháp lý có bước phát triển mới.
Phát biểu tại Hội thảo Bà Đỗ Thuý Vân, Đại diện UNDP cũng đồng tình cho rằng việc đánh giá một số kết quả 05 năm thực hiện Đề án là cần thiết nhằm có những kiến nghị để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong thời gian tới. UNDP mong muốn báo cáo cũng như các đại biểu sẽ có những đề xuất xác đáng để có hướng đi trong 05 năm tới và hướng tới mục tiêu cuối cùng là để công tác trợ giúp pháp lý phát triển bền vững.
Bà Vũ Thị Thu, đại diện nhóm chuyên gia trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá một số kết quả 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025. Dự thảo Báo cáo đã tập trung đánh giá tác động các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý, thu hút nguồn lực xã hội thực hiện trợ giúp pháp lý.
Bà Hoàng Thúy Duyên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn khẳng định Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025 đã đưa ra những định hướng đúng đắn, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý theo hướng chuẩn hóa và chuyên nghiệp. Trên cơ sở những định hướng, mục tiêu của Đề án, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng vụ việc. Qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới, tại địa phương, công tác trợ giúp pháp lý có những chuyển biến tích cực, được ghi nhận thể hiện qua số lượng, chất lượng vụ việc, thông qua các kết quả cụ thể tại địa phương.
Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội khẳng định công tác trợ giúp pháp lý của Thủ đô được Lãnh đạo thành phố, Sở Tư pháp quan tâm sát sao, taọ điều kiện về nguồn nhân lực và tài chính. Sau 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, số lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn Thủ đô đều tăng qua các năm, đặc biệt số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng tăng nhiều, nhất là trong năm 2020. Cùng với việc tăng về số lượng vụ việc, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao.
Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên cho biết tại Thái Nguyên, qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý nhất là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số người yếu thế khác theo quy định của pháp luật góp phần ổn định trật tự xã hội, cũng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu phát biểu đều đồng tình với dự thảo Báo cáo, cho rằng Báo cáo đã đánh giá, phân tích một cách toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đổi mới hướng tới mục tiêu tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Mặc dù việc khảo sát mới được thực hiện ở 04 địa phương nhưng các phát hiện mà Nhóm chuyên gia UNDP và Cục Trợ giúp pháp lý đưa ra là phù hợp với thực tiễn triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý ở nhiều địa phương. Về các đóng góp hoàn thiện báo cáo, các đại biểu có một số ý kiến như sau:
- Về chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý: Báo cáo cần có đánh giá sâu sắc hơn về nội dung này, bổ sung thêm số lượng vụ việc thành công, hiệu quả để minh chứng cho nhận định;
- Bổ sung kiến nghị cơ chế cụ thể để kiểm soát chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Số liệu vụ việc phân tích theo các năm cần chia theo diện đối tượng để thấy sự thay đổi qua các năm;
- Tăng cường học hỏi kinh nghiệm truyền thông của các Báo, Đài lớn;
- Những năm tiếp theo, nên tổ chức một số đợt đánh giá về từng nhiệm vụ của Đề án để có cơ sở tổng kết Đề án.
Kết thúc hội thảo, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh đã ghi nhận và khẳng định các ý kiến đóng góp chất lượng, là một cơ sở để Bộ Tư pháp tham khảo xây dựng báo cáo về Sơ kết Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 trên toàn quốc, đề xuất phương hướng thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác.
Phan Hải Yến
Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ TGPL