Trợ giúp viên pháp lý và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới

17/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.


I. Tổng quan về trợ giúp viên pháp lý
1. Địa vị pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
Trợ giúp viên pháp lý được phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý như sau:
1. Trợ giúp viên pháp lý hạng I - Mã số: V02.01.00
2. Trợ giúp viên pháp lý hạng II - Mã số: V02.01.01
3. Trợ giúp viên pháp lý hạng III - Mã số: V02.01.02
2. Tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý
Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt;
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;
3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;
4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;
5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
So với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có một số sửa đổi, bổ sung như sau:
(1) sửa đổi 02 tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) và có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên” thành “được đào tạo nghề luật sư và đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL” nhằm nâng cao các tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý ngang bằng với tiêu chuẩn của luật sư, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TGPL; (2) sửa đổi tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành “có bằng cử nhân luật trở lên” nhằm tạo điều kiện cho những người là thạc sỹ, tiến sĩ luật  nhưng không có bằng cử nhân luật làm Trợ giúp viên pháp lý, thu hút được những người có kiến thức pháp luật vào công tác này; (3) bỏ tiêu chuẩn “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” vì nội dung này đã kế thừa đưa vào điều kiện cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Điều kiện này được thay thế bằng “Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.”
3. Bổ nhiệm, cấp thẻ và miễn nhiệm, thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý
- Bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý: Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 của Luật Trợ giúp pháp lý gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Miễn nhiệm và thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý
Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý đối với người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.
  • Các trường hợp bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý quy định tại Điều 19 của Luật này;
b) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc;
c) Chuyển công tác khác hoặc thôi việc theo nguyện vọng;
d) Không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;
đ) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo từ lần thứ 02 trở lên hoặc cách chức do thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b, đ hoặc e khoản 1 Điều 6 của Luật này;
e) Đang bị cấm hành nghề trong thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc quy định các trường hợp bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý và chất lượng hoạt động TGPL. Khi thuộc các trường hợp không được thực hiện TGPL, đặc biệt nhất là trường hợp 02 năm không thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cũng bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý nhằm yêu cầu đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cần tập trung vào việc nâng cao trình độ, kỹ năng để tham gia tố tụng – là một công việc khó, đòi hỏi tính chuyên môn, kỹ năng và bản lĩnh nghề nghiệp cao.
4. Chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý
- Lương và phụ cấp:
Trợ giúp viên pháp lý được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).

- Được nhận bồi dưỡng khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý:
Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP.
Ngoài thù lao, bồi dưỡng vụ việc, khi thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý còn được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:
a) Các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chi phí hành chính khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý;
Căn cứ để xác định chi phí hợp lý là biên lai thu phí, lệ phí, hóa đơn tài chính hoặc giấy biên nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tài chính.
b) Trong trường hợp đi công tác phục vụ giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý thì người thực hiện trợ giúp pháp lý được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí như đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác.

- Được cấp trang phục:
Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn sau đây:
a) Quần áo vest: cấp 02 năm/01 lần, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;
b) Áo sơ mi dài tay: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 cái, các lần sau mỗi lần 01 cái;
c) Quần áo xuân hè: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;
d) Giầy da: 01 đôi/01 năm;
đ) Dép quai hậu: 01 đôi/01 năm;
e) Thắt lưng: 01 cái/02 năm;
g) Cà vạt: 01 cái/02 năm;
h) Bít tất: 02 đôi/01 lần/01 năm;
i) Cặp đựng tài liệu: 01 cái/02 năm;
k) Biển hiệu: 01 cái (cấp 01 lần).
5. Quyền, nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;
c) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý và theo quy định của pháp luật về tố tụng;
d) Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
đ) Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
e) Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;
g) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;
h) Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
i) Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
k) Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;
l) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Bên cạnh đó, trợ giúp viên pháp lý còn phải tuân thủ Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
II.  Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới

1. Thực trạng và vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong thực hiện vụ việc
Về số lượng, tính đến hết năm 2022, đã có 688 Trợ giúp viên pháp lý, trong đó 623 Trợ giúp viên pháp lý hạng III, 65 Trợ giúp viên pháp lý hạng II. Trung bình mỗi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/ thành phố chỉ có từ 9 đến 10 Trợ giúp viên pháp lý.
Về chất lượng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm đều bảo đảm đủ các tiêu chuẩn theo quy định, phần lớn  được đào tạo cơ bản qua lớp đào tạo nghề luật sư của Học viện tư pháp và lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp, có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hành nghề, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý. Các Trợ giúp viên pháp lý đều có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề; chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý từng bước được nâng cao. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã dần trưởng thành và có thêm kinh nghiệm, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Tại một số tỉnh miền núi, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, khắc phục tình trạng thiếu luật sư ở địa phương.
Trong 05 năm qua, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được trên 130.000 vụ việc, chiếm 80% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý. Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Luật TGPL, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò là người hướng dẫn pháp luật, bảo đảm cho người được TGPL đều được tiếp cận, sử dụng pháp luật miễn phí trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo điều kiện để công lý và công bằng xã hội được thực thi, thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân biết quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật TGPL...Điều đó bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, mà trước hết là quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình thông qua hoạt động TGPL.
- Trong hoạt động tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần xác định sự thật khách quan của vụ việc được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc công bằng và đúng pháp luật; góp phần tích cực thực hiện cải cách tư pháp, mở rộng điều kiện để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trước toà, bảo đảm cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số,... không có điều kiện thuê luật sư được Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ, bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho họ trước các cơ quan tố tụng.  Chức danh Trợ giúp viên pháp lý với đầy đủ vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL đã ngày càng khẳng định vị trí của mình và  góp phần khẳng định vai trò của hoạt động TGPL nhà nước. Những năm gần đây, tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng tăng. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, nhất là tham gia tố tụng. Tại một số tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng trong những vụ việc bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư, khắc phục tình trạng thiếu luật sư trong thời điểm hiện nay.
- Việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của người được TGPL, qua đó giúp họ nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, có thể tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của người được TGPL. Người được TGPL có thêm sự tự tin để giải quyết vướng mắc pháp luật của bản thân và người thân, tự giác chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, từ đó bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của mình trong việc quản lý nhà nước và xã hội. Nhiều người thuộc diện nghèo, yếu thế khi có vướng mắc pháp luật đã biết chủ động tìm đến tổ chức thực hiện TGPL thay vì sử dụng các biện pháp giải quyết thụ động hoặc bất hợp pháp. Nhiều vụ được Trợ giúp viên pháp lý giúp hòa giải thành trước khi phải đưa ra Tòa án đã giữ được tình đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm cho người dân, góp phần xây dựng điều kiện quan trọng để phát triển một nền văn hóa pháp lý và nếp sống văn minh tại cộng đồng.
- Nhiều vụ việc thành công, hiệu quả do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của hoạt động TGPL trong đời sống xã hội.
2. Một số giải pháp nâng cao năng lực của trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, khơi dậy tinh thần tự giác học tập, trau dồi chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp; đồng thời chủ động đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên viên pháp lý thành trợ giúp viên pháp lý.
- Đảm bảo chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ những người thực hiện TGPL.
- Nghiên cứu chính sách để tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những người thực hiện TGPL nói chung và Trợ giúp viên pháp lý nói riêng có nhiều vụ việc chất lượng và vụ việc thành công, hiệu quả.
- Tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL công khai, minh bạch và hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá chất lượng tổ chức thực hiện TGPL và giám sát kết quả vụ việc để đảm bảo các đánh giá khách quan, trung thực và công bằng.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân, góp phần giúp người thực hiện TGPL nói chung và Trợ giúp viên pháp lý nói riêng thực hiện vụ việc TGPL được dễ dàng và thuận lợi hơn./.
- Thanh Hà -
 
 

Xem thêm »