Quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Tư pháp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV - văn bản pháp luật quan trọng trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV

26/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 01/12/2014, liên Bộ Y tế - Tư pháp đã ban hành Quy chế phối hợp số 1192/QC-BYT-BTP trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV (Quy chế).

Đây là văn bản pháp luật quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trong ngành y tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa và người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý (TGPL).

Mục đích ban hành Quy chế nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Ngành Tư pháp và Ngành Y tế trong công tác TGPL cho người nhiễm HIV và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nảy sinh từ thực tiễn triển khai công tác TGPL cho người nhiễm HIV (như nhận thức về quyền được TGPL của người nhiễm HIV còn hạn chế, nhiều người không biết hoặc biết nhưng e ngại nên không thực hiện quyền; thủ tục đề nghị và quy trình thực hiện TGPL phức tạp, nhất là giấy xác nhận diện người bị nhiễm HIV không nơi nương tựa; đội ngũ người thực hiện TGPL thiếu kỹ năng, kinh nghiệm TGPL cho người nhiễm HIV; vấn đề bảo mật thông tin…).

Bố cục của Quy chế gồm 04 Mục chính: Mục I - Mục đích xây dựng Quy chế; Mục II - Nguyên tắc phối hợp; Mục II - Nội dung phối hợp (bao gồm các nội dung phối hợp giữa Ngành Y tế và Ngành Tư pháp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật; thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được TGPL của người nhiễm HIV; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức của hai ngành; huy động nguồn lực và thực hiện TGPL cho người nhiễm HIV); Mục IV- Tổ chức thực hiện (trong đó xác định trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện Quy chế và điều khoản thi hành).

Về các nội dung phối hợp

Các nội dung phối hợp được xây dựng dựa trên cơ sở các lĩnh vực có thể thiết lập quan hệ phối hợp giữa Ngành Y tế và Ngành Tư pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và TGPL cho người nhiễm HIV. Cụ thể là:

- Phối hợp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS (khoản 1 Mục III), bao gồm từ việc đánh giá nhu cầu xây dựng pháp luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và thực hiện việc xin ý kiến của hai ngành trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và TGPL cho người nhiễm HIV và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và TGPL cho người nhiễm HIV.

- Phối hợp hoạt động trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được TGPL của người nhiễm HIV (khoản 2 Mục III), bao gồm các nội dung tổ chức truyền thông, mở các chuyên trang, chuyên mục, lồng ghép việc giới thiệu về quyền được TGPL của người nhiễm HIV và phòng, chống HIV/AIDS đến các cán bộ, viên chức thuộc hai ngành Y tế - Tư pháp; cung cấp Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL, đơn đề nghị TGPL cho các đơn vị thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế để niêm yết tại trụ sở.

- Phối hợp hoạt động trong công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (khoản 3 Mục III).

- Phối hợp hoạt động trong huy động nguồn lực (khoản 4 Mục III).

- Phối hợp hoạt động trong việc thực hiện TGPL (khoản 5, Mục III), bao gồm: giới thiệu, chuyển tiếp người nhiễm HIV có nhu cầu TGPL hoặc chăm sóc y tế đến các cơ quan, tổ chức phù hợp; phối hợp nghiên cứu, xây dựng mô hình TGPL cho người nhiễm HIV; lồng ghép truyền thông cho người nhiễm HIV với hoạt động TGPL lưu động và lồng ghép hoạt động TGPL trong sinh hoạt của nhóm người nhiễm HIV…

Về tổ chức thực hiện

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, dự thảo Quy chế đã xác định cụ thể đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Quy chế; trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế; việc xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và hướng dẫn, kiểm tra theo dõi việc thực hiện… (Mục IV).

Theo đó, đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Quy chế được xác định như sau

- Ở Trung ương bao gồm: Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp.

- Ở địa phương bao gồm: Sở Y tế và Sở Tư pháp; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Ngoài ra, để bảo đảm các hoạt động phối hợp thiết thực, khả thi, phù hợp, theo điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Mục IV Quy chế, căn cứ các nội dung của Quy chế và tình hình thực tế của địa phương, hàng năm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế trong việc xây dựng Kế hoạch triển khai trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch này được thực hiện./.

Cục Trợ giúp pháp lý

File đính kèm:

Xem thêm »