Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý hiện nay

22/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mặc dù công tác trợ giúp pháp lý được triển khai từ năm 1997 đến nay nhưng vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là người được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý chưa biết đến hoạt động này và quyền được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và một trong các nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là truyền thông về trợ giúp pháp lý.

1. Điểm qua vài nét về hoạt động truyền thông hiện nay
Hoạt động truyền thông của cơ quan nhà nước giúp cung cấp thông tin, giải trình về chính sách, pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến pháp luật.... Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước Việt Nam đã thực hiện công tác này một cách chuyên nghiệp, chủ động và hiệu quả hơn. Nhà nước nắm giữ nhiều nguồn lực, phương tiện và công cụ truyền thông để phát đi thông điệp, tuyên truyền... cũng như tạo ra các cuộc thăm dò, thu thập ý kiến để đưa ra các chính sách, quy định phù hợp. Truyền thông của nhà nước thường gồm các nội dung chính: truyền thông chính sách, pháp luật, kết quả hoạt động, xây dựng hình ảnh, uy tín.... Các nội dung này được thực hiện thông qua các hoạt động như thông tin báo chí của cơ quan báo chí ngành, của bộ phận truyền thông, theo dõi báo chí, nghiên cứu dư luận xã hội, họp báo và cung cấp thông tin cho báo chí, quan hệ với báo chí bên ngoài, sử dụng người phát ngôn, tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông khác. Các kênh truyền thông nhà nước khá phong phú như báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, người phát ngôn, tài liệu, các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội... Các cơ quan nhà nước tổ chức hoạt động truyền thông của mình thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý, chiến lược, kế hoạch, bảo đảm về tài chính, thiết lập bộ phận chuyên trách, định hướng nội dung nhằm truyền đạt, trao đổi thông tin với người dân. Đó là quá trình tương tác hai chiều, nhà nước truyền đạt thông tin, thông điệp, quan điểm tới người dân, doanh nghiệp và thu nhận phản hồi, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp….
Mặc dù hoạt động truyền thông trong thời gian gần đây có nhiều điểm tiến bộ, đáng khích lệ, tuy nhiên có thể thấy rằng các kênh truyền thông còn chưa phong phú, hiện đại, thu hút công chúng. Truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới chưa được tận dụng hiệu quả vào việc xây dựng và truyền tải thông tin. Truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội chưa được khai thác để tiến hành các hoạt động truyền thông. Đa phần các CQNN chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa thường xuyên, chưa hiệu quả các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, youtube... vào công tác truyền thông nên tốc độ truyền tải thông tin còn chậm, nội dung và hình thức thông tin kém thu hút.
2. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý
Mặc dù công tác trợ giúp pháp lý được triển khai từ năm 1997 đến nay nhưng vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là người được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý chưa biết đến hoạt động này và quyền được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và một trong các nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là truyền thông về trợ giúp pháp lý. Vì  vậy, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, công tác truyền thông đã được chú trọng, các hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý đã đa dạng hơn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là ở cơ sở.
Cụ thể trong thời gian qua ở trung ương và địa phương đã triển khai nhiều phương thức truyền thông khác nhau như: Ở Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để thực hiện các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)... thông qua việc xây dựng, phát sóng nhiều thông điệp, phóng sự, tọa đàm, chuyên mục về công tác trợ giúp pháp lý (ví dụ như: Phóng sự về TGPL trong cải cách tư pháp trên Chương trình Quốc hội với cử tri phát sóng trên VTV1; Phóng sự “Đưa Luật Trợ giúp pháp lý vào cuộc sống" trong Chương trình An sinh xã hội trên VTV2; Phóng sự trợ giúp pháp lý cho người có khuyết tật - một trong những mục tiêu thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam trong Chương trình đối diện trên VTV1... hoặc xây dựng và phát hành các video tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, nạn nhân bị bạo lực.v.v).
Ở địa phương, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin, truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chính quyền cơ sở để truyền thông về trợ giúp pháp lý cho trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú qua các buổi trợ giúp pháp lý về cơ sở hoặc thông qua biên soạn tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật để phát cho cán bộ và nhân dân giới thiệu về trợ giúp pháp lý; phối hợp xây dựng chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử của tỉnh, thành phố; cung cấp và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt hơn hàng nghìn Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ...
Các hoạt động truyền thông này đã thu hút được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan, từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý đã được nâng cấp, hoàn thiện, kịp thời cung cấp văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương và địa phương, là diễn đàn rộng rãi để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng trợ giúp pháp lý trên toàn quốc. Đây cũng là một kênh thông tin để người dân biết đến quyền được TGPL, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Hơn nữa, từ năm 2016 đến hết năm 2020, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương đã bổ sung kinh phí cho các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý để người dân liên hệ khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, hiệu quả việc truyền thông về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý chưa đạt được như mong muốn, công tác truyền thông chưa phản ánh sinh động thực tế công tác trợ giúp pháp lý nên chưa thu hút sự quan tâm nhiều của xã hội, người dân về công tác này.
