KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG NĂM 2017 TỈNH NINH THUẬN

10/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 1441/KH-HĐPHLN ngày 08/8/2017 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng về việc kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2017, ngày 04 và 06/10/2017, Đoàn Kiểm tra phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã tiến hành kiểm tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đoàn kiểm tra do ông Đào Trọng Định - Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành làm Trưởng đoàn cùng đại diện các ngành thành viên Hội đồng liên ngành tỉnh và đại diện Ban Nội chính tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ huyện ủy phụ trách công tác tư pháp, lãnh đạo các đơn vị Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, các Điều tra viên, Thẩm phán, Trưởng Nhà tạm giữ các đơn vị được kiểm tra.

Đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra các địa điểm niêm yết Bảng thông tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý. Qua kiểm tra, nhận thấy các cơ quan đã niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở ở những vị trí thuận lợi cho người dân dễ thấy, dễ tiếp cận, đặt hộp tin trợ giúp pháp lý, triển khai mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan.

Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã nghe Lãnh đạo đơn vị được kiểm tra báo cáo kết quả hoạt động công tác phối hợp liên ngành của đơn vị và ý kiến của các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp cũng như chất lượng tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên. Qua đó thấy được chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo, các đương sự theo quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo và khiếu kiện vượt cấp. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư đã góp phần đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh những ưu điểm trên thì việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên cũng còn một số hạn chế nhất định, cần chú ý cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật phục vụ cho việc bào chữa, bảo vệ, đảm bảo quyền lợi của các bị can, bị cáo, đương sự được bảo vệ một cách tốt nhất. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho các Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình làm việc, tống đạt đầy đủ các văn bản tố tụng.

Ảnh: Hình ảnh tại buổi làm việc

Ngoài ra, trong 02 ngày làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi kết quả đạt được, một số hạn chế của đơn vị được kiểm tra. Đại diện lãnh đạo các đơn vị được kiểm tra và đại diện Lãnh đạo của huyện ủy của các đơn vị được kiểm tra cho biết số lượng người dân được trợ giúp pháp lý còn chưa nhiều do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa hiểu rõ được hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như quyền lợi của mình, do đó Trung tâm trợ giúp pháp lý cần tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức phù hợp.

Ảnh: Hình ảnh tại buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn kiểm tra đã kết luận về ưu điểm, hạn chế và một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thời gian tới như tích cực triển khai nội dung Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 đến cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao nhất, chất lượng và đưa công tác trợ giúp pháp lý phát triển lên tầm cao mới./.

 

                                                   Lưu Thị Hồng Mơ – TTTGPLNN tỉnh Ninh Thuận

Xem thêm »