Công tác cải cách hành chính tại Cục Trợ giúp pháp lý trong 9 tháng đầu năm 2013

27/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công tác cải cách hành chính luôn được Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm. Trong 09 tháng đầu năm 2013, công tác cải cách hành chính được Cục thực hiện trong các lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hoạt động điều hành của bộ máy, trong đó tập trung vào cải cách thể chế.

- Về cải cách thể chế: Bám sát Chương trình công tác của ngành Tư pháp và Kế hoạch công tác năm 2013 của Cục TGPL đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-BTP ngày 04/3/2013, trong 09 tháng đầu năm, Cục TGPL đã đẩy mạnh các hoạt động về xây dựng và hoàn thiện thể chế: đã trình Bộ trưởng ký 02 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp và liên tịch ban hành: (1) Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng; (2) Quyết định số 1932/QĐ-BTP ngày 25/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Thực hiện Quyết định số 1178/QĐ-BTP ngày 24/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, Cục đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của Cục theo Quyết định số 1989/QĐ-BTP. Tuy nhiên, do Cục đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý” nên Cục đã có văn bản xin ý kiến Lãnh Bộ cho lùi tiến độ sửa đổi Quyết định này sang năm 2014. Ngoài ra, Cục đã bàn giao Dự thảo 02 văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở cho Vụ Phổ biển, giáo dục pháp luật: (1) Dự thảo Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; (2) Thông tư hướng dẫn về quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục đánh giá và công bố kết quả công nhận, biểu dương, xếp hạng, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, Cục TGPL cũng đang tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo các văn bản, đề án theo Kế hoạch công tác năm 2013 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.

Ngoài ra, công tác thẩm định, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), công tác kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về TGPL được Cục TGPL thực hiện với tinh thần chủ động, bảo đảm theo đúng tiến độ. Cục đã rà soát, thẩm định, góp ý 46 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; tổ chức các Đoàn kiểm tra, khảo sát về tổ chức và hoạt động TGPL tại 17 tỉnh/thành phố; tổ chức 02 cuộc hội thảo, tập huấn về hướng dẫn nghiệp vụ TGPL...Nhìn chung, việc triển khai các hoạt động về cải cách thể chế trong 09 tháng qua luôn được Cục thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Kế hoạch đề ra, việc hoàn thành đúng tiến độ các hoạt động đã đáp úng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

- Về cải cách thủ tục hành chính; Cục TGPL đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp và liên Bộ ký ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, do Thông tư không có những quy định về thủ tục hành chính nên Cục không có đánh giá tác động theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC.

Thực hiện Công văn số 1501/VP-KSTTHC ngày 7/8/2013 của Bộ Tư pháp về việc thống kê thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, Cục TGPL đã tiến hành việc rà soát, thống kê 06 thủ tục hành chính trong thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30/7/2012 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước để trình Bộ trưởng ký Quyết định công bố. Trên cơ sở rà soát, thống kê của Cục, ngày 9/9/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2258/QĐ-BTP công bố việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

 Ngoài 06 thủ tục được thống kê và công bố nêu trên, trong Quý III, Cục không có thủ tục nào phải bãi bỏ hay sửa đổi, bổ sung cũng như phải giải quyết theo phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

- Cải cách tổ chức bộ máy: Thực hiện công tác quản lý cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả làm việc, Cục đã tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ một cách hợp lý. Tính đến hết tháng 9/2013 tổng biên chế của Cục là 43 cán bộ (trong đó có 31 biên chế hành chính, 12 biên chế sự nghiệp). Bên cạnh đó Cục đã tiến hành kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác Văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin, bảo đảm cho các công tác này đi ổn định, đồng thời tiếp nhận 01 công chức đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức về làm việc tại Cục. Ngoài ra, Cục còn tiến hành rà soát, đề xuất số lượng biên chế của Cục đến năm 2020, 2030; rà soát, đăng ký chỉ tiêu nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên và tương đương; đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ có hướng dẫn đối với việc bổ nhiệm lại 01 đồng chí đang đi học ở nước ngoài và ký hợp đồng theo Nghị định số 68 đối với 01 đồng chí; đôn đốc Vụ Tổ chức cán bộ có ý kiến trả lời đối với đề xuất tuyển dụng viên chức và ký hợp đồng lao động của 02 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục; hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ theo quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2013 và giai đoạn 2013-2015 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ.

Việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quy chế đã đạt được những mục tiêu quan trọng là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ đối với công tác quản lý nhà nước về TGPL đồng thời nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Lãnh đạo Cục đối với các mặt công tác của Cục. Việc phân định trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc đã được Quy chế quy định rõ ràng hơn, bảo đảm tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu, không thấy có các hiện tượng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa Cục với các đơn vị khác trong Bộ; các quy trình xử lý công việc; chương trình, kế hoạch công tác; cơ chế họp, hội nghị và hội thảo, tiếp khách, đi công tác, báo cáo và thông tin; công tác quản lý tài chính, tài sản và phương tiện đi lại; quan hệ công tác, cũng như các hoạt động khác trong từng bản Quy chế đã bảo đảm cho sự điều hành vĩ mô của Lãnh đạo Bộ qua đó giúp Lãnh đạo Cục chủ động trong xây dựng Kế hoạch và triển khai các hoạt động cụ thể thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục. Bên cạnh đó, để bảo đảm các hoạt động của Cục trong tình hình mới, hiện nay, Cục đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sửa đổi Quyết định số 34/QĐ-CTGPL về Quy chế làm việc của Cục.

- Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị: Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Cục trong tình hình mới, cũng như theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020; Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Cục đã cử 01 cán bộ đi học chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; 09 cán bộ đi học chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 18 đồng chí đi học lớp kỹ năng phân tích, kỹ thuật soạn thảo văn bản, đánh giá tác động văn bản, kỹ năng thẩm định văn bản QPPL, kỹ năng hợp nhất văn bản QPPL. Ngoài ra, để tăng cường năng lực hoạt động, sớm ổn định về mặt tổ chức, Cục đã chỉ đạo và yêu cầu 02 đơn vị sự nghiệp (Quỹ TGPL Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL) gấp rút hoàn thiện Đề án kiện toàn bộ máy và Đề án xác định vị trí việc làm theo Kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, đội ngũ công chức của Cục TGPL trong thời gian qua được đào tạo khá bài bản, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu của công việc, có ý thức học tập nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp để nắm bắt công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều vào thành tích chung của đơn vị.

Tuy nhiên, trong công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: một số vị trí Lãnh đạo, quản lý cấp Phòng chưa được sắp xếp đầy đủ; đội ngũ viên chức  02 đơn vị sự nghiệp chậm được kiện toàn theo chỉ tiêu Bộ giao. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa có chiến lược dài hạn (thiếu các chuyên gia đầu ngành, những cán bộ trưởng thành từ cơ sở, cán bộ được đào tạo ở nước ngoài...), những bất cập này, Cục đang khẩn trương khắc phục.

- Về cải cách tài chính công: Cục đang thực hiện khoán biên chế và tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về việc quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, đồng thời thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc theo Thông tư số 79/2003/TT-BTC về việc hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 68/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,  tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01//2013 hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc.

­­­­          Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tài sản công được lãnh đạo Cục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Cục, qua đó bảo đảm tính dân chủ, công khai, trong các hoạt động của đơn vị nói chung, Hiện nay, Cục đã xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công, việc thực hiện các quy chế này đã góp phần minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính của Cục.

- Về hiện đại hóa hoạt động điều hành của bộ máy đơn vị: Tiếp tục cập nhật và truyền tải thông tin về hoạt động TGPL của hệ thống TGPL, Trang thông tin điện tử của Cục đã được nâng cấp, cập nhật và truyền tải kịp thời thông tin về hoạt động TGPL trong toàn quốc, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như các sự kiện có liên quan, đã có 48 bài viết được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục với nhiều nội dung phong phú về các hoạt động TGPL ở các địa phương, công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, vụ việc TGPL...

Việc thiết lập kênh thông tin, xử lý phản hồi của cá nhân, tổ chức được Cục thực hiện hàng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo viết, báo điện tử, Đài phát thanh - truyền hình và tại Trang Web của Cục nhằm phục vụ kịp thời hoạt động chỉ đạo, điều hành đối với địa phương, kịp thời giúp đỡ cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 634/QĐ-BTP ngày 16/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và đưa vào áp dụng Hệ thống văn bản, quy trình quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp, Cục tiếp tục áp dụng 07 quy trình ISO của đơn vị và 05 quy trình chung cho các đơn vị thuộc Bộ vào hoạt động quản lý, điều hành, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ....

Nhìn chung công tác cải cách hành chính cơ bản bám sát vào mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính. Các nhiệm vụ trong xây dựng thể chế, văn bản, đề án được Cục thực hiện một cách chủ động, khẩn trương bảo đảm chất lượng. Các văn bản, đề án đều hướng tới đáp ứng hoạt động về cải cách hành chính với những thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với hoạt động TGPL và của ngành Tư pháp. Công tác tổ chức bộ máy; hiện đại hóa hoạt động điều hành; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tài chính công đã từng bước đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước; sự phối hợp giữa các đơn vị trong Cục được thực hiện tốt, giảm bớt khâu trung gian, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh không để tồn đọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục còn một số tồn tại, hạn chế như: một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đúng về mục tiêu, yêu cầu của  công tác CCHC nên chưa thực sự quan tâm đến các yêu cầu cụ thể của CCHC trong quá trình xây dựng các văn bản, Đề án. Cán bộ chuyên trách về lĩnh vực CCHC chưa được tập huấn, cập nhật thường xuyên những văn bản, hoạt động của công tác CCHC nên đôi lúc còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong việc áp dụng các quy trình ISO vào hoạt động quản lý điều hành của đơn vị.

Phan Văn Tuân

Xem thêm »