Ở Trung ương, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đưa thông tin về trợ giúp pháp lý đến người thuộc diện trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức có liên quan nói riêng và người dân nói chung, tuy nhiên, công tác truyền thông tại Trung ương thực hiện còn gặp một số khó khăn như: cán bộ làm công tác truyền thông của Cục Trợ giúp pháp lý còn mỏng, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng về truyền thông thông qua những khóa đào tạo, tập huấn chuyên nghiệp, kinh phí dành cho hoạt động này hạn chế. Ở địa phương, một số nơi hoạt động truyền thông chưa nhiều khởi sắc, người dân chưa tiếp cận đầy đủ với dịch vụ trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa có kỹ năng truyền thông và các nội dung, phương thức truyền thông chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân tộc, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình...) nên các thông tin về trợ giúp pháp lý chưa được truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo ấn tượng để người dân hiểu và lưu lại thông tin về trợ giúp pháp lý để tìm đến khi cần; việc truyền thông về những vụ việc thành công chưa thật sự hiệu quả, chưa tạo dựng được nhiều ấn tượng cho người dân.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về trợ giúp pháp lý
Hiện nay, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiết bị thông minh, mô hình truyền thông đa phương tiện và truyền thông xã hội với tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng đã đặt vấn đề truyền thông trước thách thức lớn. Việt Nam hiện có 96,9 triệu dân, 145,8 triệu thuê bao di động, 68,17 triệu thuê bao internet, 65 triệu người sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, cần phải có giải pháp nâng cao công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý theo hướng chủ động, đa phương tiện để tăng sự tương tác với người dân.
Hiện nay, thể chế về trợ giúp pháp lý đã ghi nhận diện đối tượng trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; trình tự thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý đã được quy định để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân. Tuy nhiên, có một thực  tế là người dân chưa biết nhiều đến hoạt động này để đề nghị trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật hay tranh chấp phát sinh. Do đó, vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành cần có sự tham gia tích cực, làm tốt trách nhiệm của mình để thông tin trợ giúp pháp lý đến được với người dân. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để quyền được trợ giúp pháp lý được thực hiện trên thực tế. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần nghiên cứu phương thức truyền thông phù hợp, linh hoạt nâng cao cơ hội tiếp cận và sử dụng TGPL của người dân nhằm triển khai hiệu quả các nội dung về trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, dân tộc thiểu số, nông thôn mới.
Trong thời gian tới việc truyền thông về trợ giúp pháp lý cần thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, đa dạng hoá các phương thức truyền thông trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền thông về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân và cán bộ, đảng viên để mọi người đều biết và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý, qua đó cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ làm việc ở các cơ quan tiếp xúc hàng ngày với người dân (Ủy ban nhân dân xã, giáo viên trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…)  kịp thời giải thích, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý tiếp cận tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn để yêu cầu trợ giúp pháp lý, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bên cạnh đó, hình thành các diễn đàn hỏi/đáp, chuyên mục tương tác với người dân trên cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức; tăng cường các hình ảnh minh họa, các bài phóng sự, phỏng vấn, bình luận của người dân, chịu ảnh hưởng bởi các chính sách, pháp luật để tạo ra sự khách quan và thu hút hơn với công chúng. Tăng sự tương tác hai chiều, đối thoại với công chúng, xử lý nhanh các sự cố truyền thông bằng cách xây dựng quy trình minh bạch thông tin, phản ứng nhanh khi xã hội cần thông tin. Bố trí các thiết bị, công cụ, các phần mềm, lập các trang fangpage chính thức của cơ quan, kênh hỏi đáp trực tuyến, đường dây nóng. Đổi mới về nhân sự thực hiện công tác truyền thông, cử bồi dưỡng, đào tạo về truyền thông chính sách, truyền thông chính phủ, truyền thông đa phương tiện, kỹ năng họp báo, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, xử lý thông tin trên báo chí, phân tích thông tin trên mạng xã hội... Đa dạng hóa các kênh truyền thông như thiết lập và vận hành trang mạng xã hội chính thức để chủ động thông tin về chính sách, pháp luật và hoạt động. Điều này phù hợp với yêu cầu của Chính phủ tại Quyết định số 1497/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030: “Đến năm 2025, 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ... sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương”. Phát triển các tính năng tương tác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, truyền thông đa phương tiện, tích hợp hình ảnh, video trên cả các nền tảng của thiết bị thông minh. Tổ chức sự kiện truyền thông như hội thảo, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tấm gương điển hình, hợp tác sản xuất phim truyền hình... để tương tác với công chúng.../.

 
 
 
 

Xem thêm »