Giới thiệu về nội dung của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý

22/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 08/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình (sau đây gọi là Quyết định). Quyết định này bao gồm 02 nội dung là: (1) Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (Tích hợp 02 Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020); (2) Thực hiện hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong trường hợp địa phương chưa tự cân đối ngân sách không thể bảo đảm chi trả cho các vụ việc này để triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.

1. Về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020

Có 46 tỉnh chưa tự cân đối ngân sách có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn (theo công bố công khai số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính) được ngân sách trung ương hỗ trợ 03 hoạt động để triển khai Quyết định này: (1) hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong trưởng hợp ngân sách địa phương không thể bảo đảm chi trả cho các vụ việc này; (2) hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về (theo mức học phí hiện hành của cơ sở đào tạo công lập với số lượng hỗ trợ 02 người/Trung tâm/năm); tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (80.000.000 đồng/01 lớp/Trung tâm/năm); (3) thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý (20.000.000 đồng/Trung tâm).

Các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện 02 hoạt động: (1) xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã (biên soạn nội dung 500.000 đồng/01 số/06 tháng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chi phí phát thanh: 500.000 đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/quý (06 lần/quý)); (2) Tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (2.000.000 đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/01 lần/năm).

Đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn: ngân sách địa phương tự bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện 05 hoạt động nêu trên.

2. Về hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong trường hợp địa phương chưa tự cân đối ngân sách không thể bảo đảm chi trả cho các vụ việc này:

Có 50 tỉnh chưa tự cân đối ngân sách (theo công bố công khai số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính) được ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong trường hợp ngân sách địa phương không thể bảo đảm chi trả cho vụ việc này.

Để kịp thời triển khai trong năm 2016, Quyết định này đã quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện.

Việc ban hành Quyết định tạo thuận lợi cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển trong thời gian tới là tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ trợ giúp pháp lý do Nhà nước cung cấp. Việc tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý góp phần bảo đảm thực hiện Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật tố tụng được Quốc hội thông qua năm 2015 và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo các chương trình, Nghị quyết của Quốc hội. 

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/9/2016.

Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý

File đính kèm:

Xem thêm »