Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

20/01/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 17/01, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (Chiến lược) ở Việt Nam nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong toàn quốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tới dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Bộ, ngành có liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế… và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

TGPL là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Qua 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam, công tác TGPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế, chính sách trong lĩnh vực này từng bước được hoàn thiện; mô hình, hệ thống tổ chức TGPL đã dần được kiện toàn. Đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân được mở rộng và có chuyển biến về chất lượng. Nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân về TGPL được nâng lên. Đội ngũ cán bộ thực hiện TGPL từng bước được mở rộng, chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp. Hoạt động TGPL ngày càng đi vào nề nếp, không chỉ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật mà còn hỗ trợ các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ.

                                             

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TGPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược chưa phù hợp; việc nâng cao nhận thức về TGPL còn hạn chế; công tác xã hội hóa hoạt động TGPL chưa được đẩy mạnh; chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa cao; công tác phối hợp trong hoạt động TGPL một số nơi còn chưa hiệu quả…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe một số chuyên đề liên quan tới thể chế, chính sách về TGPL trong chính sách bảo trợ xã hội cho người nghèo, trẻ em, người già, người có công với cách mạng; thực trạng nguồn lực trong công tác TGPL – giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính và huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động TGPL… Các ý kiến thảo luận tập trung đánh giá những kết quả của hoạt động TGPL trong những năm qua ở từng đơn vị, đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này trong thời gian tới như: cần sửa đổi Luật TGPL cho phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước; mở rộng các đối tượng được hưởng TGPL; quan tâm hoàn thiện thể chế, chế độ chính sách đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến pháp luật về TGPL để nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về ý nghĩa, vai trò của hoạt động TGPL…

                                           

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ thực hiện TGPL trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định: những kết quả rất đáng trân trọng mà công tác TGPL đạt được đã góp phần thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, đưa pháp luật và tư pháp đến với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa đối với những thế hệ người có công với cách mạng.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong hoạt động TGPL, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: để khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường khả năng đáp ứng và nâng cao chất lượng TGPL, cần phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, tổ chức TGPL trong thời gian tới; đảm bảo ngân sách cho hoạt động TGPL, tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách đươc hưởng TGPL miễn phí của Nhà nước khi có nhu cầu; nghiên cứu cơ chế thu hút, điều phối các nguồn lực cho hoạt động TGPL từ Trung ương tới địa phương, bảo đảm thứ tự ưu tiên TGPL bằng các hình thức tư vấn pháp luật theo vụ việc, nhất là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được hưởng TGPL.

                                          

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: sau 02 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam là đúng đắn, cơ bản phù hợp với chủ trương đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Chiến lược đã xác định các vấn đề có tính tổng thể, toàn diện, các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong công tác TGPL, đồng thời thể hiện sự gắn kết, mối liên hệ giữa công tác TGPL với việc đảm bảo quyền con người, vấn đề giảm nghèo toàn diện, bền vững, chính sách dân tộc, chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Tuy nhiên, để triển khai hoạt động TGPL trong bối cảnh mới hiện nay cần có sự đổi mới cả về chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động và bước đi trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu cần phải đổi mới nhận thức về hoạt động TGPL của Nhà nước, phải nhìn nhận đúng bản chất của hoạt động này là để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong quá trình tham gia tố tụng, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ pháp luật; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đối với hoạt động TGPL của cả xã hội và Nhà nước, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; đẩy mạnh xã hội hóa TGPL với cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp để huy động, khuyến khích các nguồn lực xã hội cho công tác TGPL; tăng cường quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực TGPL…

                                           

Bộ trưởng tin tưởng với sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, tổ chức và địa phương và sự cố gắng, nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp, hoạt động TGPL sẽ có nhiều khởi sắc, tiến bộ mới, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu TGPL của người dân.

Nguồn Bộ Tư pháp

Xem thêm »