Từ ngày 25 đến ngày 29/11/2013 Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng đoàn đã đến Hàn Quốc nghiên cứu, khảo sát hoạt động trợ giúp pháp lý tại nước này
Ngày 26/11/2013 Đoàn đã có buổi làm việc với Tổng cục Trợ giúp pháp lý Hàn Quốc. Tại buổi tiếp có ông Hwang Sun Tae, Chủ tịch Tổng cục, Chánh Văn phòng và lãnh đạo các Ban, Vụ thuộc Tổng cục. Tổng cục được thành lập ngày 01/9/1987 trên cơ sở Luật Trợ giúp pháp lý Hàn Quốc. Đây là một tổ chức phúc lợi pháp lý công nhằm bảo vệ nhân quyền và góp phần vào việc tăng cường phúc lợi pháp lý thông qua việc trợ giúp pháp lý cho những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc không có được sự giúp đỡ pháp lý. Tổng cục được tổ chức theo hệ thống dọc bao gồm Hội sở ở Seoul, 18 cục, 40 văn phòng đại diện và 63 Chi nhánh tương ứng với hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra. Hội sở thực hiện chức năng quản lý và cấp phát kinh phí, quản lý nhân sự đối với địa phương, thực hiện công tác hành chính, thanh tra công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương, quảng bá hoạt động trợ giúp pháp lý, hợp tác quốc tế. Hội sở gồm có Chủ tịch, Tổng thư ký, 2 ban (Ban truyền thông, Ban thanh tra) và 3 Vụ (Vụ Chính sách và trợ giúp pháp lý, Vụ hành chính, Vụ Tài chính). Chủ tịch Tổng cục phải báo cáo và trả lời chất vấn tại Quốc hội về công tác trợ giúp pháp lý. Đến nay, tổng số nhân viên của Tổng cục là 950 người, trong đó có hơn 250 luật sư công hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hàng năm, ngân sách do Chính phủ cấp chiếm khoảng 45% tổng chi phí của Tổng cục, phần còn lại do huy động các nguồn lực khác (Bộ, tổ chức, cá nhân). Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc thì một số cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng do cơ quan, tổ chức đó quản lý. Đồng thời, một số tổ chức doanh nghiệp không có điều kiện về nhân lực và chuyên môn để giải quyết các vấn đề pháp lý của thành viên của tổ chức mình, do đó, họ đã đóng góp kinh phí cho Tổng cục trợ giúp pháp lý để Tổng cục sử dụng phần kinh phí đó trợ giúp pháp lý cho thành viên của cơ quan, tổ chức đóng góp. Đoàn công tác đã thăm Cục Trợ giúp pháp lý Seoul và Trung tâm hỗ trợ phục hồi tín dụng cá nhân. Cục Seoul có 3 phòng tư vấn, trong đó có phòng tư vấn riêng biệt để tiếp những trường hợp vụ việc đối tượng đề nghị trợ giúp cần bí mật thông tin đòi hỏi phải có không gian riêng biệt. Tại đây, mỗi ngày Cục tư vấn, giúp đỡ cho khoảng 200 lượt người. Trung tâm hỗ trợ phục hồi tín dụng cá nhân là một mô hình đặc biệt ở Hàn Quốc. Trung tâm trực thuộc Cục trợ giúp pháp lý Seoul, gồm có 1 luật sư chính thức và 01 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thay nghĩa vụ quân sự, 6 nhân viên tư vấn và 3 nhân viên hỗ trợ. Chức năng chính của Trung tâm là tư vấn giúp những cá nhân bị phá sản xây dựng phương án phục hồi tài chính, hỗ trợ trả nợ, tìm kiếm việc làm. Để trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, hàng tháng Tổng cục tổ chức chuyến xe lưu động đến vùng sâu, vùng xa để tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Đối với những người khiếm thính Tổng cục có chương trình giao tiếp bằng tay để chuyển tải các thông tin tư vấn. Hoạt động trợ giúp pháp lý của Tổng cục có thu phí một phần trong số vụ việc với một số đối tượng nhất định, tuy nhiên, mức thu thấp hơn nhiều so với chi phí thuê luật sư tư. Trung bình mỗi năm Tổng cục trợ giúp 1.400.000 vụ việc tư vấn và 140.000 vụ việc tham gia tố tụng (trong đó có 125.000 vụ dân sự và 15.000 vụ hình sự).
Đoàn đã có buổi làm việc với Tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc. Từ năm 1978 Hiệp hội luật sư Hàn Quốc đã sử dụng kinh phí riêng để thực hiện trợ giúp pháp lý, khi muốn mở rộng hoạt động Hiệp hội đã xin phép Chính phủ đồng ý cho thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý trực thuộc. Năm 2003 tổ chức này được chính thức thành lập. Tổ chức trợ giúp pháp lý gồm có Chủ tịch, Tổng thư ký, 02 phó tổng thư ký và 15 nhân viên thường trực. Ngoài ra, còn có 500 Luật sư cộng tác viên. Mục đích hoạt động của tổ chức này là giúp đỡ người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý mà vì lý do tài chính hoặc lý do khác mà không thể tiếp cận dịch vụ pháp lý có thu của Luật sư hành nghề tự do để giải quyết vụ việc của họ. Đối tượng giúp đỡ bao gồm:
- Người nghèo;
- Gia đình đa văn hóa (gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài);
- Người nhập cư từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sang Hàn Quốc;
- Nạn nhân của bạo lực gia đình;
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
Các loại vụ việc thuộc phạm vi trợ giúp pháp lý của Tổ chức này bao gồm: dân sự, hình sự, vụ việc phát sinh trong phạm vi gia đình; vụ việc giải quyết có sai sót; các vụ việc khác. Từ 01/01-25/11/2013 tổ chức này đã giúp đỡ được 635 vụ việc.
Đây là tổ chức phi Chính phủ, không có sự hỗ trợ trực tiếp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Kinh phí hoạt động cho tổ chức này từ nguồn đóng góp của các luật sư Hàn Quốc, 10 công ty luật lớn nhất Hàn Quốc (công ty có từ 100 luật sư trở lên), sự hỗ trợ của Bộ Phụ nữ và gia đình, Tòa án tối cao và từ hoạt động trợ giúp pháp lý có thu phí một phần. Kinh phí do Bộ Phụ nữ và gia đình hỗ trợ chỉ sử dụng để chi trả chi phí cho những vụ việc liên quan đến gia đình.
Ngày 27/11/2013 Đoàn công tác làm việc với Tòa án gia đình Seoul. Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Park, Hong Woo, Chánh án Tòa án đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tòa án. Tòa án gia đình có 05 Ban, gồm: Ban hành chính, Ban tiếp dân, Ban giải quyết các vụ việc liên quan đến gia đình, Ban điều chỉnh quan hệ gia đình, Ban điều tra. Nhiệm vụ chủ yếu của Tòa án gia đình là giải quyết những vụ việc liên quan đến gia đình, vị thành niên. Vụ việc liên quan đến gia đình bao gồm ly hôn, tranh chấp tài sản khi ly hôn, thừa kế, bạo lực gia đình, nuôi con. Trong các vụ án ly hôn thì việc giải quyết của Tòa án cân nhắc nhiều đến việc bảo vệ quyền lợi của con cái, đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đối với những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thì Tòa án lưu ý đến văn hóa và ngôn ngữ, nếu đương sự không nói được tiếng Hàn thì tòa án lựa chọn luật sư nói tiếng của đương sự để giải quyết vụ việc. Trong trường hợp luật sư phù hợp thì Tòa án sẽ thuê phiên dịch và chi phí do Tòa án chi trả. Tòa án cũng giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên mà mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng tới mức phải lý hình sự. Mọi thủ tục liên quan tại Tòa án gia đình của các đương sự có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ được miễn phí. Người chưa thành niên không có người đại diện cũng được Tòa án thuê và do Tòa án chi trả kinh phí.
Đoàn cũng đã đến làm việc với Trung tâm dịch vụ pháp lý gia đình Hàn Quốc. Đây là một tổ chức phi Chính phủ được thành lập năm 1999 để bảo vệ quyền của những người bị thiệt thòi trong xã hội. Cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Trung tâm là Đại hội đồng cổ đông, tiếp đó là Hội đồng quản trị, Giám đốc và 04 Ban của Trung tâm (Ban giáo dục - đào tạo, Ban Tư vấn và trợ giúp pháp lý, Ban Quảng bá xuất bản, Ban Tài chính và hành chính). Hiện Trung tâm có 35 Chi nhánh ở trong nước và 12 Chi nhánh tại Mỹ. Kinh phí hoạt động của Trung tâm do các tổ chức và cá nhân đóng góp, trong đó có những phụ nữ Hàn Quốc làm việc tại nước ngoài. Đến nay đã có hơn 2.000 tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí cho tổ chức này (Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho Trung tâm chiếm từ 7 – 13% tổng ngân sách hoạt động của Trung tâm). Phạm vi giúp đỡ của Trung tâm bao gồm tham gia tố tụng hình sự và tư vấn, soạn thảo tài liệu. Ngoài ra, Trung tâm còn giúp đỡ những vụ việc mà bị đơn là cơ quan của Chính phủ.
Đoàn công tác thăm và làm việc tại Chi nhánh Trung tâm
dịch vụ pháp lý gia đình tại Incheon
Trong chuyến công tác Đoàn cũng có dịp thăm và làm việc với Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Trung tâm được thành lập năm 2005 trên cơ sở sự phê duyệt của Chính phủ. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là hỗ trợ cô dâu nước ngoài hiểu văn hóa, ngôn ngữ của Hàn Quốc để tạo dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp. Hoạt động hỗ trợ này có sự phối hợp của hơn 50 cơ quan, trong đó có Ủy ban nhân dân, cơ quan tôn giáo, y tế, giáo dục, tổ chức kinh tế để giúp đỡ người dân. Trung tâm hiện có 25 cán bộ tư vấn nhiều lĩnh vực như sức khỏe, dạy tiếng Hàn Quốc, phiên dịch, giáo dục, hướng dẫn nuôi dạy trẻ em, nghệ thuật. Trung bình mỗi năm Trung tâm hỗ trợ cho khoảng 13.000 vụ việc. Đây là một mô hình thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc đối với những cô dâu nước ngoài, giúp những người này có thể hòa nhập một cách tốt nhất với văn hóa và con người Hàn Quốc. Số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chiếm đa số trong số những cô dâu nước ngoài tại đất nước này, do đó, mô hình này giúp ích nhiều cho các gia đình Việt – Hàn.
Bên cạnh các buổi làm việc trao đổi về kinh nghiệm trợ giúp pháp lý, Đoàn cũng đã được sự đón tiếp nồng nhiệt của Ủy ban nhân dân Quận Tây Incheon, Ủy ban nhân dân huyện Ganghwa. Chủ tịch các quận, huyện đã bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động của các tổ chức giúp đỡ pháp lý miễn phí và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này hoạt động hiệu quả.
Phan Hà – Cục Trợ giúp pháp lý