Bàn về hình thức trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

13/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai nội dung được giao tại khoản 5 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy, ngày 24/3/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại Pháp lệnh này đã quy định về nội dung trợ giúp pháp, bài viết đưa ra cách nhìn về hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý khi trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo Pháp lệnh này.

Từ khóa: Hình thức trợ giúp pháp lý; Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15; người nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện bắt buộc; người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi….

1.Nội dung về trợ giúp pháp lý trong quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/3/2023)

Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, thẩm quyền do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định (khoản 4 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy). Và chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy, gồm các trường hợp sau: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện. Những người thuộc trường hợp nêu trên nếu thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý sẽ được cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, có thể kể đến: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi (thuộc diện trẻ em); người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người thuộc hộ nghèo; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc các diện được trợ giúp pháp lý khác theo quy định Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý.
Tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh đã quy định rõ chi phí cho luật sư,trợ giúp viên pháp lý là người bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị là một trong những chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc và trường hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị thì do Trung tâm này chi trả.
  1. Hình thức trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua. Tuy nhiên, để triển khai nội dung Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì hiện nay vẫn còn có băn khoăn rằng: Liệu hình thức trợ giúp pháp lý trong trường hợp này là gì?
Theo tác giả, trong vụ việc trợ giúp pháp lý hình thức trợ giúp pháp lý là gì phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trước hết là yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu tư vấn pháp luật thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lương, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu tham gia tố tụng thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước người, cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu đại diện ngoài tố tụng thì người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ đại diện cho họ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này cũng vậy, hình thức trợ giúp pháp lý phụ thuộc vào yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
Tiếp đến cần phải xem xét trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bản chất là thủ tục gì?
Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính. Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm các bước:
- Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.
- Thông báo về việc thụ lý hồ sơ: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người theo đúng quy định và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến. Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải bảo đảm quy định của Pháp lệnh, mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân.
Thành phần phiên họp bao gồm: Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp; người tham gia phiên họp gồm có Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc người được ủy quyền, Kiểm sát viên, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp.
Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:
Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;
Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp;
Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc người được ủy quyền trình bày nội dung đề nghị xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
 Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị trình bày ý kiến về nội dung đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
Người tham gia phiên họp trình bày ý kiến về căn cứ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đề nghị hoặc không đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Người giám định, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan;
Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc người được ủy quyền, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận về việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này;
Thẩm phán công bố quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này.
Vậy, kết quả đầu ra của Tòa án trong phiên họp này là Tòa án phải ra một trong các quyết định (đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).
Như vậy việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc diện được trợ giúp pháp lý có thể là ở tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng để tư vấn hoặc đại diện về những quy định, nôi dung xoay quanh vụ việc của họ (ví như: tư vấn cho họ về các quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…). Tuy nhiên trong quá trình xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án theo Pháp lệnh số 01 thì cần căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 2, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 7, Điều 21… của Pháp lệnh, cụ thể:
Tại  khoản 5 Điều 2 Pháp lệnh quy định: Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Toà án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh cũng xác định chi phí cho Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị là một trong những chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và sẽ do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chi trả trong trường hợp Trung tâm này cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị.
Điều 21 Pháp lệnh nêu rõ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trình bày ý kiến và tranh luận về căn cứ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đề nghị hoặc không đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại phiên họp.
Hơn nữa, tại Pháp lệnh cũng quy định người đại diện hợp pháp là một chủ thể khác bên cạnh người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được xác định là người tham gia phiên họp.
Cùng với những quy định trên, đối chiếu về chủ thể thực hiện và nội hàm của các hình thức trợ giúp pháp lý được quy định của Luật Trợ giúp pháp lý tại Điều 31 (tham gia tố tụng), Điều 32 (tư vấn pháp luật), Điều 33 (Đại diện ngoài tố tụng), cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 28: “Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc”.
Khoản 1 Điều 31: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng”.
Khoản 1 Điều 33: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy trong quá trình, đặc biệt là phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Pháp lệnh này, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên họp với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người được trợ giúp pháp lý cho người bị đề nghị chứ không phải tư vấn pháp luật hay đại diện cho họ. Do đó xét về nội hàm và chủ thể thực hiện thì việc tham gia phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện dưới hình thức tham gia tố tụng. Trong trường hợp này, khi nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ ra quyết định cử người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.
-Lan Trinh-

Xem thêm »