Ngày 14 – 15/6/2016, tại Nha Trang, với sự hỗ trợ của dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” do USAID tài trợ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tham vấn dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành (như Ban Chỉ đạo Cải cách Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,…); các đối tác, chuyên gia của tổ chức trong nước và quốc tế; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật TGPL (sửa đổi) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, TGPL là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghèo, đối tượng chính sách và một số nhóm đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Với những hạn chế, bất cập từ quá trình triển khai thi hành Luật TGPL trong bối cảnh mới thì việc đặt ra vấn đề sửa đổi Luật TGPL là cần thiết. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, để dự thảo Luật có chất lượng thì quá trình lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan Bộ Tư pháp đã lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân về dự án Luật TGPL (sửa đổi) và việc Hội nghị tham vấn này cũng nằm chung trong kế hoạch lấy ý kiến. Trong thời gian 02 ngày Hội nghị diễn ra với số lượng và sự đa dạng về chủ thể gồm những người quản lý, người thực hiện từ thực tiễn, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào nội dung dự thảo để Thường trực Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu đưa ra Dự thảo chất lượng trình Chính phủ vào tháng 7/2016.
Thay mặt đại diện Thường trực Tổ biên tập, ông Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục TGPL đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) về phạm vi điều chỉnh, mô hình tổ chức, tổ chức tham gia TGPL, người được TGPL, người thực hiện TGPL, hình thức TGPL. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Ông Patrick Anthony Burgess, chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG đã trình bày tính tương thích của dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) của Việt Nam với các Công ước, Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia; vấn đề TGPL trên thế giới và đề xuất; GS.TS Nguyễn Thị Mơ – Viện trưởng, Viện Chính sách công và pháp luật (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã trình bày báo cáo rà soát việc thực hiện Luật TGPL và các chính sách liên quan đến TGPL, các khuyến nghị cho dự thảo Luật TGPL (sửa đổi); bình luận theo các chương dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) của TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Dân sự - Kinh tế; TS Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, Bộ Tư pháp. Sau khi nghe một số đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến và chia sẻ chia sẻ những kinh nghiệm TGPL của các nước, đăc biệt là các nước ASEAN của chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc có một số ý kiến về nội dung dự thảo Luật TGPL.
Thứ trưởng khẳng định nguyên lý việc TGPL dành cho những người không có điều kiện về kinh tế và có tính đến yếu tố đặc thù vì nước ta là một nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Việc mở rộng đối tượng được TGPL cần tính đến tính khả thi, mở rộng đến đâu thì nguồn lực nhà nước về kinh phí, nhân lực phải bảo đảm được đến đấy. Thứ trưởng nêu quan điểm thể hiện sự quyết tâm trong việc sửa đổi Luật TGPL nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người được TGPL.
Về người thực hiện TGPL, tiếp tục thu hút, mở rộng các lực lượng xã hội tham gia công tác TGPL nhưng theo nguyên tắc không nhân nhượng về điều kiện, tiêu chuẩn người thực hiện TGPL. Thu hút tham gia nhưng bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn với một cam kết lâu dài, bền vững, chất lượng và hiệu quả.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật chúng ta khá rộng, đến nay phổ biến giáo dục pháp luật cũng đã có những thiết chế bảo đảm riêng, do đó TGPL sẽ xoay quanh là vụ việc tố tụng, nhất là tố tụng hình sự. Điều này phù hợp với kinh nghiệm quốc tế về TGPL. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, chúng ta kế thừa những hình thức nào còn phù hợp nhưng đảm bảo mục tiêu không thay đổi, hiệu quả công việc rõ ràng.
Đề án đổi mới công tác TGPL cũng nêu định hướng trong 10 năm nữa, tuy nhiên chúng ta sẽ có bước đi phù hợp, cần xác định rằng Luật sửa đổi này là luật chuyển đổi, do đó Thứ trưởng đề nghị thảo luận về mô hình tổ chức theo hướng cần có sự kế thừa, tránh xáo trộn bộ máy trong giai đoạn hiện nay.
Với những ý kiến gợi mở của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Hội nghị đã làm việc tập trung, tích cực, các đại biểu thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến trực tiếp về nội dung dự thảo Luật TGPL theo từng Chương, điều. Về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với các nội dung dự thảo Luật TGPL về phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác TGPL, mở rộng đối tượng được TGPL, nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện người thực hiện TGPL và thực hiện đa dạng hóa chủ thể cung cấp; mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.v.v.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau xoay quanh việc nên thiết kế mô hình tổ chức TGPL theo ngành dọc hay giữ nguyên như hiện nay và có sự tinh chỉnh cho phù hơp, hiệu quả; về chủ thể ký hợp đồng thực hiện dịch vụ TGPL với các tổ chức tham gia TGPL; về việc mở rộng một số diện người được TGPL. Ngoài ra còn có một số góp ý trực tiếp về kỹ thuật, ngôn ngữ của văn bản.
Hội nghị này sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 14/6/2016 với các góp ý cụ thể, trực tiếp của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước từ các góc độ nghiên cứu lý luận và thực tiễn vào nội dung dự thảo Luật TGPL (sửa đổi). Những ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ được Thường trực Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo Bộ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật TGPL (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới./.
Thanh Trịnh - Cục Trợ giúp pháp lý