Tiếp tục bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo

15/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn hơn 1,58 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc năm 2023 là 5,71%.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều phương diện khác nhau. Nhân dịp “Ngày vì Người nghèo” 17/10, bài viết xin giới thiệu về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và một số kết quả đạt được trong thời gian qua.
1. Quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người nghèo qua các giai đoạn
Ra đời từ nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ pháp luật của người nghèo, pháp luật trợ giúp pháp lý qua các giai đoạn luôn coi người nghèo là đối tượng hàng đầu, trước hết trong số những diện người được trợ giúp pháp lý.
- Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006: Ngày 18/6/1997, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), đã chỉ rõ “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”. Ngay sau đó, ngày 6/9/1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là căn cứ pháp lý cho sự ra đời, phát triển của hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn này, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được quy định tại Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 bao gồm người nghèo; người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khác.
- Giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2017: Giai đoạn này, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau này được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013) gồm người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, không nơi nương tựa; người tàn tật không nơi nương tựa; trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người; các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 
Ảnh chụp màn hình trong một phóng sự phát trên VTC6

- Giai đoạn từ năm 2018 đến nay: Ngày 20/6/2017, Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, theo đó người được trợ giúp pháp lý đã mở rộng lên 14 nhóm đối tượng so với 06 nhóm đối tượng của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người được trợ giúp pháp lý gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) người thuộc hộ nghèo; (3) trẻ em; (4) người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; (6) người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) người có khó khăn tài chính thuộc các nhóm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và người nhiễm HIV. Điều kiện có khó khăn về tài chính được quy định cho các đối tượng tại mục này được Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quy định hướng dẫn gồm người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hiện nay, theo pháp luật trợ giúp pháp lý, người thuộc hộ nghèo có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính… (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại). Khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật, người thuộc hộ nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Người nghèo có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm i) đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; ii) giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; (iii) các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo. Hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc hộ nghèo có thể được nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.
Với những quy định trên, có thể thấy rằng Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến người nghèo trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền tiếp cận công lý. Hiện nay, nội dung trợ giúp pháp lý cũng đã được ghi nhận và triển khai đồng bộ trong tất cả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo[1].
2. Kết quả bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Chặng đường 27 năm qua của hoạt động trợ giúp pháp lý luôn gắn liền với người nghèo. Đây là một chặng đường đầy nỗ lực, phấn đấu vượt khó của những người làm công tác trợ giúp pháp lý. Hiện nay, trợ giúp pháp lý đã được xác định là dịch vụ công thiết yếu, là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế trong thời gian qua, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người nghèo đã đạt được kết quả tích cực.
Trên toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, 97 Chi nhánh, với 676 trợ giúp viên pháp lý; có 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; 675 cá nhân ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo. Đến nay, năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã dần được nâng cao và trở thành đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng, số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý tăng hằng năm.
Trong 27 năm qua (1997 - 6/2024), các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho gần 815 nghìn lượt người nghèo (chiếm khoảng 33,3% tổng số người được trợ giúp pháp lý). Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2017, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Kết quả, từ năm 2018 đến hết 31/5/2024, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã cung cấp 36,248 nghìn vụ việc cho người nghèo[2], trong đó có 22.163 vụ việc tư vấn pháp luật, 9.376 vụ việc tham giai tố tụng, 178 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Phân theo lĩnh vực, có 8.346 vụ việc trong lĩnh vực hình sự, 12.479 vụ việc trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, 3.416 vụ việc trong lĩnh vực hành chính và 7.476 vụ việc trong lĩnh vực khác. Mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo nói riêng, người được trợ giúp pháp lý nói chung đều gắn với một con người, một số phận, một hoàn cảnh riêng. Trong các vụ việc tham gia tố tụng cho người nghèo, có nhiều vụ việc thành công, hiệu quả được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận như người thuộc hộ nghèo được trợ giúp pháp lý được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân... hoặc người thuộc hộ nghèo được trợ giúp pháp lý được tăng mức bồi thường thiệt hại, đòi được quyền sử dụng đất….
Có thể thấy rằng, thông qua từng vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả trợ giúp pháp lý cho người nghèo trong thời gian qua đã góp phần khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo cũng đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển sinh kế cho người nghèo…
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, tuy nhiên có thể thấy rằng trong xã hội vẫn còn nhiều người thuộc hộ nghèo chưa biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo và nhóm người yếu thế. Bên cạnh đó, thực tế vẫn còn một số người thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng không thuộc diện người nghèo (mặc dù họ còn khó khăn về kinh tế) để được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Những hạn chế, bất cập trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trước yêu cầu mới về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ví dụ như quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính hiện nay mới chỉ giới hạn trong phạm vi người thuộc hộ cận nghèo hoặc người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, trong khi trên thực tế điều kiện có khó khăn về tài chính đa dạng hơn.
- Hoạt động truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo chưa đạt hiệu quả như mong đợi; vẫn còn tình trạng phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức khác còn chưa chặt chẽ; một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo vẫn chưa chưa quan tâm đến quyền được trợ giúp pháp lý, nhất là người dân nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thói quen khi gặp vướng mắc pháp luật nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý miễn phí của họ.
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Nhằm tiếp tục bảo đảm cho người nghèo được tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý kịp thời, thuận lợi, có chất lượng, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp như sau:
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước theo yêu cầu tại mục 7 phần IV Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trước mắt, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính của nhóm người quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý. Cụ thể có thể nghiên cứu theo hướng, sửa đổi điều kiện có khó khăn về tài chính theo hướng bao gồm là người thuộc hộ cận nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu giúp đỡ pháp luật… Việc mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính nhằm mở rộng quyền được trợ giúp pháp lý cho nhóm người thuộc quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý.
- Triển khai hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý, tạo sự đồng bộ với các hoạt động khác trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các dự án, chương trình, đề án khác có nội dung trợ giúp pháp lý, qua đó thể hiện vai trò tích cực trong an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
- Tiếp tục tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý. Tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp viên pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trợ giúp pháp lý của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn… Tăng cường các hoạt động đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
- Tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo thông qua việc triển khai nhiều cách thức truyền thông khác nhau, phù hợp với từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, trong việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng về giải thích, giới thiệu, thông tin, thông báo về nhu cầu trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, trực trợ giúp pháp lý 24/24 giờ trong điều tra hình sự, tổ chức phiên tòa trực tuyến, liên thông chia sẻ các cơ sở dữ liệu có liên quan, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý....; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý …/.
 
Ngân Giang
 

[1] Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
[2] Trong đó có cả người nghèo, người vừa nghèo vừa dân tộc thiểu số

Xem thêm »