Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Một số kết quả, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý trong 05 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt NamI. Nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 – 2022Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, ngày 05/01/2018, Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ký kết, ban hành Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 về thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022.
Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN quy định rõ trong giai đoạn 2018 - 2022, hai bên tăng cường phối hợp công tác để triển khai thực hiện có hiệu quả một số lĩnh vực của Bộ Tư pháp như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; phối hợp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ngành Tư pháp và tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và góp ý, tham gia xây dựng pháp luật.
Về nội dung trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp trong các vấn đề:
- Phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến trợ giúp pháp lý;
- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý; thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý; cung cấp mẫu đơn và giới thiệu phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp trong giới thiệu luật sư, tư vấn viên pháp luật có đủ điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý;
- Phối hợp, liên kết hoạt động tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại các Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Trung ương Hội và Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.
- Phối hợp trong bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
- Phối hợp trong tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và góp ý, tham gia xây dựng pháp luật.
Một số kết quả, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý trong 05 triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 về thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 – 2022
Sau 05 năm triển khai Chương trình phối hợp này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ có thể kể đến như sau:
1. Kết quả chung về công tác hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình
Hàng năm, Bộ Tư pháp và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp ban hành các Kế hoạch liên ngành[1] về việc thực hiện Chương trình để hướng dẫn cơ quan Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp. Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hướng dẫn thực hiện các nội dung phối hợp, lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng năm của Bộ và Hội. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức triển khai nội dung chương trình phối hợp được hai ngành thực hiện trên cơ sở xác định đối tượng ưu tiên theo đặc thù của mỗi ngành, theo đó, đã thực hiện một số hoạt động chỉ đạo điểm tại cơ sở (chủ yếu là các vùng sâu, vùng xa) nhằm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; đồng thời, thực hiện các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở trực tiếp tới cán bộ, hội viên phụ nữ.
Để đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ Tư pháp đã thống nhất với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ban hành Công văn số 1504/BTP-PBGDPL ngày 11/5/2022 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn tổng kết Chương trình phối hợp gửi Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ở địa phương, để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, qua theo dõi có 39/63 Sở Tư pháp và tỉnh, thành Hội phụ nữ đã ký kết Chương trình phối hợp (như Bà Rịa–Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lawsk, Đắk Nông, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hải Phòng, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tun, Lạng Sơn, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái...) hoặc ban hành Kế hoạch liên ngành (Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Dương, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Tiền Giang, Trà Vinh...). Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch hàng năm, có văn bản đôn đốc thực hiện Chương trình, ban hành Kế hoạch phối hợp, tiến hành tổng kết giai đoạn 2018-2022.
Tại một số địa phương, 100% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp (như Bắc Giang, Cà Mau, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái...); tổ chức hội nghị triển khai nội dung Chương trình phối hợp cho lãnh đạo chủ chốt của các ngành, đoàn thể, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp và công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh (như Cà Mau, Thái Bình…); đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật vào thang điểm thi đua hàng năm của Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện và là nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi, tổ Hội; lựa chọn xã điểm để thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm các công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở (tỉnh Nam Định).
Trong quá trình phối hợp, hai ngành đã chú trọng lồng ghép chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình với các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trên địa bàn; lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua do Hội Phụ nữ phát động. Phối hợp trao đổi thông tin nhằm giúp các cấp Hội phụ nữ và ngành Tư pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp, quan tâm thực hiện kiểm tra, đánh giá tình hình, nắm bắt khó khăn, hạn chế và đề ra phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình.
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý của Chương trình
Ở trung ương: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, hai ngành đã tổ chức các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, trong đó có phụ nữ.
Về phía Bộ Tư pháp: hàng năm, Bộ Tư pháp đều thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, trong đó có truyền thông về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó có kỹ năng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đồng thời, chỉ đạo các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện truyền thông hoặc thông qua các hoạt động nghiệp vụ lồng ghép truyền thông trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân của mua bán người có khó khăn về tài chính…để họ hiểu được quyền được trợ giúp pháp lý, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước.
Trong giai đoạn 2018-2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các địa phương trong đó chú trọng trao đổi về kỹ năng, kinh nghiệm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em vi phạm pháp luật, phụ nữ/trẻ em là nạn nhân của bạo lực...); tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các luật sư, tư vấn viên pháp luật trực thuộc hội phụ nữ, các Đoàn luật sư và một số đoàn thể khác.
Ngoài ra, trong quá trình quản lý, đặc biệt nhân tháng hành động vì trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này, đặc biệt là trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, trong các vụ việc bạo lực gia đình; chỉ đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước kịp thời vào cuộc đối với các vụ việc “nóng” được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng… Có thể nói, tất cả các vụ việc liên quan đến đối tượng được trợ giúp pháp lý mà báo chí quan tâm thì các địa phương đều vào cuộc kịp thời[2].
Về phía Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam còn chủ trì, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp một số tỉnh, thành tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên phụ nữ và người dân về các nội dung như: hôn nhân và gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người; hôn nhân có yếu tố nước ngoài....
Ở địa phương, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã quan tâm, chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được TGPL là phụ nữ để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã lồng ghép nội dung bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; phòng, chống xâm hại tình dục trong các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý hay thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã góp phần bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là phụ nữ; lồng ghép trong các đợt truyền thông trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; cung cấp mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý đến các cấp Hội phụ nữ, thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý; thực hiện tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại Trung tâm. Theo báo cáo Trung tâm trợ giúp pháp lý, các chi nhánh của Trung tâm đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai việc khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý nhằm xác định những lĩnh vực pháp luật nào người dân có nhiều vướng mắc, cần phải tập trung giải quyết; lồng ghép nội dung bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; phòng, chống xâm hại tình dục trong các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý; đồng thời, thực hiện nhiều hình thức trợ giúp phù hợp với đối tượng tiếp cận: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; tổ chức tư vấn pháp luật, tập huấn kiến thức pháp luật mới, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phát hành miễn phí tài liệu pháp luật; giới thiệu phụ nữ là đối tượng được trợ giúp pháp lý đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được trợ giúp miễn phí... Thông qua các hoạt động này đã bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ là người được trợ giúp pháp lý nói riêng về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Sở Tư pháp các tỉnh, thành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ phụ nữ làm công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải đáp những vướng mắc pháp luật cho hội viên phụ nữ, như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; đánh giá và đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý...
Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở cơ sở được hai ngành quan tâm thực hiện hằng năm. Đội ngũ này ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Các Trung tâm TGPL nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm đã có các hoạt động khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ có đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên TGPL và thực hiện các vụ việc TGPL, nhất là các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán người; huy động hội viên phụ nữ tham gia đóng góp, hỗ trợ hoặc phối hợp triển khai các hoạt động TGPL ở cơ sở.
Công tác tổ chức sơ kết, tổng kết và kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình: Trong 05 năm, ở trung ương và địa phương, việc kiểm tra, đánh giá tình hình, nắm bắt khó khăn, hạn chế và đề ra phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm triển khai Chương trình được cơ quan Tư pháp, Hội phụ nữ các cấp quan tâm thực hiện. Trong đó chú trọng lồng ghép với kiểm tra định kỳ hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, các chương trình, đề án về PBGDPL, TGPL, TVPL, HGOCS, LGG và công tác Hội. Các cấp Hội còn tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trực tiếp tới gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới như thi hành Luật Bình đẳng giới; thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; qua thực hiện Kế hoạch vì sự tiến bộ phụ nữ của hai ngành...
Kinh phí thực hiện Chương trình ở trung ương, địa phương nhìn chung còn hạn hẹp, chủ yếu được lồng ghép trong kinh phí thường xuyên được phê duyệt định kỳ hàng năm. Ngoài ra các địa phương còn tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch khác. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài kinh phí của ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Chương trình chưa được chú trọng.
Qua 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp, ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao. Việc triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình được thực hiện gắn với công tác tư pháp, công tác Hội và các chương trình, đề án cho phụ nữ. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện Chương trình:
- Sự phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình chưa được thường xuyên; hoạt động sơ kết việc thực hiện Chương trình chưa được thực hiện theo định kỳ nên chưa cập nhật và phối hợp giải quyết đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên.
- Chưa chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Một số cán bộ Hội phụ nữ còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác PBGDPL, TVPL, TGPL, tra cứu văn bản, tham gia xây dựng, phản biện xã hội cũng như giám sát việc thực hiện pháp luật ở địa phương
- Khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của phụ nữ còn hạn chế, nhất là phụ nữ là người khuyết tật hay nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quyền được thông tin về pháp luật của phụ nữ chưa được bảo đảm thực hiện đầy đủ; định kiến về giới còn tồn tại trong gia đình; tình trạng phụ nữ bị bạo hành vẫn xảy ra tại một số địa phương có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều.
- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được đổi mới nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về pháp luật của phụ nữ; hoạt động của một số mô hình còn mang tính hình thức.
- Kinh phí bố trí triển khai các nhiệm vụ của Chương trình phối hợp rất hạn chế, chủ yếu là lồng ghép nên làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai hoạt động cũng như kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên như sau:
- Nhận thức, trách nhiệm về công tác PBGDPL cho phụ nữ ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Hội LHPN một số địa phương được thường xuyên. Công tác PBGDPL, TGPL, TTVPL, HGVOCS chủ yếu được thực hiện gắn với nhiệm vụ chuyên môn của hai ngành.
- Đội ngũ làm công tác PBGDPL, TGPL, TTVPL cho phụ nữ chất lương chưa đồng đều, còn ít người biết tiếng dân tộc thiểu số nên gây khó khăn trong quá trình giao tiếp, tư vấn hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
- Việc triển khai Chương trình phối hợp cũng bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 nên nhiều nhiệm vụ của Chương trình đã không được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Chương trình.
Bài học kinh nghiệm từ việc triển khai Chương trình:
- Tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bên ký kết Chương trình; phát huy vai trò của cơ quan tư pháp, hội phụ nữ trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về triển khai chương trình phối hợp thường xuyên, có chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở và tập trung theo từng đối tượng, theo địa bàn và từng thời điểm.
- Đổi mới nội dung, hình hức, phương pháp phù hợp, liên quan mật thiết với từng nhóm đối tượng phù hợp với từng vùng miền, các vấn đề thực tế cuộc sống đang được dư luận xã hội quan tâm. Gắn việc thực hiện chương trình phối hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị.
- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ, HGOCS của các cấp Hội, đội ngũ cán bộ ngành tư pháp về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ biết tiếng dân tộc hoặc là người dân tộc thiểu số.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ, HGOCS và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật; đồng thời, có sự đầu tư thỏa đáng về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác này...
Khả Hân
[1] Kế hoạch số 2340/KHLN-BTP-HLHPNVN ngày 28/6/2018 thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2018; Kế hoạch số 1682/KHLN-BTP-HLHPNVN ngày 13/5/2019 thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2019; Kế hoạch số 2065/KHLN-BTP-HLHPNVN ngày 09/6/2020 thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2020; Kế hoạch số 1340/KHLN-BTP-HLHPNVN ngày 06/5/2021 thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2021.
[2] Ví dụ như vụ việc thiếu nữ dưới 16 tuổi bị PGĐ 01 công ty hiếp dâm ở Bình Thuận; vụ việc bé gái bị hàng xóm hiếp dâm ở Bình Dương; …