Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng đề mục trợ giúp pháp lý trong Bộ pháp điển Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành và trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển Kết quả pháp điển đã được Chính phủ thông qua được đăng tại Mục Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn). Trong phạm vi bài viết này xin được giới thiệu về cấu trúc của Bộ pháp điển và cách thức khai thác, sử dụng đề mục trợ giúp pháp lý tại Chủ đề số 4 Đề mục số 5 trong Bộ pháp điển:1. Khái niệm pháp điển
Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL quy định: “Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.
2. Bộ pháp điển của Việt Nam
2.1. Địa chỉ truy cập
Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn
2.2. Cấu trúc của Bộ pháp điển
Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45. Mỗi Chủ đề có 1 hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề), trong đó đề mục trợ giúp pháp lý được pháp điển tại Chủ đề số 4 Đề mục số 5 (Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 81/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục). Trong mỗi đề mục có thể có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều, Khoản, Điểm.
2.2. Nguyên tắc thực hiện pháp điển
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh pháp điển, việc thực hiện pháp điển phải tuân thủ 04 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc thứ nhất, không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển
Nguyên tắc thứ hai, theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp
Nguyên tắc thứ ba, cập nhật quy phạm pháp luật mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển
- Nguyên tắc thứ tư, tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển.
2.3. Cách sắp xếp các Điều trong Bộ pháp điển
Bộ pháp điển được pháp điển từ các QPPL đang còn hiệu lực tại thời điểm pháp điển. Các QPPL này được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản chứa đựng QPPL được pháp điển từ cao xuống thấp (trường hợp các văn bản cùng cấp thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành); các QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các QPPL được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Ví dụ: - Điều của Luật
- Điều của Nghị định 1
- Điều của Nghị định 2
- Điều của Thông tư 1
- Điều của Thông tư 2
2.4. Cập nhật quy phạm pháp luật mới ban hành
Điều 16 Pháp lệnh Pháp điển quy định QPPL mới ban hành là các QPPL được ban hành sau ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định đối với kết quả pháp điển theo đề mục.
Điều 17 Pháp lệnh Pháp điển quy định cập nhật QPPL mới ban hành như sau:
- Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định QPPL có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này;
- Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định QPPL có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này;
- Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ;
- Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này;
- Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các QPPL mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các QPPL có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.
- Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển;
- Việc thực hiện pháp điển các QPPL mới ban hành đối với các trường hợp khác được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
2.5. Một số kỹ thuật khác trong Bộ pháp điển
a) Ghi chú của Điều
Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là phần ghi chú của điều. Theo đó, phần ghi chú được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng; ghi cụ thể là điều số mấy của văn bản nào, hoặc ghi sự biến động trong nội dung của điều (điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ). Phần ghi chú được gán link đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Ví dụ 1:
Điều 4.5.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Luật số 11/2017/QH14 Trợ giúp pháp lý ngày 20/06/2017 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018)
………………..
Ví dụ 2:
Điều 4.5.NĐ.1.2. Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý
(Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018)
………………..
Ví dụ 3:
Điều 4.5.TT.1.4. Thời gian tham gia tố tụng
(Điều 4 Thông tư số 18/2013/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017)
……………….
b) Chỉ dẫn các Điều có nội dung liên quan
Các điều có nội dung liên quan đến nhau được sắp xếp gần nhau theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp. Trường hợp các điều được pháp điển từ các văn bản có giá trị pháp lý bằng nhau thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành. Tuy nhiên, có một số trường hợp, các điều có nội dung liên quan đến nhau nhưng không sắp xếp gần nhau thì được chỉ dẫn là có liên quan đến nhau. Phần chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng sau nội dung của điều hoặc sau tên của phần, chương, mục, tiểu mục trong đề mục. Phần này ghi chú về các nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển. Các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục được chỉ dẫn có gán link đến phần nội dung của các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục đó trong Bộ pháp điển.
Ví dụ:
Điều 4.5.LQ.6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý
(Điều 6 Luật số 11/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018)
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 32.2.LQ.7. Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; Điều 4.5.LQ.14. Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; Điều 4.5.LQ.22. Miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý; Điều 4.5.LQ.25. Các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý; Điều 4.5.LQ.37. Không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; Điều 4.5.NĐ.1.4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm; Điều 4.5.NĐ.1.18. Thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý)
3. Hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển
3.1. Xem Danh mục văn bản sử dụng pháp điển vào mỗi đề mục
Ngay bên cạnh tên của mỗi đề mục có cụm từ (Danh mục văn bản), khi đó, người dùng click chuột vào cụm từ (Danh mục văn bản), màn hình sẽ hiện ra toàn bộ Danh mục các văn bản sử dụng để pháp điển. Đối với từng văn bản sử dụng để pháp điển được thể hiện các thông tin về: Cơ quan thực hiện pháp điển, ngày ban hành, ngày có hiệu lực của văn bản và số thứ tự của văn bản trong đề mục.
3.2. Xem toàn bộ nội dung của đề mục
Khi vào Bộ pháp điển, màn hình máy tính hiển thị 45 chủ đề. Người dùng tìm kiếm các đề mục trong 45 chủ đề. Bên cạnh mỗi đề mục có cụm từ (Xem chi tiết), khi đó, người dùng click chuột vào cụm từ (Xem chi tiết), màn hình sẽ hiện ra toàn bộ nội dung của đề mục.
3.3. Xem nội dung theo cấu của đề mục
Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Do đó, màn hình hiển thị Bộ pháp điển điện tử đầu tiên gồm 45 chủ đề. Người dùng click chuột vào tên chủ đề mà mình muốn tìm kiếm thì màn hình xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó. Người dùng tiếp tục click chuột vào tên đề mục thì màn hình hiện lên cấu trúc của đề mục (các Phần hoặc Chương). Cứ thế tiếp theo, người dùng click chuột vào tên Phần thì màn hình hiện lên các Chương; click chuột vào tên Chương thì màn hình hiện lên các Mục; click chuột vào tên Mục thì màn hình hiện lên các Tiểu mục; click chuột vào tên Tiểu mục thì màn hình hiện lên các Điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất; click chuột vào Điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất thì màn hình hiện lên các Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Chủ đề 1
- Đề mục (xem chi tiết)
- Phần (xem chi tiết)
- Chương (xem chi tiết)
- Mục (xem chi tiết)
- Tiểu mục (xem chi tiết)
- Điều của Luật (xem chi tiết)
- Điều của Nghị định (xem chi tiết)
- Điều của Thông tư (xem chi tiết)
Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “Xem chi tiết”. Người dùng click chuột vào cụm từ “Xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể).
3.4. Tính năng hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm theo từ khóa: Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm các nội dung pháp lý cần tìm trong phần cấu trúc của Bộ pháp điển./.
Thu Hiền - Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