Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người nghèo, người yếu thế

16/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho những người không có khả năng sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí, theo đó người nghèo, người yếu thế trong xã hội được sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Trợ giúp pháp lý góp phần giúp người dân giảm nghèo về pháp luật, do đó, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua năm 2006 và Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua năm 2017 đều xác định người nghèo là nhóm đối tượng ưu tiên đầu tiên trong các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo tính toán sơ bộ, người được trợ giúp pháp lý là người nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn với hơn 1.000.000 hộ, chiếm 10,8% tổng số diện người được trợ giúp pháp lý.

Từ khi hệ thống trợ giúp pháp lý được thành lập (1997) tới nay, hàng trăm nghìn người nghèo đã được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua nhiều hình thức như: được tư vấn pháp luật, được người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được tham gia các buổi truyền thông về cơ sở để hướng dẫn các chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống của người dân (pháp luật đất đai, pháp luật bảo hiểm, lao động, an sinh xã hội,...), được cung cấp tờ gấp pháp luật, cẩm nang hướng dẫn yêu cầu trợ giúp pháp lý,... Thông qua trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý đã được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, công bằng trong tranh tụng và xét xử. Trước những kết quả và đóng góp mà trợ giúp pháp lý đạt được trong thời gian qua, trợ giúp pháp lý đã được Đảng,  Nhà nước ghi nhận và xác định trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách để triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, trong đó chú trọng các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người yếu thế như: thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở; nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, đội ngũ người tham gia trợ giúp pháp lý... Các hoạt động trợ giúp pháp lý được cơ quan, tổ chức, người dân đánh giá cao, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý[1] ngày càng được nâng cao, nhiều vụ việc thành công, hiệu quả như người được trợ giúp pháp lý được tuyên không có tội hoặc được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân...
Có thể thấy rằng, thời gian qua trợ giúp pháp lý đã thể hiện rất tốt vai trò của mình trong việc đảm bảo việc xét xử vụ việc khách quan, đúng người, đúng tội, tránh được oan sai cho người dân cũng như đã thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Trợ giúp pháp lý đã giúp người dân sử dụng pháp luật khi có tranh chấp, vướng mắc, giúp người dân “giảm nghèo về pháp luật”, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, người dân yên tâm lao động để giảm nghèo về kinh tế.
 Trần Thị Phượng - Cục Trợ giúp pháp lý
 

[1] Theo thống kê, từ năm 1997 – 6/2023, đã thực hiện 811.194 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các vụ việc đều đạt chất lượng trở lên.

Xem thêm »