Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

08/06/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Được sự hỗ trợ của dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” do USAID tài trợ, dự án “Hỗ trợ đánh giá về giới từ khía cạnh Công ước CEDAW và các công ước về quyền con người đối với Luật Trợ giúp pháp lý” do UNWOMEN hỗ trợ, trong ngày 06 - 07/6/2016, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức Hội thảo về Báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và thi hành Luật Trợ giúp pháp lý 2006. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, đối tác, chuyên gia của các tổ chức trong nước và quốc tế; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trợ giúp pháp lý là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghèo, đối tượng chính sách và một số nhóm đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Đây là trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy, người dân cần phải được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng. Trong bối cảnh Luật Trợ giúp pháp lý 2006 đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2017 việc Bộ Tư pháp giao Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát thực tiễn nhu cầu trợ giúp pháp lý và đánh giá tình hình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2006 tại các địa phương là cần thiết, nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực tế nhu cầu và công tác trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay, tổng hợp những phát hiện, đánh giá, đề xuất, kiến nghị của địa phương để các nhà xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi có thể tham khảo.

                                                                          

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian 02 ngày Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn trong công tác trợ giúp pháp lý tập trung thảo luận vào những vấn đề bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; bình luận những phát hiện, đề xuất trong dự thảo Báo cáo khảo sát; từ đó đưa ra những ý kiến cụ thể đối với dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm nước ngoài đối vói các tình huống hay vấn đề trợ giúp pháp lý cụ thể để có thể tham khảo trong công tác quản lý trợ giúp pháp lý và xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

                                                                                      

Thay mặt Nhóm chuyên gia khảo sát, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng thể kết quả khảo sát về công tác trợ giúp pháp lý, Phó Giáo sư – tiến sỹ Chu Hồng Thanh, chuyên gia dự án GIG trình bày báo cáo kết quả phỏng vấn sâu về nhu cầu trợ giúp pháp lý tại 9 tỉnh, đưa ra một số phát hiện và những đề xuất, kiến nghị liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

                                                                                     

Trong thời gian Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý, những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ thực tế công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương. Các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm trợ giúp pháp lý của các nước, đăc biệt là các nước ASEAN.

                                                                                     

Phần lớn các ý kiến thống nhất về nội dung dự thảo Luật: xác định rõ trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, đối tượng trợ giúp pháp lý cần được nghiên cứu mở rộng hơn, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần chuyên nghiệp hơn và đa dạng hơn; mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cần được tăng cường; ngoài nguồn ngân sách nhà nước thì cần thu hút sự đóng góp hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức có liên quan... Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều liên quan đến mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý nên theo ngành dọc hay giữ nguyên như hiện nay và có sự căn chỉnh cho phù hợp và hiệu quả.

 

Sau 2 ngày tập trung làm việc, đã có gần 30 ý kiến đại biểu trao đổi về những nội dung được đưa ra. Đánh giá về kết quả Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho rằng chương trình, nội dung Hội thảo đã mang lại những kết quả đáng kể. Nhiều ý kiến khá sâu sắc từ góc độ nghiên cứu và thực tiễn, đặc biệt ý kiến của các chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm quốc tế đã giải đáp được một số thắc mắc liên quan đến nội dung Dự thảo Luật . Những ý kiến góp ý tại Hôi thảo sẽ được thường trực Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo Bộ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới./.

 

Chi Đoàn Thanh niên Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »